MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao lực mua khối ngoại yếu dần?

Khối ngoại ghi nhận nhiều phiên bán ròng gần đây. Ảnh shutterstock

Khối ngoại ghi nhận nhiều phiên bán ròng gần đây. Ảnh shutterstock

Dòng tiền của khối ngoại bất ngờ sụt giảm, thậm chí có dấu hiệu quay đầu bán thay vì mua ròng mạnh nhiều tháng trước đó.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi qua năm 2022 với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen. Trong đó, khối ngoại với dòng vốn cuộn trào trên sàn chứng khoán Việt đã trở thành điểm sáng trong những phiên giao dịch lao dốc. Cụ thể, khối ngoại bán ròng trong 6 tháng: 1,2, 3, 7, 9 và 10 với tổng cộng hơn 11.700 tỷ đồng, nhưng mua ròng hơn 40.350 tỷ đồng trong các tháng còn lại. Tính chung cả năm vừa qua, khối ngoại mua ròng gần 28.650 tỷ đồng, đảo chiều mạnh mẽ so với mức bán ròng 58.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục giải ngân xuất phát từ việc hầu hết các quỹ ngoại đều đánh giá triển vọng chứng khoán Việt Nam hấp dẫn trong trung và dài hạn nhờ tăng trưởng kinh tế được duy trì, lạm phát trong tầm kiểm soát. Thêm vào đó, với mức sụt giảm mạnh năm 2022, chứng khoán Việt được đánh giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thế giới.

Giá trị mua ròng của khối ngoại được nới rộng sang tháng 1/2023. Trong tháng 1/2023, khối ngoại mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng, và nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biệt của EIB thì con số này là hơn 7.600 tỷ đồng. Cả hai nhóm quỹ nội và ngoại đều ghi nhận dòng tiền dương đáng kể, đáng chú ý như quỹ VanEck (+2.005 tỷ đồng), VNDiamond (+680 tỷ đồng), VFM VN30 (+636 tỷ đồng), FTSE Vietnam (+594 tỷ đồng), VNFIN Lead (+314 tỷ đồng). Ngược lại, chỉ có SSIAM VNX50 là quỹ duy nhất bị rút ròng với giá trị không đáng kể (-10 tỷ đồng).

Theo SSI Research, bên cạnh dòng tiền vẫn tích cực từ các quỹ ETF, việc giải ngân dòng tiền từ các quỹ chủ động vào thị trường chứng khoán thường có độ trễ, và do vậy việc khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trong tháng 1 là yếu tố không có quá nhiều bất ngờ.

Dù vậy sang đến tháng 2, khi chỉ số VN-Index lình xình với thanh khoản co hẹp, lực mua của khối ngoại lại có dấu hiệu yếu đi, thậm chí ghi nhận nhiều phiên xả hàng mạnh, điển hình như phiên 15/2 nhóm này bán ròng hơn 300 tỷ đồng, sang phiên 16/2, tiếp tục bán ròng 112,17 tỷ đồng, qua đó ghi nhận 4 phiên bán ròng trong nửa đầu tháng.

Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định có 4 lý do khiến lực mua khối ngoại yếu dần trong những phiên gần đây. Một là, các quỹ ETF tiếp tục duy trì dòng tiền tích cực trong tháng đầu năm 2023, song hoạt động đầu tư của nhóm này lại thường tracking theo chỉ số, tức là khi thị trường tăng lên thì nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào còn khi chỉ số điều chỉnh giảm họ sẽ dừng mua hoặc có thời điểm bán ròng.

Hai là trong năm 2022, nhiều quỹ ETF nâng quy mô huy động vốn lên, điển hình như Fubon. Sau thời gian mạnh tay mua ròng thì dư địa để giải ngân không còn nhiều dẫn đến tình trạng giảm mua.

Ba là, đối với khối ngoại, hoạt động mua ròng của họ phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố: Vĩ mô và định giá. Trong đó, năm nay vĩ mô có khả năng sẽ giảm tốc, không còn tăng trưởng mạnh, còn PE thị trường đã tăng mạnh trong quý 4/2022, dẫn đến định giá không còn rẻ như giai đoạn tháng 10, 11/2022. Hiện VN-Index đang giao dịch PE ở mức 14x do đó thị trường cần về mức hợp lý hơn khoảng 11x-12x sẽ kích hoạt được dòng tiền khối ngoại quay trở lại giải ngân.

"Ngoài ra theo thống kê của tôi, giữa quý 2 và đầu quý 3 nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn lượng lớn trái phiếu. Song với tình trạng tắc thanh khoản, nhiều nhà đầu tư cũng đang lo ngại tình trạng vỡ nợ nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán", ông Minh nói.

Song vị chuyên gia này cũng lưu ý, nhà đầu tư trên thị trường đang chờ đợi những thông tin xung quanh Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi Bộ Tài chính trình Chính phủ mới đây. Nếu Nghị định này được thông qua sẽ gỡ nút thắt về thanh khoản cho doanh nghiệp, áp lực vỡ nợ trái phiếu giải tỏa, rủi ro dài hạn giảm cũng là yếu tố kích thích dòng vốn ngoại quay lại với chứng khoán Việt Nam.

Trong báo cáo phân tích mới đây về dòng vốn ngoại, SSI Research đã duy trì quan điểm trung lập đối với dòng vốn này sau một thời gian giải ngân liên tục. SSI cho rằng vẫn còn những thách thức từ tình hình vĩ mô trong nước và cũng không thể loại trừ việc dòng tiền chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc khiến cho dòng vốn vào các nước lân cận yếu dần.

Cùng chung quan điểm, VDSC cũng đánh giá trong phần lớn thời gian từ đầu năm tới nay, chuỗi mua ròng của tổ chức nước ngoài vẫn chưa chấm dứt. Có thể dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục nâng đỡ nhóm vốn hóa lớn và chỉ số, như đã làm trong nhịp tăng trước Tết, nhưng sẽ khó hình thành một đợt tăng mới bền vững khi dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân đã liên tục rút ròng sau các đợt hiện thực hóa lợi nhuận trong thời gian gần đây.

Theo nhóm phân tích này, thị trường cần một nhịp điều chỉnh lành mạnh để thu hút dòng tiền ngoại quay trở lại và tạo động lực cho một đợt tăng mới bền vững hơn khi các sự thay đổi trong nền tảng vĩ mô được kỳ vọng sẽ diễn ra tích cực hơn trong nửa cuối năm.


Theo Khánh An

Nhà đầu tư

Trở lên trên