MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao làm sếp không nên quá hòa nhã, có lúc cần biết cách khích tướng nhân viên?

19-09-2020 - 09:30 AM | Sống

Trong một số điều kiện, hoàn cảnh nhất định, có một số người khi lòng tự trọng bị xúc phạm sẽ trở nên thiếu tự tin. Trong những trường hợp này, người lãnh đạo có thể khéo léo sử dụng thuật khích tướng để tác động tới lòng tự trọng của anh ta.

Người xưa thường nói: "Mời tướng không bằng khích tướng". Trong sử dụng nhân tài, nếu khéo léo sử dụng phương pháp khích tướng thì sẽ nhận được những hiệu quả bất ngờ.

Khi sử dụng ngôn từ, cần chú ý đến sự khác biệt giữa các đối tượng, dựa theo đặc điểm tính cách ở mỗi người để sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp. Khi vận dụng phương pháp khích tướng, ngôn ngữ mà hời hợt thì chỉ như gãi ngứa; nhưng ngôn ngữ mà quá gay gắt, cũng rất dễ làm cho người khác thấy phản cảm. Vì vậy, ngôn ngữ cần được vận dụng một cách linh hoạt. Xin giới thiệu một số cách sử dụng dưới đây.

Cách kích động trực tiếp

Đó là cách trực tiếp nói khích đối phương, để làm dấy lên lòng tự tôn của anh ta.

Lúc nhà máy thực hiện cải tổ bộ máy nhân sự, đối với cán bộ tầm trung thì thực hiện   chế độ tự đề cử. Tuy nhiên, không hiểu vì sao Tiểu Trương lại do dự, quyết định khá khó khăn. Theo gợi ý của lãnh đạo nhà máy, một công nhân có tuổi đã đến tìm anh ta với lời   nói khẳng khái: "Cậu Trương, cậu không phải đã từng là một sinh viên tài năng ở trường  đại học sao? Mọi người đều đặt rất nhiều hi vọng ở cậu, không ngờ cậu lại không có chí tiến thủ, thậm chí đến vị trí giám đốc phân xưởng cậu cũng không dám nhận Cậu thực sự là một kẻ yếu đuối."

"Tôi là một kẻ yếu đuối?" Tiểu Trương đứng phắt dậy và nói: "Việc học đại học của tôi trở nên vô ích rồi, thậm chí chỉ là chức giám đốc phân xưởng cũng không đảm đương nổi sao?" Nói xong, Tiểu Trương đi thẳng đến phòng lãnh đạo xin nhậm chức.

Cách kích động gián tiếp

Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng phải sang Đông Ngô bàn cách chống quân Tào. Ông biết rằng Tôn Quyền không chịu dưới người khác, tính cách không dễ bị khuất phục. Gia Cát Lượng biết quân của Tào có 150 vạn, nhưng khi nói với Tôn Quyền chỉ nói rằng Tào có 100 vạn binh, còn nói thêm quân của Tào binh nhiều thế lớn, đánh đâu thắng đó. Tôn Quyền cảm thấy số lượng quân của Tào có vẻ đáng nghi. Gia Cát Lượng nói: "Ta chỉ nói có 100 vạn, mà e rằng ngài đã khiếp sợ rồi." Tôn Quyền nghĩ một lúc rồi vội vàng hỏi: "Thế tôi nên  đánh hay không đánh?" Gia Cát Lượng nắm lấy cơ hội và nói: "Nếu như Đông Ngô có sức người, sức của có thể đối đầu với Tào Tháo thì hãy đánh; nếu cảm thấy không địch được thì nên đầu hàng!"

Tôn Quyền không phục, hỏi lại: "Theo ý kiến của ông, cớ sao Lưu Dự Châu lại không hàng?"

Gia Cát Lượng đã dự tính được trước lời nói của Tôn Quyền, vì vậy tiếp tục nói kích: "Điền Hoành là một tráng sĩ nước Tề vẫn có thể giữ vững khí tiết, huống hồ Lưu Dự Châu là tôn thân nhà Hán, tài đức hơn người, là chỗ quy tụ lòng người như trăm sông đổ về biển lớn, làm sao có thể quỳ gối đầu hàng, khuất phục dưới lá cờ của nước khác?"

Tôn Quyền nghe vậy hầm hầm tức giận, tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng với quân Tào.

Cách dẫn dắt kích động

Trong một số trường hợp, cần phải sử dụng phương pháp "kích động có sự dẫn dắt", lời nói rõ ràng để dạy dỗ, hướng dẫn, làm kích động lòng nhiệt tình từ phía đối phương.

Ví dụ: Ở một trường học có một học sinh đánh bạn học rồi tự xưng là anh hùng. Giáo viên biết chuyện liền phê bình: "Đánh nhau có gì mà anh hùng, học giỏi hơn họ đó mới là anh hùng chân chính". Cậu học sinh từ đó bắt đầu chăm chỉ học tập, về sau đã đạt được những thành tích đáng khen ngợi trong bài thi cuối khóa.

Làm lãnh đạo của một công ty, trong các cuộc trò chuyện, phải làm cho cấp dưới cảm thấy tâm phục khẩu phục, phải có khả năng đạt tới sự hài hòa trong công việc hàng ngày, mới tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Lời nói cần dựa vào sự thông minh tài trí và kinh nghiệm sống hàng ngày tích lũy được.

Phương pháp dẫn dắt sự kích động có hai dạng chủ yếu:

Dạng thứ nhất, nhấn mạnh tới trách nhiệm: Nếu nhấn mạnh tới năng lực, cần làm họ cảm thấy thỏa mãn với sự tôn trọng của người khác, thì mới có khả năng dễ dàng "bắt thóp" anh ta, bởi vì bất cứ ai cũng đều hi vọng nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của người khác.

Một vị lãnh đạo muốn gửi một trong những cấp dưới của mình đến vùng sâu vùng xa để làm việc. Ông đã nói như thế này: "Công việc ở đó rối như một mớ bòng bong, làm cho toàn xí nghiệp bị ảnh hưởng, nếu chúng ta không kịp thời chỉnh đốn, chắc chắn cuối cùng sẽ thất bại. Vì vậy, tôi xem xét tới cậu trước, tin tưởng rằng chỉ có cậu mới có thể đảo ngược tình thế, khiến công việc ở đó sẽ ngày một đi lên."

Người nhân viên nọ bị đẩy tới vùng sâu vùng xa, ban đầu không hài lòng, nhưng nghe nói lãnh đạo tin tưởng mình, giao phó cho mình trọng trách như vậy, đột nhiên trong lòng dâng trào nhiệt huyết, không có lý do gì không dốc hết sức ra làm việc.

Dạng thứ hai, nhấn mạnh đến việc lấy được cảm tình: Khi đề cập đến một vài vấn đề  hoặc điều kiện không có lợi cho đối phương, nếu đã đoán được đối phương sẽ cảm thấy khó chịu khi nghe, thì chúng ta phải lấy lòng họ. Khi bắt đầu nói chuyện, hãy cố gắng nắm bắt được không gian cảm xúc của đối phương trước. Ví dụ bạn có thể nói "Đương nhiên, tôi hiểu bạn sẽ hài lòng", hoặc "Có thể bạn sẽ nghe thấy những điều không vui"...

Chỉ cần những lời nói như trên, đối phương sẽ xóa bỏ được hầu hết những điều không vừa ý , còn đối với bạn, những lời oán thán cũng tan theo mây khói.


Theo TN

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên