Vì sao giao ACV đầu tư sân bay Long Thành?
Ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong đầu tư, xây dựng CHK Long Thành.
- 24-10-2019Boeing: Hàng không Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành tại Đông Nam Á
- 19-10-2019ACV được đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Ngay sau đó, các ĐBQH làm việc tại tổ, cho ý kiến vào báo cáo này.
Đấu thầu sẽ kéo dài dự án thêm 1,5 năm
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo của Chính phủ là đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước. ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không. Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ ngay sau đó về dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã làm rõ hơn về đề xuất trên. “Hiện Chính phủ mới chỉ giao ACV lập dự án. Về nguyên tắc, sau khi dự án được duyệt sẽ đến bước chọn ai là người triển khai dự án. Đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Ngoài ra, do đây là sân bay gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước”, Bộ trưởng nói và thông tin thêm, theo Luật Đấu thầu, sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, sẽ cần thời gian cho doanh nghiệp nghiên cứu, quyết định tham gia. Tiếp đó là khâu chấm thầu, công bố trúng thầu.
Cũng theo Luật Đấu thầu, phải có từ 3 DN mới mở thầu. Dưới 3 doanh nghiệp thì sẽ phải xin Chính phủ cơ chế mở thầu đặc biệt trong trường hợp đấu thầu không thành công. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể cho đấu thầu lần 2, nhưng nếu vẫn không đủ 3 DN thì vẫn phải xin mở thầu.
Đáng nói, ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một CHK quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như CHK quốc tế Long Thành.
“Chúng ta tổ chức đấu thầu, khả năng lớn nhất vẫn là ACV trúng thầu nhưng sẽ lại chậm hơn 1,5 năm. Khi đó, sớm nhất cũng phải tới năm 2022 thậm chí năm 2023 mới có thể khởi công”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, chỉ có chỉ định thầu mới có thể khởi công dự án vào đầu 2021.
Ủng hộ đề xuất của Chính phủ
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự án cho hay, trong số 4 vấn đề Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét quyết định (hình thức đầu tư, tăng diện tích đất sử dụng trong giai đoạn 1 của dự án thêm gần 700 ha, vấn đề 480ha đất dùng chung với quốc phòng, bổ sung 2 tuyến đường kết nối sân bay với QL51 và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất là đề xuất Quốc hội quyết định việc giao ACV đầu tư dự án. Cụ thể, trong số 4 hạng mục triển khai tại dự án, có 3 hạng mục được giao ACV, một hạng mục giao Tổng công ty Quản lý bay (DN 100% vốn Nhà nước).
“ACV có 95% vốn Nhà nước, về nguyên tắc vẫn là công ty cổ phần. Như vậy, việc quyết định giao dự án sẽ thực hiện theo Điều 22, Luật Đấu thầu. Như thế thì thẩm quyền quyết định hoàn toàn thuộc Chính phủ. Việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có”, ông Thanh phân tích.
Mặc dù vậy, ông Thanh cũng khẳng định quan điểm ủng hộ. “Nếu xét về tiền, có lẽ không ít doanh nghiệp khác trong nước có nhiều hơn nhưng về kinh nghiệm quản lý, đầu tư lĩnh vực xây dựng cảng hàng không thì ACV chắc chắn chiếm ưu thế. Ý Thủ tướng khi đề xuất Quốc hội quyết định việc giao dự án cho ACV là mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ về quyết định này. Nếu không, 5- 10 năm nữa, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư lại vào, xác định chỉ định thầu như thế là sai thì không biết sẽ làm sao. Đó là vấn đề còn băn khoăn nhiều nhất”, ông Thanh diễn giải.
Đề nghị các đại biểu cân nhắc, ủng hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu thực tế sân bay Tân Sơn Nhất đã tắc nghẽn hết cả, nếu không đầu tư một sân bay mới thì không còn hướng nào để thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo của đất nước, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
ACV cân đối vốn như thế nào?
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thị sát dự án CHK Quốc tế Long Thành tháng 11/2017. Ảnh: Vĩnh Phú
Liên quan đến tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, tổng mức đầu tư dự kiến (bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay) hơn 111,6 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4,7 tỷ USD.
Được biết, trong số hơn 4,7 tỷ USD này, ACV cần huy động hơn 98 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 4,2 tỷ USD. VATM cần huy động hơn 3.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến ngày 31/12/2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng; trong giai đoạn 2019- 2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, ACV đã bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.
Số vốn ACV phải đi vay khoảng hơn 2,6 tỷ USD. Vừa qua, ACV đã làm việc với các tổ chức tài chính (Ngân hàng và các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài) quan tâm đến dự án đầu tư xây dựng CHK Long Thành giai đoạn 1 để thu xếp phần vốn huy động.
Đến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, ACV cũng đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính:
Ủng hộ doanh nghiệp trong nước, chỉ cần minh bạch
Về chỉ định thầu hay đấu thầu dự án sân bay Long Thành, cần thực hiện theo luật, đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch, khách quan. Chúng ta ai cũng sốt ruột vì chủ trương lâu rồi nhưng chậm triển khai. Tuy nhiên, vẫn cần cân nhắc kỹ tìm nguyên nhân để đưa ra giải pháp đúng quy định, đúng thẩm quyền.
Các đại biểu ủng hộ doanh nghiệp trong nước, ủng hộ doanh nghiệp nhà nước nhưng phải làm sao đúng quy định để công khai, minh bạch, khách quan.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái:
Thuê giám sát ngoại để tránh "dây dưa quan hệ"
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh, quốc phòng nên giao cho các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện sẽ thấy yên tâm.
Tuy nhiên, công tác giám sát, quản lý phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công… Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu chúng ta không quan tâm ngay từ giai đoạn đầu của dự án thì khi xảy ra những vụ việc phát sinh, xử lý hậu quả sẽ khó lường.
Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT cần hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu giám sát. Có thể thuê giám sát nước ngoài để loại trừ hết tất cả các mối quan hệ dây dưa có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án. Nếu kiểm tra, kiểm soát chấn chỉnh kịp thời thì khắc phục những hậu quả, sai sót, hạn chế nếu có sẽ dễ hơn, vừa không mất tiền của Nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý cán bộ.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai):
Quan tâm hơn đến đô thị sân bay, tránh tự phát
Ai cũng biết, đấu thầu là phương thức rất phù hợp với xu thế hiện nay, nhưng rõ ràng trong thực tế, Luật Đấu thầu đã nảy sinh những vấn đề rất khó và tế nhị, nhất trong bối cảnh hiện nay người ta rất e ngại an ninh quốc phòng. Khi chúng ta dùng giải pháp giao cho các doanh nghiệp nhà nước, tôi đề nghị phải tạo thuận lợi tối đa và giám sát thật chặt.
Ngoài ra, xung quanh sân bay sẽ trở thành 1 đô thị rất lớn, hiện giá đất ở đây đã tăng rồi. Chính phủ cần quan tâm đến chuyện đó, nếu không sẽ rất lộn xộn. Thực tế địa phương đang đứng trước tình trạng "tiền có mà không thực hiện được", vì chưa có cơ chế. Triển khai dự án phải tiếp xúc với dân, nên cần cố gắng đền bù tập trung cùng một lúc và tránh sự bất công.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):
Báo cáo nghiên cứu khả thi rất bài bản
Chúng tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trình Quốc hội, rất bài bản. Chúng ta đã nhờ các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp trong đó có cả tư vấn đến từ Nhật, Pháp.
Đã đến lúc, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng CHK quốc tế Long Thành vì hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, đe dọa đến an ninh an toàn bay, cũng như vấn đề thu hút nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Theo kế hoạch, đến năm 2025, phải đưa giai đoạn 1 dự án CHK Long Thành vào khai thác.
Dự án này là một trong những dự án có yếu tố an ninh quốc phòng rất quan trọng, nên việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư thực hiện dự án rất cần thiết. Về việc giao ACV làm chủ đầu tư khai thác, có chút lấn cấn là đơn vị này đã cổ phần hoá, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm trên 95%. Vì lẽ đó, Chính phủ không thể chỉ định nhà đầu tư, mà phải trình Quốc hội. Tôi ủng hộ phương án này, để Quốc hội có 1 Nghị quyết và nên giao cho ACV là chủ đầu tư.
Theo Báo Giao thông