Vì sao hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trở lại?
Trong một báo cáo mới phát hành của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh.
- 15-08-2019Chơi sang ăn đào Tây Ban Nha, ngã ngửa cú lừa hàng Trung Quốc
- 11-08-2019Nhập siêu hàng Trung Quốc tăng, nguy cơ gian lận xuất xứ tăng cao
- 02-08-2019Khách mua sợ hàng Trung Quốc, mận tím khổng lồ hạ giá mạnh vẫn ế
Theo KBSV, bức tranh cơ cấu thị trường và cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh 27% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc cũng tăng tương ứng với 18,15% so với cùng kỳ.
Rủi ro nhập siêu từ Trung Quốc đang gia tăng trong đó có một số dấu hiệu đáng lo ngại rằng hàng Trung Quốc đang tìm cách lách xuất xứ để qua Việt Nam.
"Trong các báo cáo về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam nổi lên là một trong những nước hiếm hoi sẽ được hưởng lợi thông qua việc chuyển hướng thương mại cũng như là một địa điểm đầu tư thay thế Trung Quốc. Tuy nhiên, trong báo cáo gần đây nhất từ Wall Street Journal, Việt Nam bị cảnh báo là có một số bằng chứng về hoạt động trung chuyển (transhipment). Cụ thể, một số công ty ở Việt Nam đã trái phép dán mác " Made in Vietnam ” thay thế “Made in China” nhằm tránh thuế quan khi xuất sang Mỹ", KBSV cho biết.
KBSV đánh giá, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng. Thứ nhất, việc đồng nhân dân tệ (CNY) mất giá so với VNĐ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn tương đối.
Rủi ro nhập siêu từ Trung Quốc đang gia tăng mạnh
Thứ hai, một số công ty ở Việt Nam thực hiện hoạt động trung chuyển nhằm thay đổi nhãn mác hàng hóa. Điểm đáng lo ngại là ngoại trừ điện thoại và linh kiện, khá nhiều các nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng mạnh sang Mỹ lại trùng khớp với các nhóm hàng gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc như máy tính, sản phẩm điện tử, máy móc phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Như vậy, có thể rút ra được kết luận đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhập siêu từ Trung Quốc trong thời gian qua tăng. Ngoài ra, khi so sánh biến động xuất khẩu các nhóm ngành của Trung Quốc sang các nước ASEAN cũng quan sát được mức tăng đột biến từ các nhóm ngành chịu thuế từ Mỹ trong các nước ASEAN, đặc biệt là Malaysia và Phillippines.
Và cuối cùng, các công ty FDI chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị đầu tư sản xuất.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, cho biết một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng lại ghi nhãn mác Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Theo ông Hùng, vấn nạn lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất hàng đi các nước, lợi dụng xuất xứ của các nước nhập vào Việt Nam để hưởng ưu đãi đang ngày càng nhức nhối.
Hiện nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đang khoanh vùng sáu doanh nghiệp (DN) lớn có có kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu từ Trung Quốc để xuất đi Mỹ và một số nước tăng đột biến trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ , Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan tăng cường kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn lại thể hiện “Made in VietNam”.
Đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) công chức hải quan phải thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).
Trường hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu ghi nhãn “Made in Vietnam”, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xác minh làm rõ. Trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ hành vi vi phạm để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 185/2013.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh