MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Vì sao New York bắt được nghi can đặt bom quá nhanh?

20-09-2016 - 10:25 AM | Tài chính quốc tế

Việc bắt giữ nhanh tên Ahmad Khan Rahami chưa đầy hai ngày sau khi xảy ra vụ nổ ở New Jersey và New York là một bài học về cách thức điều tra an ninh ở Mỹ.

Tính từ sau vụ nổ đầu tiên ở thùng rác Công viên Seaside, bang New Jersey sáng 17-9, cho đến lúc bắt giữ được nghi can Ahmad Khan Rahami, vào sáng 19-9, tính ra chưa đến 50 giờ đồng hồ.

Bộ máy điều tra đã được huy động tối đa với sự phối hợp ăn ý giữa các cơ quan chức năng, các biện pháp thu thập chứng cứ từ các đoạn ghi hình của camera an ninh, phân tích ADN, phát hình ảnh nghi can trên mạng, qua hệ thống truyền thông, qua tin nhắn trên điện thoại di động.

Tân cảnh sát trưởng New York, ông James O’Neill, người vừa nhận nhiệm vụ hôm 12-9, đã lên tiếng ngợi khen hiệu quả của công tác điều tra, đặc biệt là phương cách gửi tin nhắn đến dân chúng nhờ hỗ trợ. “Đó là cách làm sắp tới”, ông nhấn mạnh.

Bước một: Nhận dạng nghi can

Theo đài CNN, chân dung nghi can đã được nhận diện vào chiều 18-9. Dấu vết ADN của nghi can lưu lại trên “quả bom nồi áp suất” chưa nổ cùng chiếc điện thoại di động gắn theo đó ở khu Chelsea, thành phố New York được xem là mấu chốt quan trọng đầu tiên để phá án.

Theo báo 20 Minutes, tiếp theo nhờ hình ảnh ghi được của các camera an ninh trong khu vực, các nhà điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác định chắc chắn tên Rahami có dính dáng vào vụ nổ ở Chelsea lẫn vụ đặt bom ống ở New Jersey.

Bước hai: Kêu gọi công chúng hỗ trợ

Lúc 7g30 sáng 19-9, hàng triệu người dân New York thức dậy bắt đầu ngày mới thì điện thoại di động của họ nhận được tin nhắn ngắn gọn nhưng đầy đủ: “Truy nã: Ahmad Khan Rahami. Nam giới 28 tuổi. Xem hình ảnh trên các Phương tiện truyền thông. Gọi ngay 911 nếu thấy”.

Tin nhắn được cơ quan chức năng gửi đến điện thoại di động của người dân - Ảnh chụp lại màn hình

Đây là hệ thống cảnh báo cho dân chúng từng thực thi vào năm 2012 do chính quyền phối hợp với các công ty viễn thông.

Đây là hệ thống dùng trong các trường hợp có xảy ra bắt cóc, thiên tai, có mối hiểm họa rõ ràng hoặc thông điệp từ Tổng thống.

Hệ thống tin nhắn này không cho phép gửi kèm hình ảnh nhưng trong cuộc truy lùng nghi can lần này, cơ quan FBI và cảnh sát bang New Jersey đã dùng mạng xã hội Twitter để công bố được 4 hình ảnh của nghi can với các vẻ bề ngoài khác nhau, có nhiều râu hay ít tóc.

Theo điều tra của FBI, tên Ahmad Khan Rahami, người Mỹ gốc Afghanistan không nằm trong lưới điều tra liên quan khủng bố nhưng hắn có xung đột với chính quyền địa phương do chuyện kinh doanh nhà hàng nhỏ của gia đình.

Bước ba: Bắt giữ

Khoảng 10g30 sáng 19-9, theo CNN, ông Harinder Bains, chủ quán bar Merdie’s Tavern trông thấy một người đàn ông ngủ vạ vật trước cửa quán mình.

Nhận ra đó là người đang bị truy nã theo thông tin nhắn của chính quyền, ông liền gọi ngay cho cơ quan chức năng.

Cảnh sát ập đến 15 phút sau đó. Rahami nổ súng khi thấy bị bao vây và cảnh sát đáp trả. Hắn bị trúng đạn và bị bắt ngay.

Có hai cảnh sát bị thương nhẹ, một người may mắn có áo giáp chống đạn che chở, người kia bị thương ở trán do bị mảnh kính vỡ cắt vào trán.

Tên Rahami bị trúng đạng và bị bắt - Ảnh: Twitter

Sau vụ bắt giữ Rahami, thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio tuyên bố: “Giờ đây chúng ta có đủ lý do để tin rằng vụ tấn công vừa qua là hành vi khủng bố”.

Nhưng theo thông tin từ cơ quan chức năng Mỹ, chưa có dấu hiệu nào cho thấy tên Rahami thuộc một nhóm khủng bố nằm vùng nào đó.

Theo Nguyễn Quân

Tuổi trẻ

Trở lên trên