Vì sao Idemitsu xây dựng trạm xăng dầu ở quốc lộ thay vì nội đô?
Không nhiều vị trí trong thành phố thỏa mãn được các yêu cầu kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tuân thủ quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu do chính quyền địa phương ban hành.
- 16-10-2017Chủ tịch Petrolimex: Vẫn còn dư địa để mở rộng mạng lưới bán lẻ xăng dầu, nhưng gặp rào cản đất đai
- 14-10-2017Idemitsu Q8 gia nhập thị trường, Chủ tịch Petrolimex lại muốn tự định giá xăng dầu
Tại mỗi tỉnh, thành phố, chính quyền quyền địa phương đều ban hành quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu, vì đây là một phần trong quy hoạch phát triển chung. Đồng thời, việc quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu cũng nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, phòng chống cháy nổ.
Trên cơ sở quy hoạch của chính quyền địa phương, doanh nghiệp tiến hành chuẩn bị, trình duyệt dự án xây dựng cửa hàng xăng dầu. Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng, tổng mức đầu tư được tính toán, lựa chọn và xác định chính xác cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư.
Tuy nhiên, Idemitsu Q8 cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều khó có thể nhanh chóng mở rộng mạng lưới bán lẻ xăng dầu trong thành phố. Nguyên nhân là quỹ đất hội tụ đủ các điều kiện không nhiều. Số lượng trạm xăng dầu được dự kiến xây dựng trong bản quy hoạch của các thành phố lớn cũng không đặt ra mục tiêu quá cao.
Theo Quyết định 5059 của UBND thành phố Hà Nội, chỉ 2 cửa hàng xăng dầu loại I (có tối thiểu 6 cột bơm) được xây dựng trong giai đoạn 2016-2020. Vị trí của 2 trạm này nằm ở huyện Ba Vì và Hoài Đức. Nội đô thành phố sẽ xây dựng 9 trạm loại II (có tối thiểu 4 cột bơm) và 9 trạm loại III (có tối thiểu 3 cột bơm). Số lượng trạm xây dựng mới rất ít trong khi có tới 56 cửa hàng sẽ phải xóa bỏ, giải tỏa, di dời do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Qua việc đầu tư cửa hàng xăng dầu loại I tại Khu công nghiệp Thăng Long, có thể thấy Idemitsu Q8 muốn đem đến nhiều dịch vụ và trải nghiệm tốt cho khách hàng. Vì vậy, Idemitsu Q8 sẽ gặp khó nếu chỉ được xây dựng các trạm xăng dầu loại II và III. Không những thế, nhân viên cũng không thể phục vụ chu đáo khi trạm xăng dầu trong nội đô thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.
Ngược lại, Idemitsu Q8 hoàn toàn có thể nhận được sự đánh giá tích cực từ phía khách hàng nếu tiếp tục xây dựng những trạm xăng dầu loại I trên các tuyến quốc lộ. Việc quy định khoảng cách tối thiểu 40km (giữa 2 cửa hàng xăng dầu loại I) của Bộ Công thương cũng tránh được sự “xung đột” giữa các trạm xăng dầu. Khi được khách hàng tín nhiệm như đối với trạm xăng dầu đầu tiên, Idemitsu Q8 hoàn toàn có thể kinh doanh tốt mà không cần đầu tư xây dựng cửa hàng trong trung tâm thành phố đông đúc.
Mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu do các đơn vị thành viên Petrolimex trực tiếp quản lý điều hành tại trung tâm Hà Nội. (Nguồn: Petrolimex)
Ngoài ra, việc cạnh tranh khốc liệt cũng là một vấn đề được Idemitsu Q8 cân nhắc, trước khi đưa ra quyết định mở trạm xăng dầu ở quốc lộ. Thực tế, các doanh nghiệp đang có mạng lưới phân phối bán lẻ trong nội đô đã cung cấp dịch vụ khá tốt. Petrolimex đã triển khai trạm xăng dầu tự bơm và trả tiền qua thẻ tại một số vị trí. Khách hàng còn được miễn phí công thay dầu nhớt khi mua tại cửa hàng.
PVOil, Mipec, Petrolimex,... đã phát triển hệ thống đại lý, nhượng quyền thương mại. Thương nhân nhỏ hơn cũng xây dựng trạm xăng dầu tại những nơi doanh nghiệp lớn chưa vươn tới. Thị trường bán lẻ xăng dầu đã có sự cạnh tranh từ nhiều năm nay, trong khi Idemitsu Q8 hiện chỉ là một đại lý của PVOil.
Idemitsu Q8 cho biết, họ đang cân nhắc mở trạm xăng dầu ở các tuyến quốc lộ. Họ hoàn toàn có thể khiến người tiêu dùng và các đối thủ canh tranh bất ngờ, như việc cúi chào ở lối vào cửa hàng trong những ngày mưa gió.