Vì sao ngân hàng dồn dập thoái vốn vào lúc này?
Thời gian gần đây, liên tiếp các cuộc thoái vốn đang được các ngân hàng thực hiện nhằm mục tiêu giảm sở hữu chéo trong ngành ngân hàng.
- 23-11-2017Sắp có “sóng thần” từ chức của sếp ngân hàng ở doanh nghiệp
- 22-11-2017Cổ phiếu ngân hàng không chỉ hấp dẫn trong năm nay mà cả 2018?
- 22-11-2017Vietbank - Ngân hàng "nhỏ nhưng có võ"
Dồn dập thoái vốn
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa có thông báo về việc bán vốn tại các công ty trực thuộc mang thương hiệu gắn liền Agribank. Theo đó, Agribank bán vốn tại Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam – CTCP (AJC) qua việc bán đấu giá hơn 12,6 triệu cổ phần AJC với giá khởi điểm 13.900 đồng/cổ phần; thoái vốn tại CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam và bán Công ty Cho thuê tài chính I Agribank (ALCI) do Agribank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết ngân hàng này cũng đang tích cực triển khai kế hoạch thoái vốn tại các ngân hàng, công ty tài chính theo quy định của Nhà nước. Hôm 20/11 vừa qua, Vietcombank đã thoái toàn bộ vốn thành công ra khỏi SaigonBank và Công ty Tài chính xi măng (CFC). Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Vietcombank đã chào bán hơn 13,2 triệu cổ phần của SaigonBank ra công chúng với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần. Có tới 20 nhà đầu tư (NĐT) tham dự và khối lượng đăng ký mua gấp hơn 4 lần khối lượng chào bán với giá đặt mua cao nhất lên tới 20.100 đồng/cổ phần.
Kết quả, Vietcombank đã bán toàn bộ số cổ phần tại SaigonBank với giá cao nhất và thu về được hơn 266 tỷ đồng chênh lệch so với giá trị tại mức giá khởi điểm đạt 100 tỷ đồng. Ngoài ra, NH này thu về được 76 tỷ đồng từ việc bán cổ phần tại CFC với giá bán cao hơn giá khởi điểm 5 đồng khi giá đấu thành công bình quân là 11.554 đồng/cổ phần.
Bên cạnh đó, lãnh đạo của BIDV cũng cho biết, ngân hàng này đang tiếp tục thực hiện thoái vốn ra khỏi doanh nghiệp ngoài ngành. Trong mấy năm vừa qua, BIDV cũng là một trong những ngân hàng tích cực thực hiện thoái vốn.
Hay như ngày 21/11, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) đã bán thành công 4 triệu cổ phiếu SSG của Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam ( PV-SSG) bằng phương thức đấu giá. Có 5 nhà đầu tư tham gia đấu giá trong đó có 1 nhà đầu tư tổ chức và 4 cá nhân. Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 4,26 triệu cổ phiếu. Mức giá đấu thành công là 10.640 đồng/cp cao hơn một chút so với giá khởi điểm 10.638 đồng/cp. Kết quả, nhà đầu tư tổ chức đã mua thành công toàn bộ cổ phần mang ra đấu giá. Tổng giá trị cổ phần bán được là 42,56 tỷ đồng.
Thời điểm hợp lý
Việc các ngân hàng cấp tập thoái vốn trước hết là nhằm tuân thủ Thông tư số 36 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đáng lẽ việc thoái vốn đã phải diễn ra sớm hơn nhưng đã có sự chậm trễ. Theo lý giải của một số chuyên gia, việc thoái vốn diễn ra chậm hơn kế hoạch đó là do tình hình, bối cảnh chung của cả nền kinh tế chứ không riêng gì ngành ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, một số ngân hàng ngỏ ý bán bớt phần vốn đầu tư ngoài ngành nhưng đã không tìm được người mua. Hơn nữa, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều khó khăn lúc đó, “dục tốc sẽ bất đạt”. Tuy nhiên, đây có thể là thời điểm thích hợp hơn để thực hiện thoái vốn ngoài ngành khi kinh tế vĩ mô tốt hơn, sức khỏe cũng như hình ảnh của hệ thống NH trong mắt NĐT cũng được cải thiện rõ rệt…
Ngoài ra, có thể thấy, hiệu quả đầu tư của các khoản vốn góp của ngân hàng vào các doanh nghiệp được thoái vốn cũng không khả quan. Ví dụ, tại Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG), lợi nhuận 2 năm gần đây hết sức khiêm tốn, năm sau sụt giảm hơn năm trước. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của PV-SSG giảm gần một nửa, từ mức 58 triệu đồng năm 2015 xuống 30 triệu đồng, doanh thu thuần khiêm tốn ở mức 3 tỷ đồng.
Tương tự, tại Công ty Tài chính CP Xi măng (CFC), nhiều năm liền, các cổ đông không được chia cổ tức. Hay như mặc dù lợi nhuận sau thuế của 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã đạt gần bằng mức lợi nhuận của cả năm 2016. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm của SaigonBank là nợ xấu. Tính đến 30/9/2017, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn của Saigonbank cao hơn so với cuối năm 2016, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,63% lên 2,75%, khá sát mức trần 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước…
Dẫu vậy, mỗi doanh nghiệp sau khi thoái vốn dù chưa có hiệu quả đầu tư cao thì cũng sẽ có thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp để phát triển. Còn đối với ngân hàng, khi hoạt động chưa hiệu quả tại doanh nghiệp thì việc thoái vốn lại là cần thiết. Có thể thấy, tinh thần chung việc các ngân hàng đang nỗ lực thực hiện thoái vốn ra khỏi các TCTD được các chuyên gia ngân hàng đánh giá tích cực đẩy nhanh lộ trình thực hiện Đề án 1058 tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020. NHNN đã và đang chỉ đạo, xử lý vi phạm về sở hữu chéo thông qua nhiều giải pháp như yêu cầu chuyển nhượng bớt cổ phần, thoái vốn khỏi các TCTD giúp hệ thống NH hoạt động ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn.
Diễn đàn doanh nghiệp