MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao loạt thương hiệu đình đám đóng cửa ở vị trí đắc địa TPHCM?

19-09-2024 - 11:50 AM | Doanh nghiệp

McDonald’s đóng cửa chi nhánh Bến Thành, Starbucks thông báo ngừng hoạt động cửa hàng Starbuck Reserve nằm trên đường Hàn Thuyên, nhiều mặt bằng ở vị trí đắc địa liên tục đổi khách thuê… do không kham nổi giá thuê mặt bằng tại khu trung tâm TPHCM.

Liên tục trả mặt bằng

McDonald’s vừa thông tin về việc đóng cửa chi nhánh Bến Thành tại địa chỉ số 2-2A Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM. Đây là một trong những cửa hàng đầu tiên của chuỗi thức ăn nhanh này tại Việt Nam.

“Dù không muốn nói lời chia tay nhưng vào 2 giờ ngày 19/9, McDonald’s Bến Thành sẽ khép lại hành trình 10 năm đồng hành đầy cảm xúc”, McDonald’s thông tin.

Vì sao loạt thương hiệu đình đám đóng cửa ở vị trí đắc địa TPHCM?- Ảnh 1.

McDonald’s đóng cửa chi nhánh Bến Thành.

McDonald's xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014 với cửa hàng đầu tiên tại số 2-6 Bis Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM. Thời điểm đó, thương hiệu thức ăn nhanh đến từ Mỹ cho biết sẽ mở 100 cửa hàng trong 10 năm.

Tuy nhiên, 10 năm trôi qua, đến nay, McDonald’s mới chỉ có 36 cửa hàng tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM. Với việc McDonald’s Bến Thành đóng cửa, chuỗi thức ăn nhanh này chỉ còn 35 cửa hàng trên toàn quốc và 17 cửa hàng tại TPHCM.

McDonald’s không tiết lộ nguyên nhân đóng cửa chi nhánh này nhưng nhiều người đồn đoán rằng, thương hiệu thức ăn nhanh đến từ Mỹ không kham nổi giá thuê mặt bằng tại khu trung tâm TPHCM.

Tương tự như McDonald’s, Starbucks cũng thông báo ngừng hoạt động cửa hàng Starbuck Reserve nằm ở vị trí đắc địa trên đường Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM từ ngày 26/8. Tiền thuê mặt bằng cao ngất ngưởng được cho là nguyên nhân chính.

Như vậy, cửa hàng Starbucks Reserve đóng cửa sau 7 năm hoạt động. Starbucks Reserve được định vị là điểm bán cà phê cao cấp của Starbucks tại Việt Nam. Ngoài khách gọi món được phục vụ tại bàn, ở cửa hàng Reserve Hàn Thuyên, nhân viên đa số mang tạp dề màu đen được gọi là “Coffee Master" - chuyên gia cà phê theo chương trình đào tạo nội bộ. Tại các cửa hàng khác, đa số nhân viên đeo tạp dề màu xanh lá - những Barista tiêu chuẩn.

Hồi năm 2021, Starbucks Việt Nam cũng từng đóng cửa hàng có góc đắc địa nhất nhì TPHCM tại khách sạn REX. Đây là cửa hàng thứ 3 mà Starbucks mở khi đặt chân vào Việt Nam.

Trước đó, cửa hàng Starbucks tại tòa nhà President Place (góc Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1) cũng dừng hoạt động. Đây là cửa hàng thứ 2 Starbucks mở sau cửa hàng đầu tiên tại New World, quận 1.

Tháng 11/2023 là Starbucks tại số 38 Đông Du, quận 1 cũng đóng cửa. Cửa hàng này khai trương tháng 3/2014 và là cơ sở thứ 4 của Starbucks được mở sau khoảng 1 năm thương hiệu đặt chân vào TPHCM. Trước đó, Starbucks Đề Thám, quận 1 cũng đóng cửa khiến nhiều người bất ngờ.

Vì sao loạt thương hiệu đình đám đóng cửa ở vị trí đắc địa TPHCM?- Ảnh 2.

Starbucks liên tiếp đóng nhiều cửa hàng.

Gần đây, nhiều mặt bằng đắt đỏ ở khu trung tâm TPHCM liên tục đổi khách thuê. Chẳng hạn, ngã 6 Phù Đổng (quận 1, TPHCM) là nút giao của 6 con đường gồm Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng 8, Lê Thị Riêng, Nguyễn Trãi và đây được xem là vị trí đắc địa nhất nhì TPHCM.

