Vì sao dự án BOT đường thủy đầu tiên 'chết lâm sàng'?
Vấn đề tài chính và phương án thu phí để hoàn vốn đều bế tắc khiến dự án BOT đường thủy đầu tiên trong nước đang chờ quyết định dừng thực hiện và tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng.
- 07-06-2022Sẽ báo cáo Quốc hội xin dùng ngân sách mua lại dự án BOT có bất cập
- 18-05-2022Bộ GTVT “xin” hơn 11.700 tỷ đồng để xử lý bất cập 8 dự án BOT giao thông
- 14-04-2022Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nợ xấu phát sinh từ các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Bình Lợi, TPHCM đến cảng Bến Súc, Bình Dương) có tổng mức đầu tư là 1.302 tỷ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT (hợp đồng xây dựng – kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, chi phí xây dựng 838 tỷ đồng, bao gồm việc thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu từ 1,5 m lên 7 m và cải tạo, bảo trì luồng sông Sài Gòn có độ dài khoảng 71 km.
Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan tải trọng trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TPHCM, giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Năm 2015, công trình được khởi công do Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi làm nhà đầu tư.
Theo kế hoạch để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép tiến hành thu phí các phương tiện trên 300 tấn lưu thông trên sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc về để hoàn vốn cho dự án trong thời gian 20 năm 9 tháng tính từ năm 2018.
Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc nên sau khi hoàn thành cầu đường sắt Bình Lợi vào năm 2019, các hạng mục nạo vét, mở rộng luồng sông Sài Gòn đã bị tạm ngưng thi công.
Tháng 9/2019, nhà đầu tư đã thực hiện xong cầu sắt Bình Lợi mới để đưa vào khai thác. |
Trong báo cáo mới đây từ Ban quản lý dự án 7 (QLDA) - Bộ GTVT, tiến độ thi công tổng thể của dự án này hiện đạt khoảng 577,5 tỷ/985,5 (58,6%).
Đánh giá về nguyên nhân chậm tiến độ thi công và chậm giải ngân, Ban QLDA 7 cho biết, Dự án đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn do không tiếp tục giải ngân được nguồn vốn vay của tỉnh Bình Dương (trước đó tỉnh Bình Dương cam kết cho nhà đầu tư vay 300 tỉ đồng, không tính lãi nhưng đến nay dự án chưa giải ngân hết số vốn theo cam kết-PV) nên Ngân hàng Agribank chưa chấp thuận giải ngân nguồn vốn vay tín dụng đã ký với Nhà đầu tư trước đó do thay đổi cơ cấu nguồn vốn.
Sau khi cầu Bình Lợi mới hoàn thành, đến năm 2020 đã tháo dỡ các nhịp cầu sắt cũ, chỉ giữ 2 nhịp để bảo tồn. |
Riêng về phương án thu hồi vốn sau khi hoàn thành công trình, theo phương án tài chính trong hợp đồng của Dự án ký với Bộ GTVT, nguồn chi trả cho tỉnh Bình Dương sẽ được thu phí của các phương tiện thủy có tải trọng toàn phần lớn hơn 300 tấn tại ba cảng là An Sơn, Rạch Bắp, Bến Súc khi hoạt động trên sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc.
Tuy nhiên, theo Ban QLDA 7, hiện nay, các cảng Rạch Bắp và Bến Súc chưa được đầu tư xây dựng, cảng An Sơn mới được đầu tư một phần nên không thể thu phí.
Do phương án thu phí hoàn vốn và tài chính đều không khả thi nên Nhà đầu tư và Ban QLDA 7 đã có báo cáo những khó khăn của dự án và đề xuất kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ dừng thực hiện dự án và tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng.
Trong Văn bản số 59/2022/BOTBL gửi Bộ GTVT cuối tháng 4/2022, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi xin chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dùng vốn ngân sách nhà nước mua lại toàn bộ Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc - cầu Bình Lợi.
Theo tính toán của Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, tổng giá trị đã đầu tư mà doanh nghiệp dự án muốn Nhà nước hoàn trả là 611,467 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí tối thiểu mà Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi muốn nhận lại để có tiền trả nợ cho UBND tỉnh Bình Dương (248,48 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu (158,856 tỷ đồng), trả lãi vay vốn chủ sở hữu (54,867 tỷ đồng) và thanh toán nợ khối lượng cho các nhà thầu (149,26 tỷ đồng).
Tiền phong