MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thờ ơ với quyền sở hữu trí tuệ?

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thờ ơ với quyền sở hữu trí tuệ?

Hiện nay, so với điều khoản của Hiệp định TRIPS và Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA), hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hình thành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế.

Mọi doanh nghiệp đều bắt đầu với một ý tưởng. Ý tưởng đó là tài sản trí tuệ thiết yếu, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh doanh, phục hồi kinh tế và tiến bộ của con người.

Mặc dù có vô vàn cơ hội, nhưng mỗi doanh nghiệp, dù quy mô lớn hay nhỏ, đều tập trung vào một ý tưởng hoặc dịch vụ cốt lõi để tạo sự khác biệt với các doanh nghiệp và đối thủ cạnh tranh khác. Do đó, bảo vệ ý tưởng là bảo vệ doanh nghiệp, và không thể đánh giá thấp vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc đảm bảo tương lai của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn là xương sống và là động lực của nền kinh tế toàn cầu. Một nghiên cứu do Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (European Union Intellectual Property Office, EUIPO) và Cơ quan Sáng chế Châu Âu (European Patent Office, EPO) phối hợp thực hiện vào năm 2021 ước tính rằng: các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quyền sở hữu trí tuệ có doanh thu trên mỗi nhân viên cao hơn 68% so với những doanh nghiệp không sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.

Các biện pháp nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19 đã gây tác động tàn phá đối với các nền kinh tế Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Với tình trạng bất ổn tiếp tục diễn ra trên toàn cầu, quyền sở hữu trí tuệ sẽ củng cố tiềm năng bảo đảm tương lai cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về khả năng phục hồi, khả năng cạnh tranh và danh tiếng.

Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên nhiều bình diện (dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2022), quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số là một trong những vấn đề được luật sư và đại biểu tham dự đặc biệt quan tâm.

My Holland, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của EQuest Asia, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ cũng như giá trị của quyền này với vai trò là một tài sản của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc vượt qua những giai đoạn đầy thách thức này.

"Các công ty khác thường tìm cách bắt chước phương pháp và cách tiếp cận của chúng tôi. Điều quan trọng là phải chứng tỏ rằng chúng tôi sở hữu ý tưởng, khái niệm và rằng chúng tôi là những người tạo ra ý tưởng ban đầu", bà My Holland giải thích.

Nhìn chung, quyền sở hữu trí tuệ có vai trò cốt lõi trong việc bảo vệ hoạt động kinh doanh của các công ty như Equest Asia trong quá trình nâng cao sự thích nghi và sáng tạo bằng cách chuyển đổi các dịch vụ và hình thức cung cấp dịch vụ sang trực tuyến.

Ngày nay, lợi ích của quyền sở hữu trí tuệ đã vượt ra ngoài ranh giới truyền thống trong việc bảo vệ chống giả mạo và vi phạm. Trong một thế giới toàn cầu hóa và thay đổi nhanh chóng, quyền này tiếp tục phát triển và mở rộng do sự trỗi dậy của nền kinh tế tri thức.

Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, ý tưởng về việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thường khiến họ liên tưởng đến một núi các thủ tục hành chính phải xử lý. Dù vậy, bà Holland vẫn nhấn mạnh rằng, hãy "đi sâu tìm hiểu và đầu tư thời gian cho vấn đề này".

Cho đến nay, so với điều khoản của Hiệp định TRIPS và Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA), hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hình thành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật có nhiều vấn đề cần xem xét.

Do vậy, sự cố vấn từ các cơ quan như Văn phòng Hỗ trợ sở hữu trí tuệ và dự án IP Key Đông Nam Á sẽ là rất cần thiết tại thị trường hiện nay. vì vấn đề đặt ra là cần có một định hướng rõ ràng, hiệu quả nhằm nâng cao hiệu lực của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thực tế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Benoit Tardy, Cố vấn Kinh doanh sở hữu trí tuệ của Văn phòng Hỗ trợ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đông Nam Á : "Chiến lược sở hữu trí tuệ tốt nhất là biết và hiểu rõ tài sản của bạn, xác định loại quyền sở hữu trí tuệ có thể bảo vệ doanh nghiệp của bạn và sau đó kết hợp các lớp bảo vệ khác nhau".

Tiago Guerreiro, Lãnh đạo Dự án IP Key Đông Nam Á (ĐNA) , một dự án do EU tài trợ nhằm hỗ trợ bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên khắp Đông Nam Á, nói rằng: "Cách tiếp cận chủ động là cần thiết để bảo vệ ý tưởng cốt lõi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua quyền sở hữu trí tuệ, nhằm tạo điều kiện xây dựng các doanh nghiệp mạnh hơn, cạnh tranh hơn và có khả năng phục hồi, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế phát triển ổn định trở lại trong tương lai".

Thảo My

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên