MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao gỏi gà măng cụt gây bão trên mạng xã hội?

16-05-2023 - 08:47 AM | Thị trường

Nông dân hoàn toàn có thể tạo ra những trend như gỏi gà măng cụt, từ đó thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Món ăn gỏi gà măng cụt thời gian gần đây tạo cơn sốt mạng xã hội. Đây cũng là một trong số nguyên nhân khiến măng cụt xanh khan hiếm, tăng giá.

Điều đáng nói là đây không phải món ăn mới, gỏi gà măng cụt vốn là đặc sản tại các vùng trồng tại Đông Nam Bộ, ĐBSCL được người dân làm đãi khách khi đến mùa măng cụt.

ThS Đỗ Quang Huy - chuyên gia về thương mại điện tử, giảng viên chính thức của một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chính của trào lưu này đến từ các clip, bài review trên Tiktok và các mạng xã hội khác.

Theo ThS Đỗ Quang Huy, hiện nay, các video về nông sản, các món ăn dân dã rất dễ được lên xu hướng trên Tiktok, khác với trước đây, các video nhảy nhót này kia mới thịnh hành. Được biết, đây là một trend (xu hướng) hình thành tự nhiên từ một món ăn dân dã ít người biết, nguyên liệu mới là măng cụt xanh, rất mới mẻ đã nhanh chóng nổi tiếng.

Vì sao gỏi gà măng cụt gây bão trên mạng xã hội? - Ảnh 1.

Chuyên gia thương mại điện tử Đỗ Quang Huy

"Sau trend gỏi gà măng cụt chắc chắn sẽ có rất nhiều trend khác nổi lên và chủ yếu là các loại nông sản, đặc sản vùng miền. Điều này đã có định hướng từ Chính phủ, các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội hưởng ứng để có kết quả này. Đặc biệt, với nhóm ngành đồ ăn, thức uống (F&B) rất dễ tiếp cận người dùng, tạo cảm xúc cho người xem, từ đó kích thích họ mua hàng" - chuyên gia Đỗ Quang Huy bình luận.

Cũng theo ông Đỗ Quang Huy, thông thường 1 trend tồn tại từ 1-3 tháng, nếu sản phẩm tốt có thể kéo dài 6 tháng nên người kinh doanh cần nắm bắt quy luật để cân đối hàng hóa. Khi phát hiện hàng hóa vào trend thì tập trung nguồn lực để kinh doanh sản phẩm đó, cuối trend thì điều chỉnh sang sản phẩm khác.

"Nếu nông dân thấy trend mới bắt đầu sản xuất, tới năm sau mới thu hoạch thì chắc chắn tiêu thụ sẽ bị động, rất dễ bị ế. Cách làm khôn ngoan là các nông dân có thể chủ động tạo ra trend để bán hàng hóa sẵn có. Hiện nay, các nội dung video liên quan đến nông sản, đặc sản vùng miền rất được ưu tiên trên Tiktok và rất dễ lên xu hướng. Có rất nhiều khóa học đang được triển khai, chỉ cần chịu khó là nông dân đều có thể học được và hình tượng nông dân trên các phiên livestream rất được yêu mến" – chuyên gia thương mại điện tử này nhận định.

Vì sao gỏi gà măng cụt gây bão trên mạng xã hội? - Ảnh 3.

Một nhà vườn hái măng cụt xanh đi bán nhờ trend "gỏi gà măng cụt"

Ngoài ra, nông dân có thể kết hợp với các doanh nghiệp trung gian, phối hợp cùng các nhà sáng tạo nội dung để tạo trend, giúp sản phẩm lên xu hướng, thúc đẩy bán hàng. "Đây là cách mà Trung Quốc đã làm và rất thành công. Nông dân trực tiếp sản xuất livestream thu hút người dùng, khâu vận hành để sản phẩm đến người tiêu dùng đã có đơn vị chuyên nghiệp lo. Bán hàng bằng video và livestream tạo ra cảm hứng cho người mua, khiến họ nhanh chóng "chốt đơn" dù ban đầu không hề có ý định mua sắm" - Đỗ Quang Huy phân tích.

Vì sao gỏi gà măng cụt gây bão trên mạng xã hội? - Ảnh 4.

Trà mãng cầu vào thực đơn một quán ăn trên đường Vạn Kiếp - quận Bình Thạnh

Trong khi đó, dưới góc nhìn của ngành F&B, ông Nguyễn Thái Dương - Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần iPOS.vn (cung cấp giải pháp số hóa ngành F&B) cho biết "gỏi gà măng cụt" và "trà mãng cầu" có "trend" từ đầu tháng 3 và có mức thảo luận mạnh mẽ trong 1-2 tuần nay. Theo kinh nghiệm từ iPOS.vn, trong ngành F&B xu hướng sản phẩm này vẫn cần được theo dõi thêm và hiện tại 2 món này mới chỉ được coi là một xu hướng giải trí, chứ không phải là sản phẩm mang tính bền vững cho doanh nghiệp.

Ngành nông sản và kinh doanh F&B có độ vênh lớn về mặt thời gian. Trend F&B thường kéo dài trong vòng 3-6 tháng, tối đa 1 năm nên thời gian nuôi trồng nông sản sẽ không thể kịp thời gian nở rộ của trend.

"Muốn trở thành sản phẩm nông sản có mức độ bền vững, thì nên chọn các sản phẩm nông sản phổ biến như: Cà phê, trà,... hay với trái cây thì: đào, vải, chanh,... những món mới, như trà mãng cầu cần có thêm thời gian, để chứng minh đây là nông sản bền vững với ngành F&B tại Việt Nam.

Tránh đu đỉnh

Theo ông Nguyễn Thái Dương, nếu kinh doanh theo trend thì các chủ doanh nghiệp F&B cần cân nhắc rời khỏi thị trường khi trend khi chưa tàn.

Kinh doanh theo trend là ngành đầu tư có sức hút cao, có điểm hòa vốn và thu được lợi nhuận trong thời gian ngắn. Khi ở đỉnh của trend, cuộc đua sản xuất mô hình nhượng quyền, cũng như người mua nhượng quyền sẽ vô cùng nóng bỏng. Thậm chí, giá nhượng quyền tăng lên từng ngày, như mô hình kinh doanh trà chanh diễn ra ở khu vực miền Bắc những năm 2018-2019.

"Nếu thị trường đang quan tâm và thích thú với sản phẩm, thì đó chính là đỉnh của trend. Đây là dấu hiệu cần cẩn trọng, tránh tình trạng "đu đỉnh". Người mới thì không nên đầu tư ở giai đoạn này. Người đã đầu tư, thì cần tìm hướng để dần dần dịch chuyển sang mô hình kinh doanh mới."- ông Nguyễn Thái Dương nêu kinh nghiệm.

Theo Ngọc Ánh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên