Vì sao khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ không lây lan ra toàn bộ thị trường mới nổi?
Thổ Nhĩ Kỳ đã có những biện pháp ổn định thị trường và chúng hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên.
- 17-08-2018Trong 1 tuần, giới đầu tư rút 1,4 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi
- 13-08-2018Từng là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất với tốc độ tăng trưởng ngang Trung Quốc, vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào khủng hoảng?
- 25-07-2018Nhà đầu tư kỳ cựu cảnh báo làn sóng vỡ nợ trên thị trường mới nổi, lặp lại kịch bản khủng hoảng tài chính châu Á 1997
Năm 1546, Girolamo Fracastoro - 1 bác sĩ cũng là 1 nhà thơ – đưa ra học thuyết về sự lây nhiễm. Theo ông, bệnh lây nhiễm sẽ lây lan theo 3 đường: tiếp xúc trực tiếp, qua vật trung gian và cuối cùng là từ khoảng cách xa, lây lan qua không khí. Ngày nay học thuyết của Fracastoro không có gì đặc biệt dưới góc độ y học, nhưng trong kinh tế thì học thuyết này lại hoạt động khá hiệu quả.
Ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump "gieo mầm bệnh" thông qua dòng tweet thông báo sẽ tăng gấp đôi mức thuế đánh vào nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó 2 bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cho vào danh sách trừng phạt vì có liên quan đến vụ bắt giam mục sư người Mỹ Andrew Brunson vì những lý do mà Mỹ cho là không minh bạch. Đồng lira, vốn đã mất 38% giá trị kể từ đầu năm, giảm thêm 8% sau dòng tweet nói trên.
Mọi thầy thuốc đều tin rằng những động vật ăn tạp sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn là các sinh vật sống có thói quen ăn uống sạch hơn. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ trở nên dễ bị tổn thương trước các rủi ro tài chính một phần là bởi những sai lầm trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp nước này vay nợ ồ ạt bằng đồng ngoại tệ trong khi Chính phủ cũng có khoản nợ của riêng mình và còn bảo lãnh cho 1 lượng lớn nợ tư nhân.
Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ hiện ở mức hơn 15% - cao hơn nhiều so với mục tiêu của NHTW. Nhưng cơ quan điều hành chính sách tiền tệ lại không thể tự do điều chỉnh chính sách đơn giản bởi vì Tổng thống Recep Tayyip Erfogan không thích lãi suất tăng.
Để lấp đầy khoản thâm hụt cán cân vãng lai vượt quá 5% GDP, Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài. Nhưng giống như các thị trường mới nổi khác, việc thu hút vốn ngoại ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh Mỹ tăng lãi suất.
Chuyển sang thói quen "ăn uống lành mạnh" là giải pháp cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tân bộ trưởng Tài chính của nước này – Berat Albayrak (cũng là con rể của Tổng thống Erdogan), cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường kỷ luật tài khóa và thu hẹp thâm hụt cán cân vãng lai. NHTW Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thắt chặt chính sách tiền tệ một cách gián tiếp, buộc các ngân hàng phải trả lãi cao hơn so với lãi suất cơ bản cho các khoản vay qua đêm.
Giảm nhập khẩu sẽ khiến "căn bệnh" của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lây lan sang các đối tác thương mại. Đây là dạng "truyền bệnh trực tiếp". Các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Thổ Nhĩ Kỳ (tính theo % GDP) lần lượt là Bulgaria, Iran và Georgia. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mua 1,3% tổng hàng hóa của thế giới, do đó mức độ ảnh hưởng là không đáng kể.
Dạng thức lây bệnh thứ hai sẽ nguy hiểm hơn: thông qua trung gian. Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, mối nguy nằm ở các ngân hàng nước ngoài cho Thổ Nhĩ Kỳ vay tiền và cũng là nguồn tín dụng quan trọng của nhiều nước khác. Ở đây chủ yếu là các ngân hàng châu Âu, vì thế ngày 10/8 xuất hiện tin tức NHTW châu Âu đang lo lắng về tác động của khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ lên các định chế tài chính của khu vực. Nhóm cổ phiếu ngân hàng trong chỉ số Stoxx Europe đã giảm điểm, trong đó cổ phiếu của 2 ngân hàng bị cho là có mức độ liên quan lớn nhất giảm hơn 9%.
Các ngân hàng khu vực eurozone đã cho Thổ Nhĩ Kỳ vay khoảng 150 tỷ USD, tương đương khoảng 10% tổng vốn chủ sở hữu. Trong đó khoảng 80 tỷ là từ các ngân hàng Tây Ban Nha, đặc biệt là BBVA – ngân hàng sở hữu một nửa cổ phần của Garanti là ngân hàng tư nhân lớn thứ hai Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng chiếm tỷ trọng lớn là UniCredit của Italy và BNP Paribas của Pháp.
Trước mắt, rủi ro là người đi vay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể hoàn trả các khoản nợ ngoại tệ giờ đã có giá trị tăng lên đáng kể do đồng lira mất giá. Hiện tỷ lệ nợ xấu của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vào khoảng 3% nhưng con số được dự đoán sẽ sớm tăng lên.
Nhưng trong trường hợp xấu nhất là mất trắng, các ngân hàng châu Âu sẽ mất 1% - 12% vốn chủ sở hữu của toàn tập đoàn, theo tính toán của Deutsche Bank. Các cổ đông bị thiệt hại nhưng sự kiện này không thể đẩy toàn bộ hệ thống lâm vào cảnh phá sản hoặc phải yêu cầu cứu trợ.
Mối nguy lớn nhất nằm ở đường lây bệnh thứ ba: cơn bán tháo tài sản lây lan ra toàn bộ thị trường mới nổi. Các chuyên gia kinh tế lo ngại nhà đầu tư theo tâm lý bầy đàn sẽ không thể tỉnh táo phân biệt Thổ Nhĩ Kỳ là 1 trường hợp đặc biệt với nền kinh tế về bản chất là khác xa so với các nền kinh tế mới nổi khác.
Ngày 13/8, đồng ruppee Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục 70 rupee đổi 1 USD bất chấp nước này có lạm phát thấp và nợ bằng ngoại tệ cũng thấp. NHTW Argentina tăng lãi suất từ 40% lên 45% để khẳng định cam kết bình ổn giá cả và đồng peso. Trong khi đó Nam Phi bị tổn thương nhiều nhất: đồng rand mất gần 10% sau dòng tweet của ông Trump trước khi ổn định trở lại.
Nhưng hiệu ứng chỉ duy trì trong ngắn hạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã có những biện pháp ổn định thị trường và chúng hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên. Đến cuối tuần trước giới đầu tư toàn cầu lại có những mối lo khác, ví dụ như kết quả kinh doanh gây thất vọng của Tencent – công ty Trung Quốc chiếm phần lớn hơn cả tổng giá trị của các cổ phiếu Thổ Nhĩ Kỳ trong danh mục thị trường mới nổi của họ.