Vì sao HLV Mai Đức Chung thành công: Tất cả bí quyết gói gọn trong một chữ!
"Tôi cũng từng làm bóng đá nữ nên tôi biết mình không làm lâu dài được, tính mình nóng nảy", cố HLV Lê Thụy Hải từng nói khi nhận xét về người đồng nghiệp Mai Đức Chung.
- 09-02-2022Quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu tới 3 thủ đô, chỉ ai thông thạo Địa lý thế giới mới biết
- 09-02-2022Cả vũ trụ hạnh phúc trong khung ảnh gia đình nhà Đặng Thu Thảo, 2 nhóc tỳ "ngậm thìa vàng" gây bão vì quá đáng yêu
- 08-02-2022Luật sư ly hôn chứng kiến 1.000 cuộc hôn nhân đổ vỡ: Bản chất con người không thể che giấu qua 1 thứ này
BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
Trong suốt sự nghiệp huấn luyện của mình, cố HLV Lê Thụy Hải chỉ làm phó cho một người. Đó là HLV Mai Đức Chung .
"Anh Hải hơn tuổi tôi, anh em rất tôn trọng và quý mến nhau. Hồi chúng tôi còn thi đấu, chia nhau từng miếng ăn. Sau này, khi tôi làm HLV đội Tổng cục Đường sắt, anh Hải làm phó cho tôi. Anh ấy cũng làm phó cho tôi ở tuyển Việt Nam hồi năm 2008, dự Merdeka Cup.
Thực ra anh Hải không kém tôi, thậm chí còn hơn rất nhiều. Anh em tôi ai làm cũng vậy, đều cùng nhau gánh vác chứ không phân biệt phó hay trưởng. Cũng vì hiểu nhau trong nghề, tôn trọng nhau nên ngoài đời càng quý mến, thân thiết", HLV Mai Đức Chung từng tiết lộ với truyền thông về câu chuyện này.
Nên nhớ rằng vào thời điểm năm 2008, ông Hải "lơ" đang cầm quân ở B.Bình Dương và vừa vô địch V.League hai mùa liên tiếp. Danh tiếng và năng lực đã được khẳng định, ấy vậy mà một người có cá tính mạnh như ông Lê Thụy Hải lại chấp nhận lên làm phó cho HLV Mai Đức Chung.
Chỉ điều như vậy thôi cũng cho thấy cái tình mà ông Hải "lơ" dành cho người bạn, người đồng nghiệp bao năm của mình. Vậy điều gì ở ông Mai Đức Chung lại khiến ông Lê Thụy Hải nể phục đến vậy?
HLV Lê Thụy Hải làm trợ lý cho HLV Mai Đức Chung tại Merdeka Cup 2008. Đây là giải đấu mà U22 Việt Nam đã xuất sắc giành chức vô địch. (Ảnh: VFF)
Kể lại với chúng tôi trong cuộc trò chuyện cách đây ít năm, HLV Lê Thụy Hải giãi bày:
"Tiếp xúc với Mai Đức Chung, chúng ta ai cũng sẽ thấy đây là một con người rất điềm đạm, biết cách lắng nghe. Đặc biệt về sự kiên nhẫn có lẽ khó ai bằng được. Khi chuyển sang làm HLV, anh Chung có lợi thế khi bản thân vốn đã là một cầu thủ tốt, cộng với mong mỏi được theo nghề huấn luyện vốn đã có sẵn trong anh ấy rồi.
Về phong cách, HLV Mai Đức Chung là một người chu đáo. Tôi từng làm trợ lý cho anh ấy ở đội Đường sắt nên rất hiểu. Anh Chung kĩ tính, chỉn chu lắm. Đó là những điều tôi có khi không có được. Việc gì cũng chi tiết, cụ thể nhưng đồng thời lại vô cùng chu đáo, gần gũi, nắm bắt được tâm lý VĐV. Yếu tố đó giúp anh ấy có thể thành công được cả với bóng đá nam và nữ".
Ông Hải "lơ" nhấn mạnh: "Một chữ để nói về bí quyết thành công của anh Chung với bóng đá nữ, tôi sẽ dùng chữ "Nhẫn". Tôi cũng từng làm bóng đá nữ nên tôi biết mình không làm lâu dài được, tính mình nóng nảy. Còn nói thật trong công việc có lẽ chúng ta không phải bàn quá nhiều nữa, bởi chỉ nhìn vào những thành tích đạt được đã đủ hiểu tài năng của HLV Mai Đức Chung là như thế nào".
ĐƯỢC CHỌN DẪN ĐỘI TUYỂN NỮ VÌ KHÔNG… NÓI BẬY
HLV Mai Đức Chung thành công rực rỡ với bóng đá nữ, nhưng cái duyên đưa ông đến với con đường này cũng thật bất ngờ.
Mọi thứ bắt đầu vào năm 1997 khi VFF thành lập đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam để lần đầu tiên tham dự SEA Games. Nhiều ứng viên đã được tính tới cho ghế HLV trưởng nhưng bóng đá nữ ở Việt Nam thưở ấy còn quá sơ khai VFF đắn đo mãi chưa mà chưa dám quyết ai.
Trong hoàn cảnh đó, Phó Chủ tịch VFF kiêm Trưởng ban các ĐTQG Lê Thế Thọ đã nhớ tới ông Mai Đức Chung. Sau này kể lại với truyền thông, ông Thọ tiết lộ một trong những lý do quan trọng cho quyết định này là việc ông Chung không... nói bậy bao giờ.
"Mai Đức Chung là người mềm mại, nhã nhặn, hiền lành, ăn nói có chừng mực nên tôi nghĩ là thích hợp để huấn luyện các cầu thủ nữ, vì lúc đó bóng đá nữ còn mới quá nên chưa có HLV nào có kinh nghiệm như vậy. Tất nhiên trong huấn luyện bóng đá thì lúc căng thẳng có thể quát tháo, mắng mỏ, nhưng lúc bình thường thì cần phải nhẹ nhàng, điềm đạm. Chung là học trò của tôi từ khi còn là cầu thủ nên tôi biết rõ Chung lắm".
"Một lý do quan trọng nữa khiến tôi tiến cử Mai Đức Chung là vì Chung không… nói bậy bao giờ, mà cái này với các cầu thủ nữ thì quan trọng lắm", ông Lê Thế Thọ kể lại với Tiền Phong vào năm 2008.
HLV Mai Đức Chung luôn nhận được sự quý mến của đồng nghiệp cũng như các cầu thủ
SỰ TINH TẾ CỦA HLV MAI ĐỨC CHUNG
Còn nhớ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây ít lâu, HLV Mai Đức Chung đã có những trải lòng về việc làm bóng đá nữ. Ông chia sẻ:
"Chuyển từ bóng đá nam sang bóng đá nữ tất nhiên tôi phải có những điều chỉnh về phương pháp huấn luyện cho phù hợp hơn. Ngoài ra còn một điều tế nhị nằm ở sự khác biệt sinh lý nữa.
Cầu thủ nam chỉ đau ốm, chấn thương thì nghỉ, còn với nữ họ còn có "ngày đèn đỏ" nữa. Mình cũng phải xem xét sự ảnh hưởng của chuyện đó để tính toán nhân sự, bởi nó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thể trạng, phong độ của cầu thủ".
Ông Chung nói tiếp: "Ngoài ra bóng đá nam có những xung đột như thế nào thì bóng đá nữ đều có cả. Với bóng đá nam, cầu thủ có xích mích, va chạm, thậm chí đánh nhau nhưng sau đó họ có thể bắt tay giải hòa luôn nhưng ở bóng đá nữ mọi thứ diễn ra âm ỉ hơn nhiều, họ không thể hiện rõ ra bên ngoài.
Tôi vẫn nhớ năm 1997 có một trường hợp hai người tuy cùng ở tuyển nhưng lại không chơi với nhau, có khúc mắc riêng, ra sân họ không hỗ trợ nhau. Cả hai cùng đá cánh phải, một người hậu vệ, một người tiền vệ. Sau một vài tình huống tôi bắt đầu phát hiện ra vấn đề. Bạn nữ tiền vệ lên tấn công rất tốt nhưng đến khi đội phòng ngự lại không chịu lùi về, cứ đứng ở giữa sân thôi. Tôi lập tức ra chỉ đạo chấn chỉnh và đến khi trận đấu kết thúc liền gọi hai cầu thủ đó lại nói chuyện.
"Nếu các cháu cứ như thế này, trước hại bản thân cháu, sau là hại cả đội, cần phải sửa đổi ngay. Cháu có công nhận điều đó với bác không?", tôi chỉ hỏi nhẹ nhàng như thế và bạn ấy ngay lập tức nhận khuyết điểm.
Cùng với những lời động viên, mình cũng phải kèm theo động thái cứng rắn, khẳng định sẵn sàng loại cầu thủ đó ra khỏi đội nếu vẫn tiếp tục duy trì thái độ đó. Mình kết hợp vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, nhắc nhở về vấn đề chuyên môn để cầu thủ hiểu ra vấn đề.
Cầu thủ nữ họ có nhiều điều tế nhị, nên muốn tạo ra sự công bằng, sòng phẳng, tôi muốn gặp gỡ nhắc nhở cầu thủ nào đều làm ở ngay trên sân. Như thế để cho tất cả những cá nhân khác nhìn vào và hiểu rằng mình không hề có sự ưu ái riêng nào cả. Chứ nếu mình gặp riêng ở đâu đó hoặc nói chuyện ở trong phòng với họ, những người khác có thể sẽ đặt nghi kị về việc mình có ý gì đây mà lại làm thế. Mọi thứ đều phải hành xử hết sức tinh tế để tránh những hiểu lầm không đáng có".
Việt Nam 2-1 Đài Bắc Trung Hoa | Asian Cup nữ 2022
Pháp luật & Bạn đọc