Vì sao doanh nghiệp không mặn mà cải tạo chung cư cũ?
Các khu chung cư cũ đa phần nằm trong nội đô, đây là khu vực bị khống chế về mật độ và chiều cao, nên rất khó để thu hồi vốn khi đầu tư xây dựng ở khu vực này.
- 26-11-2018Tắc cải tạo chung cư cũ, dân lay lắt trong xập xệ
- 17-11-2018Cần cưỡng chế để xây lại chung cư cũ Hà Nội
- 13-11-2018Vì sao dự án cải tạo chung cư cũ trên "đất vàng" 93 Láng Hạ chậm tiến độ?
Việc cải tạo các chung cư, nhà tập thể cũ tại Hà Nội hiện đang rất khó khăn. Thực tế đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được ban hành nhưng vẫn chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Nhiều vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong quá trình triển khai cải tạo chung cư cũ. Chẳng hạn như: Chưa có sự đồng thuận trong phương án đền bù, tái định cư; công tác giải phóng mặt bằng; hay quy định khống chế quy hoạch chiều cao xây dựng của khu vực trung tâm…
Nhiều khu tập thể cũ không tìm được nhà đầu tư để cải tạo. (Ảnh: Ngọc Vy).
Tại chương trình Cà phê Doanh nhân với chủ đề: “Giải pháp thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ” do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức sáng nay (15/12), nhiều ý kiến chuyên gia cũng đã bàn luận quanh vấn đề này nhằm tìm ra các giải pháp hợp lý.
Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, đặc thù của nội thành Hà Nội là hầu hết các nhà chung cư nằm trong các quận nội thành. Đây là khu vực nằm trong vùng hạn chế phát triển theo quy hoạch 108 của Thủ tướng và bị khống chế về mật độ và chiều cao. Đây chính là thách thức lớn cho các nhà đầu tư khi không thể tìm được cách thu hồi vốn.
Đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, phải có sự phân biệt khác nhau về thời kỳ xây dựng, vị trí địa lý, kỹ thuật xây dựng, chất lượng cuộc sống của người dân trong từng khu dân cư và đối chiếu với chính sách của nhà nước qua từng thời kỳ... Chỉ khi nhận diện rõ được những điều này, thì chúng ta mới có khung chính sách cho từng loại chung cư, còn không thì kiến nghị của chúng ta chỉ dừng trên giấy mà thôi.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng đề xuất, điểm mấu chốt cụ thể ở đây, ai, đơn vị nào đứng ra làm việc phân loại và nhận diện này?
Một là, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội cần nhận diện và phân loại rõ từng loại chung cư.
Hai là, trên cơ sở đó, chúng ta có trình tự thực hiện các dự án cải tạo chung cư cụ thể khác nhau, không thể có một khung chính sách chung cho tất cả các loại chung cư. Như vậy sẽ rất chung chung.
Ba là, phải xây dựng một tiêu chí đồng bộ, như những vấn đề đã chỉ ra như trên phải nhận diện chứ đừng chỉ can thiệp vào một hạng mục nào đó. Ví dụ như chung cư hạng D nên ưu tiên cải tạo trước. Đây chỉ là yếu tố cần, tuy nhiên chưa đủ.
Một vấn đề nữa, để cải tạo chung cư, đảm bảo lợi ích giữa 3 nhà: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, thì đề nghị giảm căn hộ chung cư đi.
Bốn là, cần xem xét lại chỉ tiêu diện tích sàn ở trên/người.
Năm là, ngoài bồi thường hỗ trợ tái định cư, cần có chính sách mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trên toàn địa bàn thành phố và thuận lợi cho những người tự nguyện muốn ra khỏi chung cư.
Sáu là, nên thành lập cơ quan độc lập trực thuộc của UBND thành phố, phụ trách việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư.
Bảy là, việc lập quy hoạch các khu chung cư phải là tổng thể cả khu vực, và phải do cơ quan Nhà nước lập kế hoạch chi tiết và phê duyệt, đồng thời có đề xuất giải pháp cân bằng lợi ích giữa các bên.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 40 chung cư ở 5 quận được đánh giá cấp độ nguy hiểm. (Ảnh: L.Thủy)
Về thực trạng cũng như quá trình triển khai, ông Bùi Tiến Thành - Phó phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: "Hà Nội không kiến nghị suông mà chúng tôi đã làm rồi".
Thành phố Hà Nội cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ một số giải pháp trên cơ sở đánh giá lại 25 dự án xây dựng chung cư cũ đã và đang triển khai.
Theo quy định tại Điều 86, Điều 87 của Luật nhà ở thì chủ sở hữu nhà chung cư phải có trách nhiệm cải tạo, bảo dưỡng. Hiện tại, khi nhà ở của người dân hỏng hóc thì nhà nước đang xây lại nhà cho người dân này mà không lấy tiền. ông Thành cho rằng, cần xem xét lại quy định này.
Thỏa thuận hay thống nhất thì trong Luật nhà ở, đặc biệt Nghị định 101 với chung cư nguy hiểm cấp D thì với nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội không nhiều. Hà Nội rà soát các chung cư cũ, có 1579 chung cư cũ và phân loại thành 4 cấp, rồi kiểm định hàng năm.
Với nhà chung cư cấp D, Sở Xây dựng tham mưu thành phố ra quyết định di dời và ra phương án tạm cư để đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian phá dỡ nhà chung cư.
Cũng theo ông Thành, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh bổ sung vào Nghị định 101 có thể điều chỉnh bổ sung thêm. Theo quy định hiện hành, việc cải tạo chung cư cũ khi người dân không lựa chọn được nhà đầu tư thì nhà nước lựa chọn hình thức hoặc dùng ngân sách, dùng hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) nhưng cả hai hình thức này đối với thành phố đang đều rất khó khăn.
Do đó, tùy từng địa phương có cơ chế cụ thể. Ví như ở Hà Nội chủ yếu tập trung số chung cư chủ yếu tập trung ở 4 quận nội thành, đất đai chật hẹp, dân số đông nên chính vì thế mà việc thực hiện rất khó.