Vì sao máy nghe lén và tin tặc không xâm nhập nổi hệ thống của Putin?
Tổng thống Putin và chính quyền Nga có quy trình bảo mật cực kỳ nghiêm ngặt khiến tình báo nước ngoài bó tay trong việc nghe lén và xâm nhập mạng.
- 11-10-2018Câu nói đầy bất ngờ và ấn tượng của Tổng thống Vladimir Putin khi gặp "độc cô cầu bại" Khabib
- 25-08-2018Hãng sản xuất ô tô cho Putin tung xe mới siêu sang như Rolls-Royce
- 08-07-2018Tổng thống Nga Putin "tự hào" về đội nhà, gọi các cầu thủ là anh hùng
Trong suốt 19 năm cầm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vô hiệu hóa hàng loạt kẻ nghe lén, tin tặc cũng như những người chơi khăm bằng cách gọi điện cho ông và giả vờ là nhân vật nổi tiếng nào đó. Vị cựu sĩ quan tình báo KGB này vẫn là một khối bí mật được bảo vệ chặt chẽ khó phá vỡ.
Tổng thống Nga Putin sử dụng điện thoại cố định tại bàn làm việc của mình. Ảnh: Sputnik.
Tổng thống Putin không sử dụng bất cứ điện thoại thông minh (smartphone) hay thiết bị nhắn tin nào, và hiếm khi lên mạng internet. Cho tới gần đây, người dân Nga vẫn không rõ liệu ông Putin có biết gì về trang YouTube (chuyên về lưu trữ và chia sẻ video) hay không. Bởi lẽ chỉ có một dịp là vào năm 2015, vị tổng thống Nga này lần đầu tiên công khai tuyên bố rằng ông có sử dụng internet.
Năm 2017, tổ chức WikiLeaks công bố vụ rò rỉ lớn nhất các tài liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về các công cụ theo dõi và “hack” (tấn công mạng để đánh cắp thông tin), trong đó có 5 máy chủ dành cho thiết bị nghe lén mang mật danh PocketPutin. Ít nhất về mặt giả thuyết mà nói, các máy chủ này có thể theo dõi các thiết bị do Tổng thống Nga sử dụng, như máy tính và điện thoại (nếu có).
Phản ứng của điện Kremlin trước thông tin trên đơn giản như sau: “Chúng tôi sẽ kiểm tra điều này”. Kremlin cũng cho biết thêm, Washington không che giấu việc nghe lén các quan chức Nga nên WikiLeaks đã không theo kịp thực tế.
Tuy nhiên, các quan chức Nga nói chung và Tổng thống Putin nói riêng là trường hợp đặc biệt. Nếu các gián điệp nước ngoài muốn nghe lén Putin thì họ phải đến rất rất gần.
“Smartphone chỉ dành cho người thích phô diễn”
Cách đây không lâu, thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, đã nói như thế này: “Sở hữu một chiếc smartphone là tình nguyện phô bày bản thân, phô bày một cách trong suốt hoàn toàn. Khi bạn chọn một chiếc điện thoại thông minh, bạn ý thức rằng mình đã đánh dấu tick vào ô chọn khẳng định cho phép công khai mọi thứ”.
Dường như theo quan điểm của ông Peskov, đã là tổng thống thì không nên sở hữu điện thoại thông minh , đặc biệt là ở một quốc gia như Nga.
Hầu như năm nào cánh nhà báo cũng lại làm phiền ông Peskov bằng câu hỏi thường trực về smartphone dành cho tổng thống. Và câu trả lời luôn giống nhau.
Về phần mình, Tổng thống Putin ít vòng vo Tam quốc hơn khi nhắc tới chủ đề này. Hồi năm 2005, vào đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình, ông Putin phát biểu như sau: “Nếu tôi có một chiếc điện thoại di động, nó sẽ không ngừng rung chuông. Thậm chí ở nhà, tôi cũng chẳng bao giờ nhấc điện thoại lên”.
Vòng bảo mật kỹ thuật quanh Putin
Một quy tắc không có ngoại lệ: Đối với các chủ đề có tầm quan trọng cấp quốc gia, nguyên thủ thì Tổng thống Putin sẽ chỉ nói chuyện thông qua một đường dây điện thoại bảo mật của chính phủ (với đầu dây là chiếc điện thoại màu vàng kiểu cổ thường thấy trên bàn làm việc của Putin).
Quyền lực rộng lớn của cơ quan mật vụ bảo vệ Tổng thống Nga Putin VOV.VN - FSO là cơ quan mật vụ/cảnh vệ đặc biệt tại Nga. Quyền lực của nó không giới hạn vào nhiệm vụ bảo vệ an toàn Tổng thống Putin.
Không thể nghe lén đường dây điện thoại nói trên vì tín hiệu giọng nói trong đường dây này đã được số hóa và mã hóa bằng một khóa mật mã phức tạp. Để giải mã được tín hiệu đó sẽ phải mất khoảng 18 tháng. Thậm chí có “bẻ được khóa mật mã” thì điều này vẫn không có tác dụng mấy vì trong cuộc điện đàm, khóa mật mã sẽ được thay đổi nhiều lần một cách ngẫu nhiên. Tất cả việc bảo mật này là do các chuyên gia an ninh Nga đảm nhiệm. Đây có lẽ là nguyên nhân cơ bản vì sao Thủ tướng Đức Angela Merkel (người sử dụng các phần mềm và thiết bị Mỹ) đã bị nghe lén trong khi với Putin, người ta chỉ nhìn thấy ông chứ không nghe trộm nổi ông.
Nhưng đối với các chuyên gia liên lạc của Kremlin, các từ “không thể” hay “vô tác dụng” có lẽ chưa đủ. Họ còn tìm kiếm các giải pháp an ninh mà kẻ khác chỉ có thể vô hiệu hóa bằng cách can thiệp vào các quy luật vật lý (làm biến dạng vật lý). Vào năm 2015, Nga đã phân bổ 230 triệu ruble (tương đương khoảng 3,5 triệu USD) tiền công quỹ cho việc phát triển một đường dây liên lạc lượng tử bảo mật cao và các dự án lượng tử khác. Thông tin trong một hệ thống như vậy được truyền dẫn qua các photon và để bắt lén được các photon này thì phải thay đổi trạng thái của chúng. Mà theo quy luật vật lý, kẻ nào mà tác động như vậy thì kiểu gì cũng để lại dấu hiệu dễ bị nhận biết.
Quy trình kín kẽ
Chúng ta từng thấy bức ảnh về Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng điện đàm với Tổng thống Putin, trong đó vây quanh ông Trump là một nhóm trợ lý và cố vấn. Điều này không xảy ra trong điện Kremlin. Trong những tình huống đó, thi thoảng bên cạnh Putin mới có một trợ lý về các vấn đề quốc tế hoặc (rất hiếm) một vị bộ trưởng (chẳng hạn, khi đang thảo luận về vấn đề dầu khí). Và đâu đó trong căn phòng bên trong Bộ Ngoại giao Nga có một phiên dịch viên chuyên nghiệp được kết nối cùng đường dây. Tất cả chỉ có vậy.
Các yêu cầu gọi điện thoại đi trước tiên phải thông qua các kênh ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga hoặc Phủ Tổng thống Nga. Chỉ một số ít yếu nhân (những người có điện thoại đặc biệt màu vàng trên bàn, như là bộ trưởng quốc phòng Nga) mới được quyền thực hiện cuộc gọi trực tiếp). Nhưng khi có cuộc gọi đến, bao giờ người nhấc máy cũng là một viên thư ký hoặc trợ lý.
Nhưng Tổng thống Nga Putin có thể thực hiện cuộc gọi (tất nhiên thông qua một liên kết an toàn) từ bất cứ nơi đâu ông mong muốn: máy bay, ô tô con, tàu ngầm, hay khu rừng Tuvan mà ông yêu quý. Trong các chuyến đi nước ngoài, ông thường được hộ tống bởi một máy bay đầy các thiết bị viễn thông liên lạc. Ngay cả khi nói chuyện (qua điện thoại) với một cậu bé ốm nặng ước ao được quan sát bên trong chuyên cơ của ông Putin, vị tổng thống này vẫn sử dụng một đường dây được mã hóa.
Trên bàn làm việc của Putin là một bảng tổng đài với các nút mang tên của cấp dưới, chủ yếu là các bộ trưởng và các thống đốc.
Ở Nga có hai nhân vật nổi tiếng là Vovan và Lexus chuyên chơi khăm các người nổi tiếng trên thế giới bằng cách gọi điện đến những người này và giả vờ là một chính trị gia tầm cỡ nào đó. Vovan và Lexus đã gọi và nói chuyện thành công với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, và cả ca sĩ Elton John. Tuy nhiên, hai người này nói rằng hiện nay họ chưa thấy lý do để làm điều tương tự với ông Putin. Chính quyền của Tổng thống Putin được cho là biết rõ về những người trêu đùa qua điện thoại này.
Trí thức trẻ