Vì sao đồng rúp bật vọt ngoạn mục tới mức kỷ lục, thành tiền tệ hoạt động tốt nhất năm?
Đồng rúp của Nga đã trở thành loại tiền dẫn đầu về sức tăng trưởng trong số 31 đồng tiền chính trên thế giới được hãng tin Bloomberg theo dõi.
- 16-05-2022Ba Lan phản ứng việc EU nhượng bộ thanh toán khí đốt bằng đồng rúp
- 08-05-2022Chuyên gia Nga bàn về sự phục hồi bí ẩn của đồng rúp
- 05-05-2022EU rục rịch cấm dầu, đồng rúp Nga vẫn băng băng chạm đỉnh trong hơn 2 năm
Mức tăng ngoạn mục
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, đồng rúp của Nga đã tăng giá hơn 6% so với đồng euro vào hôm 23/5, lên mức cao nhất trong gần 7 năm. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các biện pháp kiểm soát vốn, giá dầu và kỳ tính thuế cuối tháng sắp diễn ra.
Cũng theo Reuters, đồng rúp đã tăng khoảng 30% so với đồng đô la trong năm nay bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện đang diễn ra ở Nga, khiến nó trở thành đồng tiền hiện đang hoạt động tốt nhất thế giới.
Đồng tiền này đang được đẩy mạnh nhờ các công ty tập trung vào xuất khẩu phải chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ của họ sau lệnh trừng phạt đóng băng gần một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của Nga.
Các nhà phân tích của Tinkoff Investments cho biết, khi ngân hàng trung ương và chính phủ dỡ bỏ các hạn chế, đồng rúp có thể tiếp tục tăng giá hơn nữa trong trung hạn.
Theo các phân tích, gần tới mùa thu, tỷ giá trao đổi ngoại tệ có thể bắt đầu ổn định ở gần mức 1 euro sẽ đổi được khoảng 60-65 đồng rúp khi hoạt động nhập khẩu được phục hồi và các hạn chế có khả năng được dỡ bỏ.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Otkritie (Nga) cho hay, đồng rúp có thể ổn định ở mức 1 đô la đổi được 55 đồng rúp trong vòng một tháng trước khi suy yếu dần vào cuối năm.
Vào tuần trước, các nhà phân tích cho biết, yêu cầu của Nga về việc người mua nước ngoài phải trả cho các khoản mua khí đốt bằng đồng rúp cũng góp phần vào đà tăng trưởng của loại tiền này gần đây.
Reuters chỉ ra, nguồn cung ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu, giá dầu cao và kỳ tính thuế cuối tháng sắp diễn ra thường sẽ thúc đẩy các công ty xuất khẩu chuyển doanh thu ngoại hối của họ thành đồng rúp để đáp ứng các khoản nợ trong nước. Tất cả các yếu tố này đã góp phần vào sự tăng trưởng của đồng tiền.
Tiền xu của Nga. Ảnh: AFP
Các nước EU sắp thanh toán tiền khí đốt cho Nga
Trước đó, Nga thông báo rằng, một nửa trong số 54 khách hàng của gã khổng lồ khí đốt Gazprom đã mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank trong bối cảnh sắp đến hạn thanh toán khí đốt.
Yuri Popov, chiến lược gia tại SberCIB Investment Research, một đơn vị thuộc ngân hàng Sberbank (SBER) cho biết, một trong những lý do chính cho sự phục hồi của đồng rúp là việc các nước chuyển đồng euro sang đồng rúp trong quá trình thanh toán các khoản khí đốt với Nga.
Sự can thiệp từ ngân hàng trung ương?
Nhật báo Vedomosti đưa tin hôm 23/5, trích dẫn các nguồn tin, cho rằng ngân hàng trung ương Nga đã bắt đầu mua ngoại tệ để ngăn chặn sự tăng mạnh, không kiểm soát của đồng rúp.
Ngân hàng trung ương phủ nhận báo cáo, nói rằng "thông tin này không phản ảnh đúng thực tế".
Các nhà phân tích của ngân hàng được nhà nước hỗ trợ Promsvyazbank cho biết, nếu ngân hàng trung ương thực hiện các biện pháp can thiệp như vậy, sẽ rất dễ để nhìn thấy sự tác động lên tỷ giá đồng rúp.
"Tuy nhiên, những tin tức như vậy có thể ảnh hưởng đến thị trường và gây ra sự suy yếu của đồng rúp," ngân hàng Promsvyazbank chỉ ra.
Kể từ đầu năm 2022, đồng rúp đã tăng trưởng ngoạn mục so với đồng đô la Mỹ. Bất chấp các lệnh trừng phạt toàn diện của phương Tây nhằm vào hệ thống tài chính Nga, đồng nội tệ rúp đã nhanh chóng được củng cố sức mạnh.
Đồng rúp của Nga đã trở thành loại tiền dẫn đầu về sức tăng trưởng trong số 31 đồng tiền chính trên thế giới được Bloomberg theo dõi.
Tổ quốc