MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao dự án 14 triệu USD ở Quảng Bình chưa thể quyết toán?

Mặc dù đã đưa vào hoạt động hơn 2 năm nay, nhưng Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho vùng sâu, vùng xa của Quảng Bình vẫn chưa thể quyết toán. Gần 14 triệu USD vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc đã “tiêu hết” nhưng một số lãnh đạo có chức trách sợ trách nhiệm, không dám ký để hoàn tất thủ tục.

Theo đó, Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời ở Quảng Bình cho vùng sâu, vùng xa không kéo được điện lưới của Quảng Bình được khởi động năm 2010. Sau rất nhiều trục trặc do khách quan và chủ quan thì năm 2019 dự án cũng được bàn giao đưa vào sử dụng.

Điều đáng tiếc, do công nghệ quá lỗi thời, thiết bị lại để kho quá lâu nên khi đưa vào sử dụng năng lượng thu về và phát ra không như thiết kế ban đầu, thậm chí nhiều nơi không thể sử dụng chỉ sau mấy ngày bàn giao.

Ông Hồ Duy Vang ở bản Ho Rum, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) cho biết: “Bản chúng tôi có 65 bộ dùng cho 91 hộ dân trong bản, điện chỉ có được 2 tháng là mất cho đến nay. Nhà văn hóa thôn có một cụm điện pin mặt trời riêng, chưa sử dụng được lần nào cũng đã mất điện”. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy), Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch)...

Vì sao dự án 14 triệu USD ở Quảng Bình chưa thể quyết toán? - Ảnh 1.

Một cụm điện ở bản Ho Rum, xã Kim Thủy bị hư hỏng từ khi mới đưa vào sử dụng

Ông Nguyễn Văn Tương ở bản Đoòng, xã Tân Trạch là vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng được dự án lắp một trạm điện năng lượng mặt trời trong sân nhà gồm hai tấm pin, một tủ ắc quy, một đường dây đấu nối kéo vào nhà để thắp sáng 3 bóng đèn.

“Trước kia điện lúc có lúc không, cả năm nay trạm bị hỏng nên không còn sử dụng được” - ông Tương nói.

Nhiều năm qua, Tiền Phong đã có nhiều loạt bài phản ánh về những tiêu cực, bất cập, chất lượng… của Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời ở Quảng Bình. Một dự án vốn vay gần 14 triệu USD không mang lại hiệu quả, nhưng cho đến nay không một ai chịu trách nhiệm. Trong lúc đó, tỉnh Quảng Bình nhiều lần lên kế hoạch kéo điện lưới để chồng lên điện mặt trời nhằm khỏa lấp dự án “tai tiếng” này.

Cô giáo Đinh Thị Quyên, Điểm trường bản 61, xã Thượng Trạch cho biết, điện mặt trời chỉ sử dụng được 6 tháng khi có nắng. Ban đêm các cô ở lại trường phải thắp đèn dầu.

“Đầu năm nay về điểm trường mới này nước sinh hoạt có đủ, nhưng điện thì không có. Tôi đang gặp khó khăn về điện, chỉ dùng bóng tích điện và bóng năng lượng mặt trời, nhưng mùa mưa thì chịu, buổi tối không có điện không làm gì được” - cô Quyên nói.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời Quảng Bình thừa nhận: Có nhiều trạm điện mặt trời hư hỏng, không thể phát điện. UBND tỉnh đã giao Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương thống kê các điểm hư hỏng, có phương án khắc phục, thay thế bằng các linh kiện dự phòng. Tuy nhiên, do dự án chưa thể quyết toán nên không có kinh phí để sửa chữa.

Theo ông Hà, sở dĩ không quyết toán được là do thiếu một số văn bản của sở chuyên ngành. UBND tỉnh Quảng Bình đã tham khảo các ngành trong tỉnh nhưng không có giải pháp, nên đã có công văn gửi các bộ ngành trung ương hỏi về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có phúc đáp.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, khi tổ chức nghiệm thu bàn giao dự án, vì thấy dự án chất lượng quá kém nên lãnh đạo Sở Công Thương đã không ký vào một số văn bản liên quan. Đến khi làm các thủ tục quyết toán, thì mới phát hiện thiếu những văn bản quan trọng, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Công Thương bổ sung nhưng sở này cương quyết không bổ sung.

Theo Hoàng Nam

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên