MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao hàng loạt BĐS có giá hàng trăm tỉ đồng được ngân hàng nhiều lần phát mãi với giá giảm 15-25%?

13-09-2020 - 16:24 PM | Bất động sản

Theo một vị lãnh đạo ngân hàng, các tài sản giá trị vài chục tỉ đồng đã phải mất tới 5-9 lần hạ giá với mức giảm 15-25% mới có thể thanh lý. Nhiều dự án khu công nghiệp có giá trị trên dưới 1.000 tỉ rao bán nhiều lần, giảm giá hàng trăm tỉ nhưng đến nay vẫn không có NĐT tham gia.

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt rao bán thanh lý tài sản BĐS từ BĐS nhà ở đến khách sạn, khu công nghiệp… để thu hồi nợ. Tuy nhiên, có những BĐS "đại hạ giá" rao bán 5-7 lần vẫn "ế".

So với các tài sản như ô tô, thiết bị điện tử…thì các tài sản đảm bảo bằng BĐS việc thanh lý trở nên khó khăn hơn nhiều do giá trị lớn, và nhiều tài sản còn vướng thủ tục pháp lý vì vậy dù được "đại hạ giá" nhưng vẫn vắng người mua.

"Với diễn biến thị trường như hiện nay, các BĐS thế chấp sẽ khó xử lý hơn. Nhiều ngân hàng có thể phải bán với giá thấp, hoặc chấp nhận tăng nợ xấu. Nhiều trường hợp thanh lý lần thứ 5 - 7, giá thấp hơn 20-30% nhưng vẫn không có khách mua", một vị đại diện ngân hàng nhấn mạnh trên báo chí.

Chẳng hạn, sau 28 lần bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty CP Thúy Đạt với mức giá giảm hàng chục lần so với mức chào bán lần đầu, nhưng BIDV vẫn không tìm được người mua. Tài sản của nhóm Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn cũng giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi.

Nhiều tài sản BĐS hàng trăm tỉ đồng ngân hàng hạ giá 25% cũng khó tìm khách mua - Ảnh 1.

Trước đó, CTCP Nhà Hưng Ngân cũng là một trường hợp điển hình rao bán kèm đại hạ giá nhiều lần nhưng không ai mua tại BIDV. Cụ thể, đầu tháng 6/2020, BIDV tổ chức bán đấu giá khoản nợ Nhà Hưng Ngân, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ.

Đây đã là lần thứ 4 BIDV rao bán khoản nợ này với giá chào bán khởi điểm gần 396 tỷ đồng. So với lần đấu giá đầu tiên vào tháng 2/2020, giá rao bán khởi điểm hiện tại đã giảm gần 24%. So với lần rao bán thứ 3 hồi tháng 5/2020, giá giao bán cũng giảm 6%.

Một vị lãnh đạo ngân hàng cũng từng thừa nhận với những tài sản có giá trị thấp (dưới 5 tỉ đồng) như ôtô hay căn hộ chung cư… thanh khoản thị trường tương đối cao. Nhưng những tài sản giá trị lớn như khách sạn, dự án BĐS, khu công nghiệp… giá trị từ vài trăm tỷ cho tới vài nghìn tỷ đồng rất khó để bán trong 1-2 lần đấu giá.

Thông thường, các tài sản giá trị vài chục tỉ đồng đã phải mất tới 5-9 lần hạ giá với mức giảm 15-25% mới có thể thanh lý. Nhiều dự án khu công nghiệp có giá trị trên dưới 1.000 tỉ rao bán nhiều lần, giảm giá hàng trăm tỷ nhưng đến nay vẫn không có nhà đầu tư tham gia.

Đánh giá về tác động tới thị trường BĐS, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc bán ào ạt cho thấy thị trường đang xuất hiện dấu hiệu suy giảm mạnh, quỹ đạo đang theo hướng đi xuống. Đây có thể coi là hiện tượng tiêu cực cho ngành BĐS. Nếu các ngân hàng bán ra càng nhiều khoản nợ xấu, càng đẩy giá BĐS giảm sâu hơn. Hiện tượng này tạo ra vòng xoáy đi xuống trên thị trường BĐS.

Một nhà đầu tư đánh giá, thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam có điểm hạn chế là quá vướng quan điểm định giá khoản nợ, chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị khoản nợ theo thị trường. Sở dĩ nhiều cuộc đấu giá khoản nợ xấu, đấu giá tài sản đảm bảo của nợ xấu phải đấu giá 5 - 6 lần vẫn ế là do định giá quá cao.

Một luật sư cũng cho biết, hiện ngân hàng cũng rất khó bán được hàng vì diễn biến dịch bệnh còn phức tạp. Chưa kể giá trị tài sản quá lớn nên dù có hời thì cũng ít người có đủ tiềm lực tài chính để mua để dành.

Hơn nữa, mua BĐS phát mại cũng có rủi ro khi người mua nhà phát mại mua trực tiếp từ chủ nhà cũ, tức là "con nợ" thông qua sự giới thiệu của ngân hàng. Lý do vì đây là loại tài sản bị tịch biên, khi người mua làm việc trực tiếp với chủ tài sản (con nợ) nghĩa là họ đang giao dịch với người không sở hữu hoàn toàn tài sản. Nếu không nắm kỹ những thông tin này, người mua có thể gặp rắc rối và phải mất nhiều thời gian để giải quyết.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên