Vì sao lãi sau thuế quý 3 của Đạm Phú Mỹ (DPM) "bốc hơi" đến 93%?
Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của DPM trong vòng 4 năm qua.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (mã DPM) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần 3.215 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng nhanh hơn khiến biên lãi gộp sụt mạnh từ 38% xuống 13%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 408 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm mạnh 71% xuống 27 tỷ đồng chủ yếu do hụt thu từ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay và cổ tức lợi nhuận được chia. Trong khi đó, chi phí bán hàng, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Kết quả, Đạm Phú Mỹ lãi sau thuế quý 3 chỉ đạt vỏn vẹn 69 tỷ đồng, giảm mạnh gần 93% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của DPM trong vòng 4 năm qua, kể từ quý 3/2019.
Giải trình về kết quả kinh doanh suy giảm trong quý 3, Đạm Phú Mỹ cho biết nguyên nhân do giá bán mặt hàng phân bón và hóa chất quý 3 giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là giá bán URE giảm 35% và giá bán NH3 giảm 59%. Đồng thời, giá khí tăng cao so với quý 3 năm ngoái cũng khiến lợi nhuận quý 3/2023 giảm sâu tương ứng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu đạt 10.187 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 436 tỷ đồng, tương ứng giảm 31% và 90% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, công ty mới chỉ hoàn thành 59% và 19% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm đề ra.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ đã sụt giảm hơn 3.400 tỷ so với đầu năm xuống mức 14.275 tỷ đồng. Trong đó, tiền, tương đương tiền và tiền gửi chiếm hơn một nửa với số dư 7.286 tỷ đồng.
Ngược lại, công ty vay nợ rất ít với tổng nợ vay tài chính chỉ hơn 646 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Đạm Phú Mỹ đạt 2.806 tỷ đồng, giảm 56% so với số đầu năm. Bên cạnh đó là quỹ đầu tư phát triển đạt 4.599 tỷ đồng.
Nhịp sống thị trường