Trong đó, nhà đất số 325 Lý Tự Trọng liên tục được các thương hiệu trả giá cao để thuê mặt bằng 3 mặt tiền rộng 126 m2. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu nhanh đến thì cũng nhanh đi. Trong vài năm qua, từ PhinDeli, chuỗi đậu nành Soya Garden đến Phúc Long… lần lượt dọn khỏi mặt bằng này.

Tương tự, làn sóng trả mặt bằng đang tiếp tục lan ra khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TPHCM, hồ Con Rùa, đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), đường Nguyễn Trãi (quận 5), đường Lê Văn Sỹ (kéo dài từ quận 3 đến quận Tân Bình)…

Vì sao?

Theo dữ liệu được công bố trong báo cáo Prime Benchmark của Savills châu Á - Thái Bình Dương, Hà Nội và TPHCM thuộc nhóm các thị trường có ngành bất động sản bán lẻ hoạt động tích cực trong 7 tháng đầu năm.

Báo cáo này dẫn chứng, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ cao cấp tại Osaka (Nhật Bản) nửa đầu năm tăng 24% so với cùng kỳ. Giá thuê tại Nhật Bản được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng nhờ đồng Yên yếu và sự kết hợp hấp dẫn của trải nghiệm du lịch.

Theo sát Nhật Bản, ba thị trường mới nổi ở Đông Nam Á là TPHCM, Hà Nội và Jakarta (Indonesia) cũng chứng kiến sự cải thiện đáng kể về giá thuê với mức tăng lần lượt là 4,7%, 4,6% và 3,8%. Các chuyên gia lý giải kết quả này đến từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự phục hồi của ngành du lịch.

Cụ thể, giá thuê của các mặt bằng cao cấp khu trung tâm của Hà Nội là 96,4 USD/m2 và tại TPHCM là 151 USD/m2. Mức giá này tại Kuala Lumpur là 158.6 USD/m2/, Singapore là 399.7 USD/m2 và 289.5 USD/m2 tại Bắc Kinh.

Vì sao loạt thương hiệu đình đám đóng cửa ở vị trí đắc địa TPHCM?- Ảnh 3.

Biến động giá thuê mặt bằng bán lẻ cao cấp tại các thành phố lớn.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội - đánh giá, chi phí thuê mặt bằng cao cấp tại Hà Nội và TPHCM vẫn đang ở mức cạnh tranh so với nhiều thị trường trong khu vực.

“Giá thuê của phân khúc này tại Hà Nội trong thời gian tới khá tích cực, có xu hướng ổn định hoặc tăng do nguồn cung mới hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án hiện hữu tại các vị trí đắc địa sẽ tiếp tục duy trì công suất cho thuê cao và có thể tăng giá thuê”, bà Hằng nói.

Ngược lại, ở các thành phố khác trong khu vực, nguồn cung mặt bằng bán lẻ dồi dào đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, buộc các chủ sở hữu phải điều chỉnh giá thuê để thu hút khách hàng.

Số liệu của bộ phận nghiên cứu Savills cho thấy, tổng diện tích mặt bằng bán lẻ cho thuê hiện nay tại TPHCM là khoảng 1,52 triệu m2 với tỷ lệ lấp đầy đạt mức 94%.

Bà Trần Phạm Phương Quyên - Quản lý cao Cho thuê bán lẻ Savills TPHCM - cho biết nguồn cung bán lẻ cao cấp hạn chế dẫn đến bối cảnh cạnh tranh khốc liệt cho các dự án trung tâm thương mại có vị trí đắc địa.

“Tuy nhiên, các mặt bằng cao cấp tại TPHCM vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm hoặc các quận đã phát triển, ví dụ như quận 7. Trong thời gian tới, thị trường sẽ có xu hướng mở rộng ra các khu vực phụ cận. Ngoài ra, trong năm 2024, tỷ giá đồng USD tăng đã góp phần làm tăng đáng kể giá thuê mặt bằng bằng đồng nội địa”, bà Quyên nói.

Bà Trần Phạm Phương Quyên cũng khẳng định, ngành bán lẻ đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ các chỉ số nhân khẩu học và quá trình đô thị hóa lan rộng ở các tỉnh thành, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Bà Quyên dẫn nghiên cứu của KPMG Việt Nam dự báo từ 2020 - 2030, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 5,5%, thuộc top quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.


Theo Duy Quang

Tiền phong

Trở lên trên