Vì sao ngân hàng SCB chậm tăng vốn điều lệ?
Phía ngân hàng lý giải, HĐQT SCB cũng đã tiếp xúc với một số đối tác nhưng kết quả đạt được có vẻ không như kỳ vọng nên việc thực hiện tăng vốn điều lệ của SCB chưa thể thực hiện trong năm 2016 và phải dời sang năm 2017.
- 03-08-2017SCB báo lãi nửa đầu năm 90 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,6%
- 24-04-2017SCB sẽ bán 50% cổ phần với giá tối thiểu 700 triệu USD
- 18-04-2017Ngân hàng SCB đang trong quá trình thương thảo với đối tác ngoại để bán trên 50% cổ phần
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang xin ý kiến cổ đông về kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 14,29 nghìn tỷ đồng lên gần 16 nghìn tỷ đồng thông qua việc chào bán riêng lẻ 170,5 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu là tổ chức hoặc cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn trở lên (bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm) với giá bán 10.000 đồng/cổ phần.
Theo thông tin từ phía ngân hàng, dự kiến lộ trình tăng vốn của SCB chia thành hai đợt, đợt 1 tăng 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2017 (sau khi được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán) và đợt 2 tăng vốn 705 tỷ đồng vào thời điểm ít nhất 6 tháng kể từ ngày chào bán đợt 1.
Theo kế hoạch của SCB được gửi xin ý kiến cổ đông, vốn điều lệ tăng thêm sẽ được tập trung đầu tư vào tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng trụ sở các chi nhánh phù hợp kế hoạch phát triển từng giai đoạn.
Trên thực tế, việc tăng vốn điều lệ lên mức 16 nghìn tỷ đồng này nằm trong lộ trình tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 – 2019 đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Việc tăng vốn này cũng đã được đại hội đồng cổ đông của ngân hàng phê duyệt thực hiện trong năm 2016 theo Nghị quyết 116/2016/NQ-SCB-ĐHĐCĐ và ủy quyền cho HĐQT lựa chọn nhà đầu tư và quyết định giá bán, thời điểm bán cổ phần phù hợp. Tuy nhiên kế hoạch này đã không thể thực hiện được.
Trao đổi với chúng tôi, phía ngân hàng cho biết trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, HĐQT SCB cũng đã tiếp xúc với một số đối tác nhưng kết quả đạt được có vẻ không như kỳ vọng nên việc thực hiện tăng vốn điều lệ của SCB chưa thể thực hiện trong năm 2016 và phải dời sang năm 2017.
Theo định hướng phát triển của SCB, ngân hàng này sẽ phát triển theo hướng ngân hàng bán lẻ. Đồng thời, mục tiêu tái cơ cấu của SCB trong giai đoạn 2015-2019 cũng bao gồm đẩy mạnh các hoạt động bán lẻ, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm của SCB, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 405 tỷ đồng, tăng 36,8% so với nửa đầu năm 2016. Trước đó, năm 2016, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SCB đạt 566,5 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2015.
SCB đặt mục tiêu tăng trưởng huy động cuối năm 2017 là 17,8%, đạt mức 397.188 tỷ đồng và tăng trưởng dư nợ là 14,2% so với cuối năm 2016, đạt 254.492 tỷ đồng (gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp).
Trí Thức Trẻ