MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao dòng vốn ngoại vẫn đổ vào BĐS khu đô thị, bất chấp dịch bệnh?

20-09-2021 - 15:27 PM | Bất động sản

Vì sao dòng vốn ngoại vẫn đổ vào BĐS khu đô thị, bất chấp dịch bệnh?

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, với các nhà đầu tư ngoại khi rót vốn vào BĐS tại Việt Nam thì niềm tin là yếu tố quan trọng. Niềm tin chỉ có được sau khi họ đã tiến hành nhiều nghiên cứu, phân tích cặn kẽ và khách quan.

Dịch bệnh, dòng vốn ngoại vẫn chảy vào BĐS Việt Nam

Bất động sản tiếp tục giữ vị trí thứ 3 về thu hút FDI, đạt 1,16 tỷ USD trong 7 tháng của năm nay. Một số phân khúc BĐS vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đại dịch chẳng hạn như BĐS khu đô thị, logistics và công nghiệp Logistics thu hút nhiều vốn FDI nhất từ đầu năm, chiếm gần một nửa trong số hơn 30 dự án bất động sản được cấp phép với tổng giá trị đạt gần 538 triệu USD.

Quả thực, bên cạnh BĐS công nghiệp Logistics thì BĐS nhà ở, đặc biệt BĐS quy mô khu đô thị tích hợp vẫn là điểm hấp dẫn của dòng vốn đầu tư ngoại. Ghi nhận cho thấy, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn hợp tác với CĐT Việt để phát triển các dự án khu đô thị, với số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Chẳng hạn trong quý 3/2021 (tháng 7,8 và 9) – thời điểm mà dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại Việt Nam, thị trường BĐS vẫn chứng kiến những thương vụ "bắt tay" giữa nhà đầu tư ngoại với CĐT BĐS Việt Nam ở phân khúc BĐS nhà ở. Cụ thể, Nam Long Group đã 3 lần hợp tác với các ông lớn Nhật Bản, tiếp tục phát triển các khu đô thị tại tỉnh lân cận Tp.HCM trong 3 tháng gần đây.

Tháng 7/2021, Nam Long và Nishi Nippon Railroad lần đầu hợp tác phát triển dòng EHome - căn hộ "vừa túi tiền", sản phẩm vì cộng đồng thông qua dự án EHome Southgate 4,5ha nằm tại cửa ngõ dẫn vào khu đô thị Waterpoint 355 ha, Bến Lức, Long An. Đây là dòng sản phẩm này có giá trung bình khoảng 1 tỷ đồng gây bất ngờ cho thị trường BĐS ở giai đoạn này. Dự án có diện tích 4,5ha gồm 7 khối nhà chung cư, tương đương hơn 1.400 căn hộ, dễ dàng kết nối với hạ tầng của thành phố bên sông Waterpoint đã hoàn thiện.

Đến tháng 8/2021, doanh nghiệp Việt này và Tập đoàn Nhật Bản Hankyu Hanshin Properties Corporation đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược để cùng nhau phát triển khu đô thị tích hợp Izumi City 170ha, Long Hưng, Đồng Nai. Với tổng vốn đầu tư dự kiến là 18.600 tỷ đồng, đây sẽ là dự án đảm bảo cho sự phát triển dài hạn của Nam Long ít nhất trong 5-10 năm tới.

Vì sao dòng vốn ngoại vẫn đổ vào BĐS khu đô thị, bất chấp dịch bệnh? - Ảnh 1.

Dù dịch bệnh, thị trường BĐS vẫn chứng kiến những thương vụ hợp tác tại các khu đô thị quy mô hàng nghìn tỉ đồng giữa doanh nghiệp Việt với NĐT nước ngoài.

Tương tự, trong tháng 9/2021, Nam Long và Nishi Nippon Railroad lại tiếp tục đồng hành phát triển dự án khu đô thị Nam Long Đại Phước 45,5ha Nhơn Trạch, Đồng Nai. Hiện tại, 100% dự án Nam Long Đại Phước đã hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng, đóng tiền sử dụng đất, san lấp đất đến cao độ 2 mét, được phê duyệt quy hoạch 1/500 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo kế hoạch, dự án sẽ được Nam Long và Nishi Nippon Railroad phát triển với sản phẩm chủ yếu là biệt thự song lập và đơn lập cao cấp.

Theo ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Nam Long Group, liên tục trong các tháng của quý 3, ông lớn Nhật Bản đồng hành với Nam Long để phát triển các khu đô thị quy mô lớn ở các tỉnh lân cận Tp.HCM, điều này thể hiện sự tin tưởng toàn diện của đối tác Nhật Bản vào những sản phẩm BĐS do doanh nghiệp Việt đầu tư, phát triển.

Hay, gần đây, thị trường BĐS còn chứng kiến sự hợp tác đầu tư, phát triển dự án của 3 đối tác Nhật Bản là Sanei Architecture Planning, G-7 Holdings INC và Anabuki với Tập đoàn Danh Khôi.

Nhờ sự hậu thuẫn của các "ông lớn" Nhật Bản mà Tập đoàn Danh Khôi đã triển khai nhiều dự án BĐS quan trọng tại các khu vực quan trọng về kinh tế như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quy Nhơn,... Cũng nhờ sự hợp tác này mà chỉ trong vòng 4 năm từ năm 2016 đến nay, vốn điều lệ của Tập đoàn Danh Khôi tăng hơn 10 lần, phạm vi hoạt động đã phủ khắp cả nước, số lượng dự án tăng nhanh. Riêng trong năm 2020, Danh Khôi liên tục thực hiện những thương vụ mua bán - sáp nhập hàng chục nghìn tỷ đồng với hàng loạt dự án thành công.

Theo đại diện đơn vị này, các nhà đầu tư Nhật thường nghiên cứu về thị trường, đối tác, khả năng sinh lời của dự án rất chi tiết và chuyên nghiệp trước khi quyết định bắt tay hợp tác. Chỉ những doanh nghiệp được đánh giá cao về năng lực, kinh nghiệm, vốn, quản lý mới được các công ty Nhật Bản chọn lựa.

Từ nhiều năm qua, Nhật Bản đã khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam khi liên tục nằm trong top đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào nước ta.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nửa đầu năm 2021, Nhật Bản xếp thứ 2 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 2,44 tỷ USD và tăng 66,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc hợp tác giữa các ông lớn nước ngoài với CĐT Việt Nam tại các dự án BĐS nhà ở quy mô không chỉ thể hiện tầm vóc, quy mô của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau giữa doanh nghiệp Việt với nhà đầu tư ngoại quốc trên hành trình phát triển dự án, mang lại những sắc thái riêng cho thị trường BĐS.

Niềm tin là yếu tố quan trọng

Nói về lý do dòng vốn ngoại vẫn đổ vào BĐS Việt Nam bất chấp dịch bệnh, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho hay, nguyên nhân quan trọng là niềm tin của các nhà đầu tư ngoại với tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam. Với các nhà đầu tư, niềm tin chỉ có được sau khi họ đã tiến hành nhiều nghiên cứu, phân tích cặn kẽ và khách quan.

Dư địa phát triển của thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn rất lớn khi mà quy mô dân số là hơn 90 triệu người nhưng tỷ lệ đô thị hóa vẫn chưa cao (khoảng 40%). Nhu cầu ở thực hiện vẫn đang rất cao trong khi nguồn cung không nhiều, cộng thêm việc tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, khiến BĐS nhà ở tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. BĐS hạng sang cũng sẽ có thêm "trợ lực" khi mà số người siêu giàu tại Việt Nam sẽ gia tăng với tốc độ 31% trong vòng 5 năm tới lên gần 26.000 người có tài sản hơn 1 triệu USD (theo Kinight Frank).

So với nhiều nước trong khu vực, giá bất động sản tại Việt Nam vẫn tương đối thấp, chẳng hạn như giá nhà đất trung bình tại TP HCM khoảng 2.500USD/m2 trong khi con số này tại Singapore là khoảng 17.000 UDS/m2.

Ngoài ra, phải nói đến sức hấp dẫn của phân khúc BĐS công nghiệp và logistics. Dữ liệu từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy tính đến tháng 7/2021, cả nước có 335 khu công nghiệp khu công nghiệp được thành lập, trong đó, có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần 76% và 75 khu đang xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở phía Bắc tăng so với cùng kỳ năm trước, ví dụ như tỷ lệ này tại Bắc Ninh là 95%, Hà Nội là 90%, Hưng Yên là 89% và Hải Phòng là 73%. Ở phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp của Bình Dương là 99%, Long An 84% hay Bà Rịa-Vũng Tàu 79%.

Nguyên nhân quan trọng là BĐS logistics và công nghiệp được trợ lực mạnh mẽ từ sự trỗi dậy của thương mại điện tử. Việt Nam tiếp tục là lựa chọn ưa thích của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua chính sách "Trung Quốc cộng một".

Vì sao dòng vốn ngoại vẫn đổ vào BĐS khu đô thị, bất chấp dịch bệnh? - Ảnh 2.

BĐS đô thị là phân khúc nhận được đơn đặt hàng nhiều nhất từ các nhà đầu tư

Còn theo đại diện Savills Việt Nam, trước đây, nhu cầu M&A dự án diễn ra nhiều ở các khu vực quận trung tâm hoặc tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Tuy nhiên quỹ đất tại các khu vực này ngày càng khan hiếm, giá giao dịch đã trở nên quá cao khiến các mô hình tài chính không còn hiệu quả. Do đó nhu cầu và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển ra các địa phương lân cận. Có hai yếu tố chính dẫn dắt nhu cầu hiện nay là: Kết nối giao thông tốt với khu vực nội đô và Sự hiện diện của những nhà phát triển bất động sản dẫn dắt thị trường.

Trong đó, nhà ở đô thị là phân khúc nhận được đơn đặt hàng nhiều nhất từ các nhà đầu tư. Với quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa cao đi kèm sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, đây vẫn là phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận và tiềm năng nhất cho các nhà đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam.

Nhu cầu đối với khu công nghiệp và logistic cũng tăng nhanh trong 1,5 năm trở lại đây. Nhờ việc Việt Nam đã tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, nhiều doanh nghiệp khổng lồ trong nhiều lĩnh vực đã chọn Việt Nam là điểm đến. Thêm vào đó, các loại bất động sản đã vận hành gồm: các tòa văn phòng, căn hộ cho thuê có vị trí đẹp, tình trạng vận hành bảo dưỡng tốt, thời gian sử dụng đất còn dài, luôn là những tài sản đầu tư ưa thích đối với những nhà đầu tư nước ngoài - những người có xu hướng tìm kiếm dòng tiền dài hạn và ổn định. Thị trường này cũng ghi nhận giao dịch của các nhà đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực khác muốn mở rộng và đa dạng hóa rủi ro bằng việc đầu tư nắm giữ bất động sản.

"Nhìn dài hạn, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài mới, chưa có hoạt động tại Việt Nam vẫn dành sự quan tâm rất lớn đến thị trường bất động sản. Vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân về khó khăn trong đi lại, khiến họ chưa thể thực hiện thành công thương vụ; khi đại dịch qua đi, làn sóng đầu tư này sẽ gia nhập thị trường. Trong thời gian tới, các thương vụ thành công sẽ nằm tại các dự án đất sạch, pháp lý rõ ràng, các tài sản hoàn thiện đang hoạt động", đại diện Savills nhấn mạnh.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên