MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao mốc 1.200 điểm như “thành trì”, cố xô nhưng chưa thể đổ?

Vì sao mốc 1.200 điểm như “thành trì”, cố xô nhưng chưa thể đổ?

Nhiều nhà đầu tư cảm thấy “sốt ruột” và không thể chờ đợi đến thời điểm những tín hiệu lạc quan xuất hiện trở lại như khối ngoại ngừng bán ròng, thông tin tích cực từ mùa ĐHĐCĐ, nguồn margin trở nên dồi dào hơn, tình trạng nghẽn lệnh có thể được giải quyết trong thời gian tới...

Thị trường chứng khoán Việt Nam lại ghi nhận thêm dấu mốc quan trọng khi VN-Index lần đầu đóng cửa trên 1.200 điểm (phiên 18/3/2021) sau gần 3 năm rời đỉnh lịch sử cuối tháng 3/2018. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2021, VN-Index đã có tới 4 lần công phá mốc 1.200 điểm nhưng đều không giữ được thành quả sau đó.

Khác với những lần lên đỉnh trước, VN-Index chạm ngưỡng lịch sử trong bối cảnh định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang rẻ nhất khu vực. Vậy điều gì khiến 1.200 điểm trở thành "ải" quá khó để vượt qua đối với VN-Index?

Vì sao mốc 1.200 điểm như “thành trì”, cố xô nhưng chưa thể đổ? - Ảnh 1.

PE (2021F) của Việt Nam so với các thị trường khu vực (nguồn VinaCapital)

"COMBO" NGHẼN LỆNH VÀ KHỐI NGOẠI BÁN RÒNG

Có nhiều giả thuyết được giới đầu tư đưa ra trong đó tình trạng "tắc đường" trên HoSE được đánh giá là một trong số nguyên nhân dẫn đến sự hụt hơi của thị trường.

Nhìn lại "cơn sóng thần" bắt đầu từ đáy Covid hồi cuối tháng 3/2020 có thể thấy dấu ấn đậm nét của làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán. Số tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội liên tục thiết lập kỷ lục kéo theo thanh khoản bùng nổ trên thị trường. Giá trị giao dịch mỗi phiên thường xuyên duy trì trên dưới 15.000 tỷ đồng thậm chí có phiên vượt hơn 20.000 tỷ đồng.

Điều này đã tạo ra áp lực lớn lên hệ thống giao dịch của HoSE dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh ngày càng xảy ra thường xuyên. Nhà đầu tư thậm chí phải làm quen với việc "nghẽn lệnh" ngay trong phiên sáng, thậm chí lỗi ngay sau phiên ATO. Thanh khoản bị giới hạn, dòng tiền cũng khó nhập cuộc trong những thời điểm cần bứt phá khiến VN-Index liên tục thất bại trước ngưỡng kháng cự 1.200 điểm.

Vì sao mốc 1.200 điểm như “thành trì”, cố xô nhưng chưa thể đổ? - Ảnh 2.

Diễn biến VN-Index trong một năm trở lại đây

Tình trạng này kéo dài đã gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Bên cạnh đó, việc khối ngoại liên tục bán ròng quy mô lớn trên HoSE cũng là nguyên nhân khiến VN-Index khó tiến xa hơn. Thống kê từ đầu năm cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 18.600 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên HoSE, đặc biệt là chuỗi xả ròng kéo dài 24 phiên liên tiếp vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thật khó có thể tìm được lời giải đầy đủ và thỏa đáng nhất cho xu hướng bán ròng triền miên của khối ngoại thời gian qua. Theo quan điểm của Dragon Capital, một trong những quỹ ngoại có quy mô lớn nhất thị trường, hệ thống giao dịch tiếp tục tắc nghẽn là một trở ngại lớn của thị trường hiện tại.

DƯ ĐỊA MARGIN KHÔNG CÒN NHIỀU

Một yếu tố quan trọng cũng tác động lớn đến diễn biến thị trường thời gian qua là dấu hiệu "căng" margin tại một số công ty chứng khoán khiến nhà đầu tư có xu hướng chốt lời, hạ tỷ trọng để bảo vệ thành quả dẫn đến những phiên giảm mạnh của thị trường.

Xem xét về tình trạng "căng margin" tại các CTCK, tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu phản ánh điều đó và theo quy định tỷ lệ này không được vượt quá 2 lần.

Thống kê thời điểm cuối năm, giá trị cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của Chứng khoán HSC và MBS là cao nhất, lần lượt là 1,94 lần và 1,81 lần. Tại Mirae Asset (Việt Nam) và KIS Việt Nam, con số này lần lượt là 1,56 lần và 1,47 lần. Chứng khoán SSI đang có nhiều dư địa về cho vay margin nhất nhóm này với tỷ lệ dưới 1.

Vì sao mốc 1.200 điểm như “thành trì”, cố xô nhưng chưa thể đổ? - Ảnh 3.

Chưa có số liệu cụ thể đến thời điểm hiện tại, tuy nhiên theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư trong một vài phiên vừa qua, một số CTCK đã bắt đầu cạn room hay nói cách khác là các CTCK không còn đủ "xăng" cho chặng sau 1.200 điểm.

Tình trạng này được dự báo có thể khắc phục sau mùa Đại hội cổ đông thường niên tới đây khi nhiều CTCK thông qua phương án tăng vốn. Trong đó, VNDIRECT có kế hoạch chào bán 220,43 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn gấp đôi trong năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Chứng khoán HSC cũng đang xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ gấp 1,5 lần thông qua hình thức chào bán 152,5 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

ĐẤT "SỐT", LÃI SUẤT RỤC RỊCH TĂNG, NHÀ ĐẦU TƯ "SỐT RUỘT"

Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài nhiều tháng cũng gây ra trở ngại nhất định đối với nhà đầu tư có dự định tham gia vào thị trường chứng khoán. Không ít nhà đầu tư đã lựa chọn kênh khác như bất động sản thay vì giao dịch chứng khoán trong "tù mù". Dù không có thống kê cụ thể, tuy nhiên "cơn sốt" đất từ Nam ra Bắc thời gian gần đây không ngoại trừ khả năng kéo theo nhiều hơn dòng tiền rút ra khỏi thị trường chứng khoán.

Thêm vào đó, lãi suất đang "rục rịch" tăng trở lại cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản thị trường. Theo VinaCapital, mức lãi suất gửi tiết kiệm đã giảm khoảng 2% trong năm 2020 là một trong những yếu tố chính thu hút nhà đầu tư mới vào thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, sự thiếu hụt thông tin hỗ trợ cũng là một yếu tố khiến thị trường chưa thể bứt phá mạnh. Thực tế, các doanh nghiệp niêm yết đã bắt đầu bước vào mùa Đại hội cổ đông thường niên 2021 tuy nhiên phần lớn các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến VN-Index vẫn chưa hé lộ các kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tới.

Do đó, nhiều nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy "sốt ruột" và không thể chờ đợi đến thời điểm những tín hiệu lạc quan xuất hiện trở lại như khối ngoại ngừng bán ròng, thông tin tích cực từ mùa Đại hội cổ đông và đặc biệt là tình trạng nghẽn lệnh có thể được giải quyết trong thời gian tới...

Trên thực tế, VN-Index dù chưa thể bứt phá vượt đỉnh nhưng vẫn tương đối vững vàng tại ngưỡng hỗ trợ 1.150 điểm. Theo dự báo của Dragon Capital, VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang tích lũy tại vùng này và định giá thị trường vẫn duy trì ở mức hấp dẫn. Không loại trừ khả năng khi tín hiệu tích cực trở lại, nhà đầu tư có thể phải trả giá cao hơn để sở hữu những cổ phiếu chất lượng.

Theo Thanh Hà

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên