Vì sao metro hút các doanh nghiệp lớn?
Thực tế cho thấy quỹ đất phát triển bất động sản tại các quận nội thành hiện nay đang dần cạn kiệt chính vì vậy các doanh nghiệp đang tăng tốc tìm kiếm quỹ đấy ở các quận vùng ven, đặc biệt những khu vực có hạ tầng quy hoạch đồng bộ.
- 11-07-2017Mỗi km đường sắt đô thị Hà Nội tốn gần 2.200 tỷ đồng
- 10-07-2017Đổi 6.000 ha đất để làm 10 dự án đường sắt đô thị, Hà Nội tiết lộ thêm 7 ông lớn đăng ký đầu tư
- 10-07-2017Doanh nghiệp Quốc phòng "tiết lộ" việc xin đầu tư 4 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM
UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình Thủ tướng về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Theo đó, Hà Nội kiến nghị bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 6.000 ha đất, với tổng giá trị sử dụng đất khoảng 300.000 tỷ đồng, để làm quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư.
UBND Hà Nội cũng tiết lộ 7 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị gồm Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty cổ phần Lũng Lô 5, Công ty Mosmetrotroy (Liên Bang Nga), Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng công ty Licogi và Công ty TNHHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam và Tập đoàn Lotte Hàn Quốc.
Nhìn qua danh sách các nhà đầu tư đăng ký thực hiện 10 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản. Vậy đâu là lý do đầu tư đường sắt đô thị Hà Nội lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các doanh nghiệp BĐS Việt Nam?
Theo thông tin từ tờ Thanh Niên, một nguồn tin cho biết, để hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, Hà Nội dự định ưu tiên quỹ đất dọc tuyến metro theo quy hoạch cho nhà đầu tư, đổi lại nhà đầu tư bỏ vốn xây metro. “Chủ trương của Hà Nội là xây dựng đồng bộ, nói cách khác khi có đường sắt đô thị thì đã có sẵn khu dân cư hai bên tuyến để sử dụng dự án, kèm theo đó bán kính xung quanh các nhà ga khoảng 500 m là các khu đô thị, trung tâm mua sắm... để thu hút người dân".
"Việc thực hiện theo hình thức PPP, trong đó nhà đầu tư được sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng đô thị, trung tâm thương mại là phương pháp để thực hiện song song giữa việc xây dựng đường sắt và phát triển hạ tầng đô thị dọc tuyến”, nguồn tin này cho biết.
Mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội.
Thực tế cho thấy quỹ đất dành cho phát triển dự án tại các quận nội thành đang dần cạn kiệt vì vậy hiện nay các doanh nghiệp đang tăng tốc tìm quỹ đấy ở các quận vùng ven và những khu vực có quy hoạch hạ tầng phát triển. Đặc biệt những khu vực có quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị đang được các chủ đầu tư nhắm đến.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Savills cho biết: "Quỹ đất các quận nội thành Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Đống Đa... hầu như không còn, đặc biệt là đối với mảng biệt thự nhà liền kề và những dự án có quy mô lớn. Trong khi đó quỹ đất đang rất nhiều tại các quận vùng ven như Hoài Đức, Quốc Oai, Đông Anh, Thạch Thất, Hà Đông, Long Biên....".
"Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các dự án hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị đang hướng về khu vực này. Ví dụ tuyến đường Metro 2A từ Hà Đông đi vào trung tâm cũng như tuyến đường Metro 3 chạy dọc quốc lộ 32 nối quận Hoài Đức với khu trung tâm. Tuyến Metro Đại lộ thăng long nối các huyện Thạch Thất, Quốc Oai với khu vực Mỹ Đình. Hay như tuyến đường 18 nối quốc lộ 5 kéo dài qua cầu Đông Trù sang khu vực Đông Anh mở ra rất nhiều quỹ đất rộng lớn để phát triển các tổ hợp dự án nhà ở", bà Hằng cho biết.
Cũng theo đại diện Savills: "Nếu các chủ đầu tư làm tốt rất có thể sẽ tạo thành những khu đô thị thành công như Ecopark dọc các tuyến đường sắt đô thị mới".
Các quỹ đất dọc trục đường sắt đô thị không chỉ dồi dào mà còn có tiềm năng tăng giá rất lớn. Trong một báo cáo về đường sắt đô thị ảnh hưởng như thế nào đến thị trường BĐS, công ty tư vấn CBRE từng cho biết, kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy dự án đường sắt đô thị sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất lên giá trị bất động sản. Việc phát triển các trạm tàu điện giúp mang lại diện mạo mới cho khu vực quanh đó: giá đất tăng, các dự án bất động sản bùng nổ, các đơn vị bán lẻ và dự án văn phòng được dịch chuyển ra xa trung tâm hơn.
"Tàu điện sẽ làm thay đổi thói quen di chuyển của người dân theo thời gian, từ đó tác động đến giá trị của bất động sản. Metro, đường sắt đô thị sẽ định nghĩa lại khái niệm cự ly gần xa hoặc người dân mong muốn sống ở đâu", báo cáo của CBRE cho hay.
"Tôi đánh giá cao các doanh nghiệp đã đầu tư dự án có vị trí gần các trạm trung chuyển. Đó là cách đầu tư nhìn vào một tương lai rất xa, tầm nhìn dài hạn, bền vững tính bằng đơn vị chục năm trở lên", ông Marc Townsend - Nguyên tổng giám đốc CBRE cho biết.