Vì sao giá USD quay đầu hạ nhiệt?
Cán cân thương mại thâm hụt, diễn biến trên thị trường vàng và tiền tệ tạo áp lực làm tỉ giá trồi sụt thời gian qua...
- 24-07-2019Dự đoán bất ngờ về tăng trưởng tín dụng
- 24-07-2019Dự trữ ngoại hối lên đến 68 tỷ USD
- 23-07-2019Lộ diện 2 tập đoàn bảo hiểm tranh làm đối tác bancassurance với Vietcombank, có thể trả trước 400 triệu USD
Ngày 24-7, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.076 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng/USD so với hôm trước. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,09%.
Giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục đi xuống. Lúc 11 giờ, giá được nhiều ngân hàng giao dịch phổ biến mua vào 23.245 đồng/USD, bán ra 23.365 đồng/USD, giảm thêm 5 đồng/USD so với hôm trước.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá USD ở ngân hàng chỉ tăng thêm khoảng 0,47%.
Đáng lưu ý, giá USD ngân hàng và trên thị trường tự do liên tục sát nhau. Hiện giá USD tự do đang được giao dịch quanh mức 23.170 đồng/USD mua vào, 23.400 đồng/USD bán ra, chỉ nhỉnh hơn giá trong ngân hàng vài chục đồng/USD.
Nếu so với "đỉnh" trong quý II, giá USD ngân hàng đã giảm khoảng 115 đồng/USD.
Tại hội thảo chủ đề "Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019" do trường ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận tỉ giá được điều chỉnh linh hoạt và hợp lý trong nửa đầu năm, trong bối cảnh thị trường tiền tệ quốc tế có nhiều biến động, giá vàng liên tục tăng mạnh…
Giá USD ở các ngân hàng thương mại hiện tăng khoảng 0,47% so với đầu năm nay. Ảnh: Linh Anh
TS Nguyễn Trần Phúc, trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng cơ chế điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua rất linh hoạt giúp lấy lại sức mạnh thương mại, cán cân thương mại từ đó thặng dư và hỗ trợ cho tăng trưởng dự trữ ngoại hối. Tính đến cuối tháng 6-2019, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới ở mức 68 tỉ USD, tương đương với 13,4 tuần nhập khẩu ước tính cho năm 2019.
Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm vừa công bố, nhóm chuyên gia trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định từ cuối tháng 4-2019, tỉ giá có biến động nhưng ở mức độ nhỏ và có tính chất ngắn hạn. Giá USD bán ra ở các ngân hàng thương mại cao nhất giai đoạn này là 23.480 đồng/USD, tăng khoảng 1,03% so với đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều biên độ được phép giao dịch.
Sự biến động của tỉ giá trong quý II chủ yếu do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, VNĐ tiếp tục chịu áp lực từ 2 phía là USD tăng giá và đồng nhân dân tệ giảm giá. Cán cân thương mại bắt đầu bị thâm hụt từ tháng 5-2019 cũng gây áp lực đáng kể lên cung cầu ngoại tệ và tâm lý trên thị trường. Chưa kể, diễn biến thị trường vàng khi giá vàng trong nước thấp hơn thế giới đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh chênh lệch giá vàng ở khu vực không chính thức, kéo theo hiện tượng thu gom USD trên thị trường tự do… cũng góp phần làm chao đảo tỉ giá.
Đến cuối tháng 6-2019, tỉ giá đã quay đầu hạ nhiệt và gần như trở về mức hồi đầu năm.
"Dù tỉ giá có biến động và kéo theo sự quan tâm của các chủ thể tham gia thị trường, nhưng rõ ràng không đáng kể và chỉ mang tính chất ngắn hạn, còn cách khá xa mức Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp. Đáng lưu ý, tỉ giá trên thị trường tự do lại khá ổn định so với giai đoạn cuối năm 2018" - nhóm chuyên gia trường ĐH Ngân hàng TP phân tích.
TS Trương Văn Phước, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cũng nhìn nhận chiến tranh thương mại Mỹ -Trung diễn ra ngày càng gay gắt hơn, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) như việc có thể giảm lãi suất đồng USD… sẽ tác động mạnh đến thị trường. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc lựa chọn chính sách điều hành tỉ giá phù hợp.
Người lao động