MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao lãi suất ngân hàng không dễ giảm thêm?

22-05-2017 - 15:48 PM | Tài chính - ngân hàng

“Không thể trông chờ nhiều vào các ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp” – ý kiến chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Chi phí lãi suất là một trong những vấn đề nổi lên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mới đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải giảm lãi suất, đồng thời phát triển các kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về mức lãi suất ngân hàng hiện nay?

Các doanh nghiệp trong những năm gần đây luôn gặp phải vấn đề chi phí tài chính cao. Mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giao động từ 9-11%, gấp đôi mức lãi suất trên các thị trường tài chính khác. Một doanh nghiệp Việt Nam muốn chấp nhận được chi phí đó thì phải có tỷ lệ lợi nhuận sau chi phí vào khoảng 20% thì mới đủ trả lãi ngân hàng, trả thuế và đảm bảo “có lãi”.

Theo đánh giá của tôi, có rất ít doanh nghiệp có thể đạt được tỷ lệ lợi nhuận này. Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận thua lỗ, hoạt động cầm chừng xuất phát từ tâm lý “sợ” mở rộng kinh doanh, “sợ” vay vốn và trả lãi ngân hàng.

Về phía ngân hàng, đáng ra với mức lãi suất cao như vậy, họ phải thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, lãi suất huy động – chi phí vốn của ngân hàng lại rất cao, dẫn tới lợi nhuận biên thấp.

Hiện tại, có thể thấy rằng vì lãi suất cao mà cả ngân hàng và doanh nghiệp đều bị tổn hại về lợi ích. Theo tôi, chủ chương giảm lãi suất ngân hàng là hướng đi đúng của Chính phủ và NHNN, nhưng thực hiện như thế nào mới là vấn đề cần phải bàn. Chính phủ đã cố gắng từ nhiều năm nay trong việc ổn định lãi suất bằng việc thực hiện nhiều chính sách và biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, để giảm lãi suất không thể ngày một ngày hai, cũng không thể chỉ bằng ý chí Chính phủ và NHNN, bởi điều kiện thị trường hiện tại lại không thật thuận lợi cho vấn đề giảm lãi suất.

Ông có nhắc đến những điều kiện thị trường gây khó khăn trong việc điều tiết lãi suất. Vậy những khó khăn đó là gì?

Một hiện tượng rất đáng quan tâm đó là dù lãi suất cao nhưng tính thanh khoản trên thị trường lại khá tốt. Có thể loại trừ nguyên nhân yếu kém thanh khoản dẫn tới việc tăng lãi suất của các ngân hàng. Vậy do đâu lãi suất cao? Theo tôi, có thể do một số nguyên nhân như sau.

Về mặt vĩ mô, nguyên nhân tôi muốn kể đến đầu tiên là do tỷ lệ lạm phát. Hiện tại, lạm phát đang ở mức trên 4%. Mức lãi suất huy động thường cao hơn 2% so với tỷ lệ lạm phát vậy lãi suất huy động kỳ vọng sẽ là 6%. Từ đó, khi cho vay ra, để đảm bảo được chi phí hoạt động và có lãi, chênh lệch lãi suất phải ở mức 3%, tức là lúc này lãi suất cho vay khoảng từ 9% trở lên.

Thứ hai, lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn ở mức cao. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của dân cư và doanh nghiệp vì rõ ràng nếu cùng mức lãi suất thì nhiều người sẽ ưa chuộng kênh trái phiếu do rủi ro mất vốn gần như bằng không. Ngân hàng thương mại để đảm bảo hoạt động của mình cũng phải tăng lãi suất lên tương ứng.

Thêm vào đó, lãi suất tiền gửi và đầu tư đồng đô la trên thế giới có xu hướng tăng nhanh do quyết định tăng lãi suất của Fed. Việc duy trì mặt bằng lãi suất tiền đồng ở mức cao lúc này có thêm nhiệm vụ vừa để chống đôla hóa, vừa đối phó với chảy máu ngoại tệ. Tất cả các yếu tố trên tương tác, cộng hưởng với nhau, là căn bản làm cho vấn đề lãi suất trong năm nay rất khó giảm.

Về mặt vi mô, riêng đối với các ngân hàng thương mại, có 2 yếu tố đẩy lãi suất lên. Yếu tố đầu tiên là vấn đề đối phó với nợ xấu. Theo nhiều khảo sát, tổng nợ xấu trong nền kinh tế có thể lên tới 8-10% tổng dư nợ, bao gồm các khoản nợ xấu tồn đọng và nợ xấu phát sinh mới. Điều này bắt buộc các ngân hàng, trước hết phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời các khoản nợ không thể thu hồi cũng gây thiệt hại không nhỏ, đẩy chi phí hoạt động và lãi suất của các ngân hàng lên.

Mặt khác, trong cuộc chạy đua tranh giành nhân lực chất lượng cao, chi phí lao động (lương, thưởng, bảo hiểm…) được đẩy lên cao hơn. Đây là những yếu tố mang tính vi mô của mỗi ngân hàng mà theo tôi ảnh hưởng trực tiếp tới việc tăng lãi suất ngân hàng.

Thông tư 39/2016/ TT-NHNN quy định để đảm bảo đủ điều kiện vay vốn, khách hàng phải được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Một số ngân hàng đang hiểu tình hình tài chính “minh bạch, lành mạnh” được thể hiện qua việc các doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính được kiểm toán hoặc phải cung cấp báo báo thuế, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này.

Theo tôi, việc các doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính minh bạch là rất cần thiết. Một ngân hàng không thể cho vay chỉ dựa vào tài sản đảm bảo mà còn phải tính đến khả năng trả nợ của chính doanh nghiệp. Điều đó thể hiện qua tình hình tài chính mà cụ thể là qua hệ thống báo cáo tài chính. Nếu các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ không có báo cáo tài chính chuẩn mực, được kiểm toán độc lập thì độ tin cậy về các thông tin tài chính của khách hàng sẽ không được đánh giá cao. Bài học nhãn tiền là trong những năm qua, nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao chủ yếu nhắm vào các khoản vay được bảo đảm bằng tài sản bất động sản nhưng lại gặp khủng hoảng trong xử lý nợ xấu.

Vấn đề đặt ra là các ngân hàng có nên “nhắm mắt làm ngơ” chấp nhận những sai lệch trong thông tin tài chính của khách hàng, chỉ dựa vào tài sản đảm bảo để cho vay hay không?

Theo quan điểm và kinh nghiệm của tôi, ngân hàng nên chọn con đường “thắt chặt”, vì nếu ngân hàng “dễ dãi” thì chậm nhất từ 3- 5 năm, vấn đề nợ xấu sẽ trở lại gây tổn thương toàn hệ thống, ngân hàng sẽ phải trả giá đắt.

Chính phủ đăng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn quốc sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhưng khi khả năng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng khó khăn, một số doanh nghiệp nhỏ sẽ có xu hướng thu hẹp, thậm chí tạm dừng kinh doanh. Các hộ kinh doanh đang có ý định chuyển sang doanh nghiệp cũng e dè hơn và không chủ động trong chuyển đổi. Ông có kiến nghị gì để cân bằng lợi ích giữa ngân hàng với doanh nghiệp cũng như tạo động lực để các hộ kinh doanh “lên đời”?

Theo tôi, mục tiêu đến năm 2020 chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ không đạt được nếu không có sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức các doanh nghiệp hiện tại. Tôi khẳng định các doanh nghiệp vi mô là những doah nghiệp rất dễ bị tổn thương. Có thể nói, hơn 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại trong vòng 3 năm đầu tiên của chu kỳ kinh doanh do những khó khăn về vốn, thị trường, phát triển sản phẩm.

Cần có các chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nên là do Chính phủ phát động. Thị trường vốn cũng cần được mở rộng để các nhà đầu tư rót vốn, khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức quốc tế, kể cả các quỹ đầu tư mạo hiểm từ đó sẽ có đa dạng nguồn vốn với chi phí rẻ hơn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không thể trông chờ nhiều vào các ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp khởi nghiệp do hoạt động ngân hàng tiểm ẩn nhiều rủi ro, họ cũng phải đảm bảo trách nhiệm đối với đồng tiền của khách hàng và cổ đông.

Ở chiều ngược lại, cần sự thay đổi trong chuẩn mực tài chính, các doanh nghiệp phải có hệ thống báo cáo tài chính chuẩn mực, tổ chức dựa trên quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Cần thiết xây dựng những chương trình hỗ trợ, cung cấp các thông tin về thông lệ quốc tế, cách thức xây dựng hệ thống quản trị minh bạch cho các doanh nghiệp, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút nguồn vốn.

Theo Thu Hương

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên