MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua lịch sử?

09-11-2016 - 17:43 PM | Tài chính quốc tế

Với hơn 270 phiếu đại cử tri, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành thắng lợi trong cuộc đua vị trí quyền lực nhất nước Mỹ trong sự bất ngờ của nhiều người. Tuy nhiên, chiến thắng không phải món quà tự rơi vào túi Trump.

Trump đánh trúng tâm lý của lao động Mỹ

Donald Trump chiến thắng bởi lá phiếu của cử tri ở những bang tranh chấp, vốn là chiến trường chính trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, vị tỷ phú New York tạo ra bất ngờ khi giành được sự ủng hộ ở những bang vốn có truyền thống ủng hộ phe Dân chủ. Chúng là những địa phương nằm quanh khu vực Ngũ hồ của Mỹ.

Tại Michigan, Ohio, Pennsylvania và Wisconsin, bốn tiểu bang truyền thống của phe Dân chủ, đã hoặc đang được lãnh đạo bởi một Thống đốc người Cộng hòa từ năm 2010. Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Michigan hồi tháng 3, số lượng người dân tới các điểm của đảng Cộng hòa là 1,32 triệu trong khi số người tới bầu cho đảng Dân chủ chỉ là 1,19 triệu.


Ông Trump phản đối mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do vì cho rằng chúng cướp việc của người Mỹ. Ảnh: USA Today

Ông Trump phản đối mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do vì cho rằng chúng cướp việc của người Mỹ. Ảnh: USA Today

Trong khi đó, các cuộc thăm dò trước bầu cử đã cho thấy ông Trump dẫn trước đối thủ, bà Hillary Clinton ở Pennsylvania và bám đuổi sát sao ở Ohio. Để trả lời cho câu hỏi vì sao, có lẽ chúng ta cần lục lại quá khứ, khi chính quyền cựu tổng thống Bill Clinton thông qua Hiệp định mậu dịchTự do Bắc Mỹ (NAFTA), không ít người đổ lỗi cho gia đình Clinton trong việc gây tổn thất cho ngành công nghiệp ở khu vực này.

Trong khi đó, Trump lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà bà Clinton đã từng hậu thuẫn khi còn là ngoại trưởng Mỹ. Trump còn đưa ra cương lĩnh tranh cử đánh thuế mạnh các mặt hàng từ bên ngoài để bảo vệ người lao động Mỹ. Vị tỷ phú New York cũng thẳng thừng tuyên bố sẽ buộc Apple ngừng sản xuất iPhone ở Trung Quốc và đưa các nhà máy về Mỹ. Chúng trở thành mật ngọt đối với giai cấp công nhân ở khu vực và kéo theo sự ủng hộ mạnh mẽ từ họ.

Trong năm 2012, Mitt Romney thiếu 64 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống. Đây cũng là con số chính xác nếu cộng số phiếu của Michigan, Ohio, Pennsylvania và Wisconsin. Việc giành phiếu ở những bang này và duy trì những gì người Cộng hòa đã từng làm được giúp Trump có nhiều cơ hội chiến thắng và thực sự ông đã chiến thắng.

Hy vọng cuối của những người da trắng giận dữ

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 là sự đe dọa cho sự thống trị của nam giới trên chính trường Mỹ. Bà Hillary Clinton đi vào lịch sử như là người phụ nữ đầu tiên đại diện cho hai đảng chính chạy đua chiếc ghế tổng thống. Với nhiều người, đây là biểu tượng của nữ quyền nhưng với một số người khác, đây là điều khó có thể chấp nhận.


Tư tưởng của ông Trump có nhiều điểm phù hợp với tầng lớp người da trắng lớn tuổi và giận dữ của Mỹ. Ảnh: Getty

Tư tưởng của ông Trump có nhiều điểm phù hợp với tầng lớp người da trắng lớn tuổi và giận dữ của Mỹ. Ảnh: Getty

Trong tâm trí của những người đàn ông da trắng bảo thủ sắp sửa biến mất khỏi trái đất, việc bà Clinton trở thành tổng thống là không thể chấp nhận. Họ không thích nghĩ tới viễn cảnh 8 năm dưới quyền một phụ nữ….

Với những gì thể hiện trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhóm người này. Tư tưởng của vị tỷ phú New York cũng có nhiều điểm tương đồng với họ. Dù có thể chẳng ưa gì Trump nhưng rõ ràng ông là hy vọng cuối cùng của họ. Điều này giúp ứng viên đảng Cộng hòa có được sự ủng hộ mà đối thủ không thể có.

Khiếm khuyết của bà Hillary Clinton

Cuộc đua vào Nhà Trắng của bà Hillary Clinton là chuỗi dài những bê bối liên quan tới tính trung thực. Trong thời gian làm ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton chứng tỏ sự mẫn cán khi chu du khắp thế giới để tìm giải pháp cho vấn đề đối ngoại của nước Mỹ. Tuy nhiên, việc sử dụng thư điện tử cá nhân trong thời gian làm ngoại trưởng khiến lòng tin của người dân Mỹ vào bà Clinton bị suy giảm.

Là một chính trị gia lão luyện, bà Clinton luôn thể hiện mình rất khéo léo trước công chúng. Tuy nhiên, nó không đủ làm sáng tỏ những cáo buộc liên quan tới sự dây dưa của bà với quỹ Clinton. Sự mập mờ của mối quan hệ này khiến nhiều người nghi ngờ bà Clinton sử dụng quỹ của gia đình để huy động tiền tài trợ từ các nguồn không được phép.


Người dân Mỹ mất lòng tin vào bà Clinton bởi hàng loạt vấn đề. Ảnh: AFP

Người dân Mỹ mất lòng tin vào bà Clinton bởi hàng loạt vấn đề. Ảnh: AFP

Thậm chí, không ít cử tri Mỹ nghĩ rằng bà Clinton không trung thực và đáng để tin cậy. Bà cũng đại diện cho kiểu làm chính trị cũ, vốn khiến người dân Mỹ chán nản và mệt mỏi. Dù luôn lên tiếng bảo vệ phụ nữ nhưng bà Clinton cũng từng bị cáo buộc làm tổn thương phụ nữ sau loạt bê bối về tính trăng hoa của ông Clinton trong quá khứ.

Trong khi đó, người trẻ ở Mỹ không thích bà Clinton. Những gì bà Clinton nói không đủ để thôi thúc người dân Mỹ vùng dậy, chạy tới các điểm bỏ phiếu dù chúng rất hay và hợp lý. Các cuộc thăm dò cho thấy bà Clinton dẫn điểm nhưng khi bầu cử diễn ra, số người ủng hộ ông Trump lại nhiều hơn, kèm theo chiến thắng của đại diện đảng Cộng hòa.

Những lá phiếu miễn cưỡng

Trong đợt bầu cử sơ bộ, bà Clinton đã đánh bại Thượng nghị sĩ Bernie Sanders để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, khi hòm thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng bị tin tặc tấn công, người ta thấy ông Sanders bị xử ép và thua cuộc. Dù ông Sanders không phản ứng mà còn tiếp tục ủng hộ bà Clinton nhưng những người ủng hộ ông Sanders không nghĩ vậy.

Người ủng hộ ông Sanders vẫn bỏ phiếu cho bà Clinton dù chúng là những lá phiếu miễn cưỡng. Việc này tưởng chừng vô hại nhưng thực chất lại vô cùng bất lợi cho cựu ngoại trưởng Mỹ. Những cử tri này chấp nhận bỏ phiếu cho bà Clinton nhưng không sẵn sàng thuyết phục những người khác làm điều giống mình.

Ngoài ra, nhiều người trẻ sẵn sàng ở nhà hoặc bỏ phiếu cho một bên thứ 3 vì không thích sự ổn định của bà Clinton. Lựa chọn an toàn trong cương lĩnh tranh cử khiến cựu ngoại trưởng Mỹ mất đi số phiếu đáng kể của thanh niên Mỹ.

Sự chán ghét...

Có không ít cử tri Mỹ là những người vô gia cư. Họ không có thiết bị nghe nhìn, không gia đình, con cái, không việc làm…. Họ là những người tự do và không ai có thể bắt họ làm gì. Họ có thể bỏ phiếu cho bất cứ ai và cũng chẳng quan tâm tới họ làm gì. Tuy nhiên, nhóm người này và một bộ phận dân cư Mỹ khác tỏ ra chán ghét cao độ tới bộ máy chính trị của nước Mỹ.

Trong cuộc bầu cử, hàng triệu người như thế sẽ bỏ phiếu cho Trump không phải vì họ đồng tình với ông, cũng chẳng phải họ cuồng tín mà chỉ bởi vì họ có thể làm việc đó. Họ bỏ phiếu cho Trump vì không còn hứng thú với hệ thống chính trị Mỹ và các chính trị gia. Họ muốn một người như Trump thành tổng thống để thay đổi những gì đang tồn tại giống cách ông ta đã nói khi tranh cử.

Linh Anh (tổng hợp)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên