Vì sao đòi bồi thường 10 tỉ nhưng chỉ được 200 triệu?
Đến nay chưa có khung khổ pháp lý về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gây khó khăn trong quá trình thực thi cũng như cản trở hoạt động của các công ty bảo hiểm...
- 02-04-2019Phát hiện hàng trăm tỷ đồng thanh toán bảo hiểm y tế không đúng
- 25-03-2019"Mở đường" cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
- 15-01-2019Nợ bảo hiểm xã hội thấp nhất từ trước tới nay
Chiều 22-4 Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ (SHTT).
Hội thảo đã nhận được nhiều góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Theo đại diện Sở kế hoạch đầu tư TP.HCM, nội dung dự thảo sát sườn với thực tế. Tuy nhiên quy định về điều kiện đối với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp. Nếu quy định như vậy doanh nghiệp tư nhân không thuộc đối tượng điều chỉnh cấp phép. Vì vậy, cần cân nhắc điều khoản này, mở rộng cho các đối tượng tham gia.
Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Phòng tham mưu Công an TP.HCM nói thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là bổ sung quy định về hoạt động phụ trợ bảo hiểm.
Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi chưa giải quyết những khó khăn thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Cụ thể, khi bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, thường công ty bảo hiểm không quan tâm đến thu thập tài liệu chứng từ hóa đơn nguồn gốc, kiểm tra thực trạng, giá trị tài sản… tức là đánh giá giá trị bảo hiểm để làm căn cứ tính toán mức phí bảo hiểm.
Điều này dẫn đến tình trạng thường nếu DN không muốn mua bảo hiểm cháy nổ sẽ kê khai giảm giá trị để giảm đóng phí bảo hiểm hoặc DN có mục đích gây cháy nổ để trục lợi bảo hiểm thì kê khai tăng giá trị bảo hiểm.
Thứ hai là khi xảy ra cháy nổ, tình trạng chung là tất cả tài sản bị hư hỏng biến dạng thay đổi thậm chí cả chứng từ hóa đơn sổ sách bị cháy hư hỏng không khai thác được nên khó giám định chính xác giá trị tổn thất để chi trả bảo hiểm. Cũng có khi các công ty bảo hiểm yêu cầu mời nhiều công ty giám định tài sản khác nhau để định giá giá trị tài sản. Do tài sản đã bị cháy tiêu hủy biến dạng hết rồi, làm sao biết được mức độ sử dụng, khấu hao ra sao…nên vấn đề chi trả rất khó.
Thêm nữa là hồ sơ giải quyết chi trả bảo hiểm kéo dài, chưa nói đến phát sinh hoạt động tiêu cực trong bồi thường bảo hiểm, phát sinh mâu thuẫn tranh chấp trong bồi thường bảo hiểm.
Ông Hà dẫn chứng, vào sáng ngày sáng ngày 1/9/2015 tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q. Bình Tân) đã thiêu rụi hơn 3.000m2 nhà xưởng cùng 160 tấn chì nguyên liệu và 86 máy móc các loại của một công ty. Trong hợp đồng bảo hiểm xác định giá trị máy móc gần 10 tỷ đồng, chiếm giá trị chính trong hợp đồng ngoài giá trị của nhà xưởng.
Nhưng khi cơ quan bảo hiểm đến thương lượng định giá tài sản để bồi thường thì bảo hiểm cho rằng máy móc thiết bị của công ty đã trên 10 năm, hết khấu hao nên chỉ tính như giá trị phế liệu được bồi thường tối đa là 200 triệu đồng…
Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lí người mua, hoạt động bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không đạt được mục tiêu giúp làm giảm nguy cơ rủi ro, đảm bảo sự hoạt động ổn định của DN và việc làm cho người lao động.
“Công an TP.HCM đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định: Yêu cầu bắt buộc xác định giá trị bảo hiểm, đặc biệt là giá trị tài sản cố định, máy móc thiết bị…trước khi bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Và giá trị này được công nhận để thực hiện xác định tổn thất bảo hiểm”, ông Hà nói.
Đại diện Cục hải quan TP.HCM (giữa) cho biết cơ quan hải quan gặp khó khăn thực hiện bảo hộ SHTT đối với giống cây trồng là thanh long ruột đỏ.
Liên quan đến dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, quy định tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện: có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến cung cấp tính tới thời điểm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.
Thứ hai không vi phạm các quy định pháp luật về hoạt động phụ trợ bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước ngoài, nơi tổ chức đóng trụ sở chính trong thời hạn ba năm liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam…
Một số đại biểu cho rằng quy định này còn chung chung vì không rõ 10 năm kinh nghiệm là kinh nghiệm gì, ai chứng nhận, cơ quan nào ở nước ngoài chứng nhận tổ chức đó không vi phạm pháp luật trong ba năm liền kề…
400 tỉ đồng cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Theo Bộ công thương, các DN bảo hiểm, tái bảo hiểm hiện nay đều sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Trong ba năm gần đây các DN đã chi gần 400 tỉ đồng cho các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Trong đó các DN bảo hiểm nhân thọ chi trả khoảng 132 tỉ đồng tương đương 34,5% số tiền chi trả của toàn thị trường. Các DN bảo hiểm phi nhân thọ chi trả khoảng 268 tỉ đồng tương đương 65,6% số tiền chi trả toàn thị trường.
Trong năm nội dung dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thì dịch vụ đánh giá rủi ro bảo hiểm được 22% DN bảo hiểm sử dụng, dịch vụ giải quyết bồi thường được 21% DN bảo hiểm sử dụng và 20% DN bảo hiểm sử dụng dịch tư vấn bảo hiểm. Các dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm được 19% DN sử dụng và 18% DN sử dụng dịch vụ tính toán bảo hiểm.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh