Vì sao hàng ngàn nhân viên y tế nghỉ việc?
Trong thời gian qua, có hơn 4.800 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 420 viên chức công tác tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc đã khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh có tới hơn 1.050 người xin thôi việc, bỏ việc…
- 28-06-2022Vì sao số cửa hàng Starbucks trên dân số Việt Nam thấp hơn hẳn Thái Lan, Singapore?
- 28-06-2022Địa phương là điểm đến công nghiệp công nghệ cao sẵn sàng đón dòng vốn "khủng" hơn 5 tỷ USD
- 28-06-2022Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN từ năm 2024
Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này và việc các nhân viên y tế nghỉ việc, nhất là những người có trình độ chuyên môn sâu, cao sẽ tạo ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở y tế công lập, dẫn tới không còn thầy truyền nghề, trò không được học thầy giỏi. Ngành y tế phải làm gì để giải quyết bài toán "chảy máu chất xám" này?
Bác sĩ, điều dưỡng "dứt áo ra đi"
Theo chia sẻ của giám đốc một bệnh viện tuyến Trung ương, trong thời gian dịch COVID-19, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị sụt giảm rất nhiều. Bệnh viện rất khó khăn để cầm cự được mức lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên. Hơn 2 năm chống dịch vất vả, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đi tăng cường phía Nam chống dịch đã làm việc kiệt sức, song thù lao họ nhận được chưa tương xứng với công sức, vất vả họ bỏ ra. "Có điều dưỡng xin nghỉ việc vì thời gian dịch cô ấy đã bán hàng online và thấy thu nhập cao hơn so với nghề điều dưỡng vất vả, lương thấp", vị giám đốc chia sẻ.
Hà Nội là một trong những địa phương có số nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc đứng thứ 2 sau TP Hồ Chí Minh với hơn 540 trường hợp. Theo chia sẻ của một bác sĩ tại một bệnh viện công của Hà Nội, công việc nhiều, trực nhiều, nhưng mức lương thấp, bệnh viện tư mời anh ra làm, mức lương cao hơn nhiều lần. Sau nhiều suy nghĩ, chần chừ, cuối cùng anh quyết định lựa chọn bệnh viện tư để đổi mới môi trường làm việc và tăng thu nhập.
Nhân viên y tế quận Đống Đa, Hà Nội triển khai phòng chống dịch.
Hiện tượng này xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phía Nam khi nhiều bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện công "dứt áo ra đi" sau nhiều năm cống hiến. Tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác, năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, cường độ và thời gian lao động tăng, áp lực công việc quá lớn, có nơi thù lao trực đêm chống dịch chỉ 18.500 đồng, không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đóng góp. Có bác sĩ chia sẻ phải rút tiền tiết kiệm ra để trang trải. Thêm vào đó, chế độ thu hút, hoặc đãi ngộ hạn chế hoặc không có.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có 1.069 viên chức y tế xin nghỉ việc, thôi việc. Tiếp đến là các tỉnh như Đồng Nai 372 người, Bình Dương 202 người, Long An 162 người, sau đến An Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Thuận. Tại Đồng Nai, nhiều thầy thuốc đang công tác tại bệnh viện công lập cũng xin nghỉ việc. Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai hiện có 1.255 cán bộ, nhân viên, trong đó có 267 bác sĩ, 400 điều dưỡng. Trước áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, chỉ tính riêng từ tháng 1-2021 đến nay, toàn bệnh viện đã có 114 viên chức, người lao động, trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên thôi việc, bỏ việc. Hiện có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc nhưng bệnh viện chưa giải quyết. Ngoài ra, có 13 người đang xin nghỉ không lương, 6 người xin chuyển công tác. Đây là khó khăn rất lớn đối với bệnh viện khi thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là các bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề cao.
Theo chia sẻ của TS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, nguyên nhân các y, bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc phần lớn là do không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Còn theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, không phải chỉ trong năm 2021 mới có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc do thu nhập thấp, mà trước đó đã diễn ra tình trạng này tại các bệnh viện công lập hạng I.
Người bệnh chịu thiệt thòi
Trong số hơn 4.800 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế cấp tỉnh nghỉ việc, thôi việc có hơn 1.500 bác sĩ, hơn 1.400 điều dưỡng, hơn 200 kỹ thuật y… Còn tại bệnh viện tuyến Trung ương, thời gian qua có 168 bác sĩ, 129 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y và 107 viên chức xin nghỉ việc, thôi việc. Nhiều nhất là Bệnh viện Bạch Mai 65 người, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam 49 người, Bệnh viện Chợ Rẫy 48 người, Bệnh viện Trung ương Huế 41 người.
Nhiều người lo ngại, với tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc, bỏ việc ở bệnh viện công nhiều như hiện nay, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện công lập. Theo tâm sự của một giám đốc bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương, bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn tốt xin nghỉ việc "đầu quân" sang bệnh viện tư khá nhiều. Nhưng người bệnh không phải ai cũng có tiền để đi bệnh viện tư, đây là thiệt thòi cho người bệnh nghèo. Nếu người đi ở vị trí quan trọng, chuyên khoa khó đào tạo, đào tạo mất thời gian, thì thiếu hụt nguồn nhân lực, thiếu hụt một thế hệ đào tạo bác sĩ, không còn thầy truyền nghề, trò không được học thầy giỏi.
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG về tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, nguyên nhân của việc cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập còn thấp, chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy, khó giữ chân cán bộ y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Thứ hai là hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, nhất là nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nên sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại chưa có cơ chế để giữ chân viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi. Tại một số đơn vị tự chủ về tài chính, do dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm nên nguồn thu của bệnh viện cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh hoặc chậm trả lương, đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.
"Tại một số tỉnh miền núi, hải đảo, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ y tế trẻ có trình độ đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương so với những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội và có cơ hội học hành tốt hơn. Một số cán bộ y tế công công tác tại các tỉnh vùng cao khi học xong đã xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển công tác", Thứ trưởng Tuyên nói.
Nguyên nhân nữa là từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn, nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với những nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Mặt khác, môi trường làm việc đặc thù của ngành y, ngoài phải chịu những áp lực mà mỗi người bình thường đều có về công việc, gia đình, mưu sinh, quan hệ xã hội, họ còn phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong, áp lực từ người nhà bệnh nhân, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin…
Khắc phục sự thiếu hụt
Trước thực trạng "chảy máu chất xám" trong hệ thống y tế công lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đã chỉ đạo ngành y tế nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách để nâng cao thu nhập, giữ chân y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện. Còn lãnh đạo một bệnh viện tuyến tỉnh thì chia sẻ, chỉ có nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn thì mới thu hút được bệnh nhân đến bệnh viện, mới có thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế.
Về phía Bộ Y tế, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để giải quyết bài toán khó này, Bộ Y tế đã động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc… Quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp… Huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế, nhằm giảm bớt khó khăn. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là những viên chức có trình độ chuyên môn cao. Xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc ở các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn.
"Bộ Y tế đang xây dựng tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bộ đang trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011-NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp và ưu đãi theo nghề đã được quy định tại Điều 3 Nghị định 56 đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ 40-70% lên mức 100%", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thực trạng nhân viên y tế rời đi khỏi bệnh viện công cấp thiết phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn. Không một ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả. Đó là bài toán khó mà không phải chỉ riêng ngành y tế có thể giải đáp được.
Công an nhân dân