MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao dầu mỏ Nga hạ giá vẫn ế, trong khi nhiều nước sẵn sàng mua dầu Trung Đông giá cao?

05-03-2022 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Vì sao dầu mỏ Nga hạ giá vẫn ế, trong khi nhiều nước sẵn sàng mua dầu Trung Đông giá cao?

Là một trong số ít nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, thế nhưng giờ đây Nga đang rơi vào tình trạng "chết lâm sàng" khi bị thế giới quay lưng.

Giá dầu mỏ đang tăng cao đột biến trong khi nhiều quốc gia tỏ ra hết sức lo lắng cho nguồn cung bị gián đoạn do tác động của lệnh trừng phạt nặng nề của các nước phương Tây áp đặt lên hệ thống ngân hàng của Nga giữa căng thẳng leo thang không ngừng do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Cùng lúc đó, hàng loạt các tập đoàn kinh doanh xăng dầu trên khắp thế giới cũng đang "giẫm đạp lên nhau" để tìm kiếm nguồn cung thay thế trong một thị trường dầu mỏ vốn đã chật hẹp từ trước đó.

Giá dầu thô tăng với tốc độ phi mã

Ngay ngày đầu tiên của tháng 3/2022, giá dầu đã tăng hơn 10%, cụ thể: giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng 11,5% lên 106,78 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 8/20133. Cùng lúc đó, giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) tăng 7,1% lên mức 104,97 USD/thùng, và đến ngày 3/3 thì đã tăng lên mức 120 USD/thùng.

"Do xảy ra tình trạng hạn chế nguồn cung nên bất cứ sự gián đoạn nào xảy ra cho việc xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ có thể tạo nên một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu", ông Kaho Yu, chuyên gia tư vấn tại tập đoàn tư vấn chiến lược và quản trị rủi ro Verisk Maplecroft nhận xét.

Giới chuyên gia cho biết, gần 50% dầu thô xuất khẩu của Nga có điểm đến là châu Âu, đóng góp phần lớn vào tổng thu ngân sách của Nga. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, với sản lượng xuất khẩu đạt mức 5 triệu thùng/ngày. Theo số liệu của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), 48% lượng xuất khẩu dầu thô của Nga trong năm 2020 có điểm đến là châu Âu với các nhà nhập khẩu hàng đầu bao gồm Đức, Ý, Hà Lan, Ba Lan và Phần Lan. Còn nếu tính trên phạm vi toàn cầu thì Nga chiếm hơn 10% lượng xuất khẩu dầu mỏ cho cả thế giới.

 Vì sao dầu mỏ Nga hạ giá vẫn ế, trong khi nhiều nước sẵn sàng mua dầu Trung Đông giá cao? - Ảnh 1.

Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới (Ảnh: Bloomberg)

Đóng vai trò như là một "trạm xăng lớn" với 10 triệu thùng dầu được sản xuất mỗi ngày, ông Jason Furman, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard và từng là cố vấn của cựu tổng thống Barack Obama, đã ví von một cách hình tượng rằng, Nga là một "trạm xăng lớn" của cả thế giới. Chính vì vậy, dù muốn hay không thì khủng hoảng Nga-phương Tây trong vấn đề Ukraine một lần nữa làm rõ nét hơn tình trạng phụ thuộc một cách sâu sắc của châu Âu với Nga trong vấn đề cung ứng năng lượng.

Tình hình càng trở nên bất ổn hơn bởi không dễ để châu Âu tìm được nhà cung ứng thay thế tức thời kể cả khi Mỹ nêu cam kết sẽ hỗ trợ châu Âu về nguồn cung khí hóa lỏng trong trường hợp khủng hoảng Ukraine leo thang.

Dầu thô của Nga đang bị "ế sưng ế xỉa"

Những tưởng Nga sẽ nắm trong tay "con át chủ bài" là nguồn cung dầu mỏ có lớn thì sẽ có thể thao túng được thị trường dầu thô thế giới trong bất cứ hoàn cảnh nào, thế nhưng những gì đang diễn ra lại cho thấy một đáp án hoàn toàn trái ngược.

Mặc dù Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chưa có động thái áp dụng các biện pháp trừng phạt với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, thế nhưng phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vẻ như cảm nhận được quá nhiều rủi ro nếu tiếp tục mua dầu của Nga trong tình hình "nước sôi lửa bỏng" này.

Họ lo ngại sẽ gặp những khó khăn trong việc thanh toán khi Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, chưa kể nguy cơ "dính" tên lửa của các bên nếu vận chuyển dầu từ Nga trong thời điểm này. Đây không phải là điều võ đoán khi hôm 25/2, một tên lửa không xác định đã bắn trúng một tàu chở dầu treo cờ Moldova.

 Vì sao dầu mỏ Nga hạ giá vẫn ế, trong khi nhiều nước sẵn sàng mua dầu Trung Đông giá cao? - Ảnh 2.

Mặc dù giá dầu thế giới đang tăng cao đột biến, thế nhưng dầu thô của Nga vẫn đang trong tình trạng ế ẩm (Ảnh: Imrussia)

Chính vì vậy mà kể cả khi các nhà xuất khẩu của Nga đang nhiệt tình chào bán loại dầu chất lượng cao nhất của nước này với mức chiết khấu lên đến 20 USD/thùng, thế nhưng hầu như không có mấy ai tỏ vẻ quan tâm. Thay vào đó, phần lớn thương nhân ở châu Âu đã chuyển sang thị trường dầu mỏ Trung Đông, góp phần khiến giá dầu toàn cầu vọt lên trên 100 USD/thùng trong những ngày gần đây.

"Rõ ràng đóng góp của Nga vào nguồn cung dầu thế giới đã bị hạn chế một cách đáng kể", Tom Kloza, Giám đốc Cơ quan phân tích năng lượng toàn cầu của Dịch vụ Thông tin Giá dầu (OPIS) cho biết.

Nga buộc phải chấp nhận phương án "giảm giá hay là chết"

Các lệnh cấm nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga chắc chắn sẽ có tác động lớn đến nguồn ngân sách thu được của quốc gia này. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nga thì nước này đã "bỏ túi" hơn 110 tỷ USD trong năm 2021 nhờ vào việc xuất khẩu dầu thô cho các bạn hàng ở châu Âu và trên khắp thế giới, gấp đôi so với nguồn thu từ việc kinh doanh khí ga tự nhiên ở thị trường nước ngoài.

Do dầu mỏ là một mặt hàng có thể thay thế nhà cung cấp thuộc phạm vi toàn cầu nên phần lớn dầu thô của Nga xuất khẩu sang châu Âu và các quốc gia thuộc nhóm G-7 có thể sẽ bị chuyển hướng sang các điểm đến khác. Điều này sẽ giúp giải phóng các nguồn cung cấp dầu thô từ Na Uy và Ả Rập Xê Út để chuyển hướng trở lại châu Âu.

Dầu thô của Nga có hàm lượng lưu huỳnh cao cùng nhiều tạp chất khác, vì vậy, cần có hệ thống trang thiết bị chuyên dụng để tiến hành quá trình xử lý trước khi có thể bán đi bất cứ đâu. Thế nhưng, nhiều nhà kinh doanh dầu thô ở khu vực châu Á, như Ấn Độ và Thái Lan, vẫn chấp nhận nhập khẩu lượng dầu thô này, chưa kể Nga còn có những thỏa thuận cung ứng đặc biệt với các nước như Cuba và Venezuela.

 Vì sao dầu mỏ Nga hạ giá vẫn ế, trong khi nhiều nước sẵn sàng mua dầu Trung Đông giá cao? - Ảnh 3.

Nga đang chịu nhiều tác động bởi lệnh trừng phạt từ phương Tây gây ảnh hưởng đến giá dầu thô xuất khẩu của mình (Ảnh: Sasha Mordovets/Getty)

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh với Ukraine, Nga đang bắt đầu "ngấm đòn" với các đòn trừng phạt từ Mỹ và châu Âu đối với việc kinh doanh dầu thô của mình.

Khi các nhà máy lọc dầu từ châu Âu mua nhiều dầu hơn từ những nơi như Ả rập Xê út, các công ty Nga đang cố gắng bán dầu thô cho các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và các nước châu Á bằng cách đại hạ giá.

Chính cách làm ăn mang tính vớt vát này của Nga đã khiến nhiều quốc gia tận dụng cơ hội để gây sức ép bằng các yêu sách của mình. Ấn Độ chỉ chịu mua dầu thô của Nga trên những chiếc tàu chở dầu đã ra đến được hải phận quốc tế với điều kiện là nhận được chiết khấu ở mức cao. Các nước như Venezuela và Iran cũng áp dụng đúng chiến lược này với Nga: Giảm giá hay là chết.

https://soha.vn/vi-sao-dau-mo-nga-ha-gia-van-e-trong-khi-nhieu-nuoc-san-sang-mua-dau-trung-dong-gia-cao-20220303211911042.htm

Theo Nguyễn Thuận

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên