Vì sao giá chanh leo “lao dốc”?
Một vài năm gần đây, cây chanh leo được kỳ vọng là cây “vàng” đem lại nguồn thu nhập cao, có thể giúp nông dân làm giàu. Tuy nhiên, mới chỉ triển khai trồng được một phần nhỏ so với quy hoạch, chanh leo tại Nghệ An đã gặp cảnh “được mùa mất giá”.
- 19-11-2016Chanh leo mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào vùng cao
- 01-09-2016Trồng chanh leo lãi trên 200 triệu đồng/ha/năm
- 01-01-2016Chanh leo chết bất thường, người dân phải mua nợ giống
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Nghệ An, vùng nguyên liệu chanh leo tại huyện Quế Phong là 1.500 ha. Đến nay, toàn huyện Quế Phong mới trồng được 283,3 ha, chủ yếu ở xã Tri Lễ (hơn 200 ha). Mặc dù chỉ mới triển khai được một phần diện tích so với quy hoạch, song mùa vụ năm nay, giá chanh leo đã “lao dốc” xuống còn 4.000 đồng/kg (loại 2). Mặc dù giá chanh leo loại 1 vẫn là 12.000 đồng/kg, nhưng với quy định của đơn vị thu mua, số quả đáp ứng tiêu chuẩn loại 1 chỉ khoảng 10%. Do đó, thu nhập của người trồng chanh leo bị giảm mạnh. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An công nhận cây chanh leo đang lâm vào vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá”, và đã có kiến nghị với doanh nghiệp thu mua tăng giá.
Ông Nguyễn Bá Hiền - Trưởng ban Phát triển nông thôn Quế Phong - Cơ quan thường trực của Ban Phát triển trồng cây chanh leo Quế Phong cho biết: Cây chanh leo được trồng khảo nghiệm tại Quế Phong vào năm 2010, được trồng nhiều nhất vào năm 2014 - 2015 - 2016, sau khi đã sản xuất được giống. Mức đầu tư khoảng 120 triệu/ha; năng suất dao động từ 18 - 20 tấn/ha. Giá thu mua (mua xô) năm 2015 là 10.000 đồng/kg, 2016 là 9.000 đồng/kg, từ tháng 6.2017 là 8.000 đồng/kg.
Việc tổ chức trồng khảo nghiệm, cung ứng giống, vật tư và bao tiêu quả chanh leo do duy nhất Cty CP Chanh leo Nafoods đảm nhận. Theo đại diện Cty, diện tích chanh leo đơn vị phát triển trên cả nước dao động từ 4.000ha đến 5.000 ha, trong đó địa bàn Nghệ An chỉ chiếm khoảng 5%. Diện tích chanh leo hiện nay tại Nghệ An có khoảng trên 250ha, năm 2017 dự kiến đạt khoảng trên 1.000 tấn quả.
Về việc giảm giá thu mua quả chanh leo xuống còn 4.000 đồng/kg (loại 2), Cty giải thích: Đó là giá thu mua chanh leo loại múc dịch (không đủ tiêu chuẩn để bán quả tươi), hiệu suất thu hồi thấp. Đối với quả chanh leo đủ tiêu chuẩn để bán quả tươi Cty vẫn thu mua giá 12.000 đồng/kg. Do giá chanh leo quả trên thị trường Tây Nguyên giảm mạnh, từ giữa tháng 5.2017, giá chanh leo múc dịch dao động từ 1.500
đồng/kg - 3.500 đồng/kg. Tuy nhiên, đối với nông dân ở Nghệ An, đặc biệt tại Quế Phong, Cty vẫn áp dụng giá mua là 4.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá thu mua cùng thời điểm tại Tây Nguyên. Ngoài ra, do chanh leo tươi tại Trung Quốc cũng đang vào mùa, tiếp cận thị trường này vì đó khó khăn hơn.
Cty cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ chanh leo từ bà con nông dân theo thị trường nhưng bình quân không thấp hơn giá 5.000 đồng/kg. Yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm giá cao là bà con nông dân chăm sóc theo đúng kỹ thuật được chuyển giao để quả chanh leo đạt chuẩn loại 1.
Tập quán sản xuất lạc hậu
Theo đơn vị sản xuất, thu mua, việc phát triển cây chanh leo ở Quế Phong gặp không ít khó khăn do tập quán sản xuất lạc hậu, người dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư. Vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng tiêu thụ, khi giá cao người dân chọn quả đẹp bán ra ngoài và ngược lại quả xấu, chất lượng thấp gom về bán cho Cty.
Lao động