Vì sao điều hòa không khí lại trở thành đồ hiếm thấy ở châu Âu, dù mùa hè trời nắng như đổ lửa cũng chẳng mấy ai dùng?
Món thiết bị gia dụng này tưởng chừng như đã trở thành thứ không thể thiếu của người dân trên khắp thế giới. Nhưng người châu Âu cho rằng, sử dụng điều hòa là một điều xa xỉ không cần thiết.
- 27-05-202310 mẹo dùng điều hòa tiết kiệm điện mùa nắng nóng
- 26-05-2023Hà Nội: Rộ mốt mua quạt mini đeo cổ chống nóng
- 22-05-2023Nắng nóng gay gắt, thiết bị tích điện hút khách mùa hè
Nhiều người nước ngoài khi tới châu Âu vào cao điểm nắng nóng của mùa hè sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy hình ảnh những chiếc quạt máy được dùng ở nhiều nơi, ngay cả trong những nhà hàng và quán bar đông đúc. Mặc cho có thời điểm thời nắng nóng, rất khó tìm ra những nơi có điều hòa.
Trong khi đó, người dân cũng chẳng hề phàn nàn và thường tự tìm cách giải nhiệt cho bản thân bằng quạt cầm tay cho đến sử dụng khăn ướt, đá lạnh.
Nhiều người dân châu Âu cho rằng việc sử dụng điều hòa là điều xa xỉ không cần thiết, là hành động lãng phí năng lượng, không tốt cho sức khỏe vì tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn, theo CNN .
Theo ước tính, ở châu Âu, chỉ 20% căn hộ có lắp điều hòa không khí. Riêng tại Vương quốc Anh, nơi tuần trước ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, tỉ lệ là dưới 5%. Con số này ở Đức thậm chí còn thấp hơn, chỉ đạt khoảng 3%. Những chỉ số này chênh lệch đáng kể so với mức 90% tại Mỹ.
Theo Washington Post, nhiều thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo và học giả ở phương Tây thường chê trách Mỹ về việc lạm dụng máy điều hòa.
Việc trang bị máy điều hòa ở châu Âu thường chỉ phổ biến ở trường học và nơi công sở. Trong khi đó, số lượng hộ gia đình được lắp máy điều hòa chỉ chiếm một lượng khá nhỏ, với khoảng 3% ở Đức, ít hơn 5% ở Pháp, và chưa tới 5% hộ ở Anh.
Đơn giản là do phần lớn các hộ dân thường không có nhu cầu làm mát không khí. Các nước châu Âu có mùa hè ấm áp nhưng thường rất ít khi đạt mức nhiệt cao như mùa hè ở Mỹ hay châu Á.
Thậm chí trong những ngày nóng bức nhất, không khí ở Rome (Ý) cũng không ẩm như Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) hay Washington D.C (Mỹ). Các ngôi nhà ở Anh cũng thường được thiết kế để giữ ấm, thay vì làm mát không khí.
Theo chia sẻ từ một người dùng ở Pháp, việc lắp điều hòa tại đây khá tốn kém và rắc rối. Bạn không thể tự mua chúng về và lắp cho căn hộ của mình, mà cần thông qua một công ty hoặc đơn vị chuyên nghiệp. Muốn làm thợ lắp điều hòa cũng cần có chứng chỉ nghiệp vụ. Chi phí mua máy, phí lắp đặt, phí sửa chữa... tất cả mọi thứ cộng lại có thể lên tới 2.500 euro. Con số này cao hơn mức lương tối thiểu ở Pháp chỉ là 1.200 euro.
Một số quốc gia như Vương quốc Anh cũng có yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc lắp đặt điều hòa không khí, khi yêu cầu không được phép lắp đặt chúng trên bề mặt của tòa nhà. Nghĩa là, cục nóng của điều hòa phải lắp trên mái nhà hoặc đặt dưới đất. Điều này tức là bạn sẽ phải sử dụng các ống đồng nối dài, khiến chi phí đội lên thậm chí còn đắt hơn cả giá ban đầu của một chiếc máy lạnh.
Còn tại Đức, giá một chiếc điều hòa công suất 1,5HP là hơn 700 euro, nhưng phí lắp đặt lên tới 1.100 euro. Tiền điện để vận hành nó cũng là một khoản chi phí rất lớn, khoảng 0,3 euro mỗi số điện, trong khi thu nhập hàng tháng của một người bình thường chỉ hơn 2.000 euro.
Nhiệt độ ngày càng tăng đang khiến châu Âu dần phải lắp điều hòa
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vào năm 2018, việc sở hữu máy điều hòa ở Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và miền nam Pháp đã tăng nhanh trong một thập kỷ trở lại đây.
Đó là vì nhiệt độ mùa hè ngày càng tăng cao. Theo nghiên cứu của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh năm 2022, khả năng nhiệt độ trong ngày ở nước này hiện cao hơn 40 độ C đã tăng so với trước đây.
Nhiều quốc gia châu Âu cũng dần chấp nhận việc sử dụng máy điều hòa cho mục đích y tế. Sau đợt sóng nhiệt đã khiến gần 15.000 người thiệt mạng ở Pháp vào năm 2003, máy điều hòa được lắp đặt ở một số viện dưỡng lão nhằm bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Theo công ty tư vấn - phân tích dữ liệu Kayrros, tình trạng oi bức trong năm ngoái đã khiến lượng mua điều hòa tăng vọt ở Pháp và Anh. Dự báo, với xu hướng này, sẽ có 2/3 số hộ gia đình trên thế giới sở hữu máy điều hòa không khí vào năm 2050.
Tuy nhiên, việc gia tăng sử dụng máy điều hòa khắp châu Âu đặt ra nhiều câu hỏi về sự bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh phương Tây ngày càng siết chặt việc tiêu thụ năng lượng để đối phó các vấn đề về nhiên liệu từ Nga.
Tham khảo: Washington Post, CNN
Nhịp sống thị trường