MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao giá vàng tăng mạnh?

12-05-2024 - 11:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo chuyên gia, nguyên nhân chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới phần nhiều đến từ cách quản lý điều hành thị trường vàng, nguồn lực dự trữ ngoại hối không mạnh và tâm lý coi vàng là một tài sản tích trữ vốn vẫn ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân.

Vì sao giá vàng tăng mạnh?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 12% so với đầu năm và xấp xỉ bằng mức tăng của cả năm 2023 (13%).

Nhìn lại quá khứ, chuyên viên phân tích VDSC cho biết giá vàng tăng thường đi cùng với các làn sóng tích trữ vàng của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng vật chất. Đợt tăng mới nhất của vàng đang đi ngược với xu hướng bán ròng liên tục của các quỹ này. Trên thực tế, lượng nắm giữ của các quỹ ETF vàng đã giảm trong 11 tháng qua, lượng vàng các quỹ này nắm giữ tính đến cuối tháng 4/2024 chỉ còn 3.079 tấn. Theo đó, các quỹ đã bán ròng 146,1 tấn vàng trong 4 tháng đầu năm 2024 sau khi đã bán khoảng 244,2 tấn trong năm 2024.

Theo VDSC, mặc dù áp lực chốt lời của các quỹ ETF vàng là rất lớn, lượng vàng bán ra vẫn chưa đáp ứng được cơn khát vàng đến từ NHTW và thị trường châu Á. NHTW Trung Quốc (PBoC) đã bắt đầu dự trữ vàng từ tháng 11/2022 và hành động này đã kéo dài 18 tháng liên tiếp cho đến nay.

Lượng vàng mà PBoC tích trữ trong quý I/2024 là 27,1 tấn, tương đương khoảng 12% tổng lượng mua vào của ngân hàng này trong năm 2023 (xấp xỉ 224,9 tấn). Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vàng miếng và đồng xu vàng của người dân Trung Quốc cũng chứng kiến một sự gia tăng mạnh mẽ, đạt 110,5 tấn trong quý I/2024, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2023.

Vì sao giá vàng tăng mạnh?- Ảnh 2.

Nói về các yếu tố tác động đến giá vàng thế giới, VDSC cho biết dù có thể diễn giải đơn giản Trung Quốc là trung tâm của động lực tăng giá vàng hiện tại, tuy nhiên, diễn biến giá vàng hiện đang được bao phủ bởi sự phức tạp và đa dạng của nhiều yếu tố đằng sau.

Mô hình phân bổ lợi suất của vàng (GRAM) do Hội đồng Vàng thế giới xây dựng giúp bóc tách được động lực tạo ra mức tăng giá của vàng trong các tháng đầu năm nay.

Đầu tiên, câu chuyện thường được nhắc đến khi so sánh vàng với các kênh tài sản khác là vàng không tạo ra lợi tức như trái phiếu, cổ phiếu…

Vì vậy, xét về chi phí cơ hội so với các tài sản có lợi tức cố định như trái phiếu chính phủ, vàng sẽ tăng giá khi lãi suất thực giảm. Do đó, mối tương quan giữa giá vàng và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi điều chỉnh lạm phát (TIPS) thường là nghịch biến. Song, kể từ đầu năm 2023 khi lợi suất TIPS liên tục tăng cùng chiều với giá vàng.

Tiếp theo, lý giải ở động lực đến từ chi phí cơ hội trên cơ sở xem xét tương quan của vàng với các đồng tiền khác, nổi bật là USD thì vàng thường tương quan nghịch biến với đồng USD do vàng và USD được coi là hai tài sản thay thế nhằm hướng đến kênh trú ẩn an toàn. Vàng được giao dịch bằng USD, khi USD tăng giá thì người mua phải mất chi phí nhiều hơn để mua vàng, vì vậy làm cản trở động lực tích trữ vàng. Mối tương quan này cũng không còn giải thích được đà tăng của giá vàng trong các tháng đầu năm nay khi USD và vàng cùng mạnh lên.

Cuối cùng, rủi ro địa chính trị (đơn cử như căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông) và yếu tố mang tính động lượng cùng với xu hướng được coi là hai yếu tố thúc đẩy đà tăng giá vàng trong tháng 3/2024. Tuy nhiên, đến tháng 4/2024, yếu tố động lượng và xu hướng đã không còn đi theo hướng có lợi cho giá vàng, trong khi đó, tác động từ rủi ro địa chính trị lên giá vàng thu hẹp.

Kết quả là phần lớn đà tăng của giá vàng trong 3 tháng gần đây được giải thích bằng “yếu tố chưa được giải thích cụ thể trong mô hình”, vốn chưa cập nhật chỉ số đo lường sức mạnh trong nhu cầu vàng liên tục đến từ Trung Quốc.

Vì sao giá vàng tăng mạnh?- Ảnh 3.


Dự báo về triển vọng giá vàng thế giới, chuyên viên phân tích VDSC cho biết nhiều nhà phân tích khẳng định rằng việc tích trữ vàng của NHTW là một xu hướng dài hạn và còn kéo dài trong bối cảnh các NHTW tìm kênh trú ẩn an toàn, giảm sự phụ thuộc đồng USD trong bối cảnh nợ công của Mỹ ngày càng tăng cao. Đồng thời, yếu tố bất ổn địa chính trị do căng thẳng leo thang ở một số khu vực trên thế giới và sự đối đầu giữa các nhóm quốc gia cũng là một động lực không thể không nhắc đến.

Tính đến cuối tháng 3/2024, dự trữ vàng của Trung Quốc là 2.262,4 tấn, tương đương 4,6% tổng lượng dự trữ ngoại hối của nước này. Trường hợp của Trung Quốc hiện tại có thể liên hệ với Nga, liên tục từ năm 2006 đến trước khi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, Nga đã liên tục tăng dự trữ vàng với quy mô chưa từng có. Xu hướng tăng dự trữ vàng của Trung Quốc chỉ mới gia tăng từ cuối năm 2022 đến nay, mặc dù quy mô dự trữ vàng của Trung Quốc tương đương Nga nhưng mới chỉ bằng khoảng 28% dự trữ vàng mà Mỹ nắm giữ.

Theo đó, VDSC nhận định việc tích trữ vàng của PBoC có thể chưa kết thúc. Trong khi đó, bất chấp giá tăng cao kỷ lục, lượng cầu vàng của người dân Trung Quốc vẫn tăng mạnh, được hỗ trợ bởi tâm lý muốn bảo vệ tài sản trong bối cảnh các kênh tài sản khác như chứng khoán hay bất động sản tại nước này suy giảm.

Theo nhóm phân tích, trong ngắn hạn, động lực tăng của vàng đã chững lại. Tuy nhiên, yếu tố dài hạn đang ủng hộ vàng trở lại đà tăng giá. Giá vàng đang ở mức đỉnh cao nhất của thời đại, nhưng, nếu xét đến yếu tố lạm phát, giá vàng sau khi điều chỉnh lạm phát hiện vẫn thấp hơn 21% so với mức đỉnh của cơn sốt mua vàng năm 1980.

Nhìn lại lịch sử, khi vàng được coi là tài sản chống lại rủi ro lạm phát thì giá vàng thế giới vẫn đang rẻ và có cơ hội thiết lập các mức đỉnh tiếp theo. Do đó, kịch bản dự báo giá vàng thế giới tăng đến mốc 2.700 - 3.000 USD/ounce của một số tổ chức tài chính có xác suất xảy ra tương đối cao.

VDSC cho rằng việc phân tích triển vọng giá vàng thế giới có thể lý giải được đà tăng của giá vàng trong nước thời gian qua. Tuy nhiên, điều này lại không giúp lý giải tại sao giá vàng trong nước lại chênh lệch nhiều với giá thế giới.

Với mức giá khoảng 2.333 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 72,6 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 16,9 triệu đồng/lượng.

Chuyên viên phân tích VDSC nhận định, nguyên nhân chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới phần nhiều đến từ cách quản lý điều hành thị trường vàng, nguồn lực dự trữ ngoại hối không mạnh và tâm lý coi vàng là một tài sản tích trữ vốn vẫn ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên