Vì sao nghị sĩ nhiều nước lo ngại tiền điện tử của Facebook?
Giới lập pháp tại nhiều quốc gia lo ngại Libra sẽ ảnh hưởng đến nội tệ của họ.Facebook dự kiến phát hành tiền điện tử Libra trong năm 2020.
Các nhà lập pháp trên khắp thế giới tăng áp lực lên Libra, loại tiền điện tử được Facebook giới thiệu, do lo ngại đồng tiền này có thể phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu.
Ngày 17/9, thành viên hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Benoit Coeure cảnh báo rằng các loại tiền điện tử như Libra “có thể thách thức vị thế bá chủ của đồng USD”. Nhận xét này của Coeure cũng phản ánh lo ngại của Tổng thống Donald Trump, từng nhận xét rằng Libra “không có tầm ảnh hưởng cũng như độ tin cậy” và “đồng tiền chân chính” ở Mỹ là USD.
Đây dường như là chủ đề quen thuộc với một số nhà quản lý và nhà lập pháp, những người lo lắng rằng Libra sẽ cạnh tranh với các loại tiền tệ của chính phủ. Lý do là Facebook có tầm ảnh hưởng lớn với hơn 2,4 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, tính đến tháng 7. Và các công ty trong Hiệp hội Libra, tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ hợp tác với Facebook, bao gồm cả những ông lớn như Uber, Visa, Vodafone.
Tuần trước, hai bộ trưởng tài chính của Pháp và Đức đã lên tiếng phản đối Libra, cho rằng đồng tiền của Facebook “thất bại” trong việc giải quyết các rủi ro xung quanh an ninh tài chính, bảo vệ nhà đầu tư và luật chống rửa tiền. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire thậm chí còn nói ông “không thể cho phép sự phát triển của Libra trên đất châu Âu”.
Facebook dự kiến triển khai tiền điện tử Libra trong năm 2020. Ảnh: Coin Telegraph.
Mối lo ngại chính đối với cả hai quốc gia là liệu Facebook, một công ty tư nhân, có thể thực sự cạnh tranh với các loại tiền quốc gia như EUR và USD hay không. Các chuyên gia cho rằng Facebook cũng có thể làm giảm vai trò của các nhà quản lý.
Sau đó là vụ bê bối năm ngoái của Facebook xoay quanh vấn đề quyền riêng tư dữ liệu. Các cơ quan giám sát quyền riêng tư toàn cầu từ Anh, Mỹ và EU đã bày tỏ mối lo ngại về việc Facebook đề cập quá ít tới kế hoạch bảo mật thông tin của người dùng Libra.
Facebook nói gì?
Lập luận của Facebook là họ sẽ không kiếm lời trên loại tiền điện tử mới. Thay vào đó Libra được gắn với một giỏ tiền tệ như USD để duy trì giá trị ổn định. Mục đích chính của loại tiền mới là cho phép mọi người chuyển tiền trên toàn cầu một cách dễ dàng.
David Marcus, giám đốc điều hành đứng đầu dự án, nói rằng Libra “sẽ không là mối đe dọa với đồng tiền của các quốc gia”.
Về vấn đề quyền riêng tư, Dante Disparte thuộc Hiệp hội Libra cho biết tổ chức này cam kết bảo vệ dữ liệu của người dùng.
Trong khi Facebook đang chịu nhiều sức ép từ các nhà lập pháp, Teunis Brosens thuộc ngân hàng Hà Lan ING cho biết công ty này đã đúng khi công bố kế hoạch Libra từ rất sớm. Ông cho biết Facebook cũng phản đối quan điểm của những người “tuyệt đối hóa” Bitcoin, đặt niềm tin vào loại tiền điện tử nổi tiếng nhất thế giới hơn là các dịch vụ tài chính truyền thống.
“Họ không đi theo mô hình tuyệt đối hóa chống lại hệ thống tài chính truyền thống, họ thậm chí không theo mô hình tung ra trước rồi đặt câu hỏi sau của Uber”, Brosen, chuyên gia kinh tế hàng đầu của ING về tài chính điện tử và quy định, nói trong một cuộc thảo ngày 16/9. “Họ đang hướng tới các cơ quan quản lý trước và đó là con đường đúng đắn”.
Facebook tuyên bố không kiếm lời trên loại tiền điện tử mới. Ảnh: Bloomberg. |
Thật vậy, Facebook đã đối thoại với các cơ quan quản lý toàn cầu trong nỗ lực xoa dịu nỗi lo ngại của họ về đồng Libra trước khi ra mắt vào năm 2020 theo kế hoạch. Ngày 16/9 công ty đã gặp gỡ các quan chức ngân hàng trung ương ở Basel, Thụy Sĩ. Trước đó, Marcus của Facebook đã xuất hiện trước Quốc hội Mỹ để trả lời các câu hỏi từ các nhà lập pháp về Libra.
Theo các chuyên gia trong ngành, bất chấp phản ứng dữ dội với Libra, điều này cho thấy các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang buộc phải nghiêm túc xem xét vấn đề tiền điện tử - dù một số chỉ ra sự khác biệt giữa Libra và tiền điện tử như Bitcoin.
Lấy ví dụ, ý tưởng về loại tiền điện tử của ngân hàng trung ương dường như đã được cân nhắc lại bởi một số tổ chức. Ý tưởng này đã xuất hiện một thời gian, và Riksbank của Thụy Điển đang tìm cách thử nghiệm phát triển đồng tiền phiên bản điện tử của ngân hàng trong năm nay.
Nhưng gần đây hơn, Thống đốc Mark Carney của Ngân hàng Anh đã đề xuất một loại tiền dự trữ điện tử, trong khi Coeure của ECB cho rằng các ngân hàng trung ương nên hợp tác để nghiên cứu về loại tiền điện tử được hỗ trợ bởi chính phủ.
Libra là gì?
Được Facebook công bố lần đầu tiên vào tháng 6, Libra là loại tiền điện tử được cam đoan rằng sẽ cho phép mọi người gửi tiền trên toàn cầu dễ dàng như gửi một bức ảnh hoặc văn bản.
Libra sẽ được hỗ trợ bởi một giỏ tiền tệ dự trữ. Đây chính là điểm khác biệt của đồng tiền này với các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ether, vốn được biết đến với mức độ biến động giá lớn.
Facebook đã thành lập một công ty con mới có tên Calibra, có nhiệm vụ tạo ra một ví điện tử để người dùng lưu trữ và trao đổi đồng Libra, giúp công ty kiếm lợi nhuận từ tiền ảo. Marcus là người đứng đầu đơn vị này.
Và mặc dù chịu sức ép lớn về luật pháp, các quốc gia khác có thể sẽ không e ngại trước dự án này. Brosens của ING nói rằng ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi có thể sẽ cởi mở hơn trước một đề xuất như Libra, vì nền kinh tế của họ phụ thuộc nhiều vào đồng USD.
“Việc vay vốn của họ phụ thuộc vào đồng USD. Chính sách tiền tệ cũng bị ràng buộc bởi đồng USD và dòng vốn quốc tế”.
Carney tháng trước đã đưa ra ý tưởng về một loại tiền điện tử toàn cầu thay thế USD với vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới. Ông cho biết một loại tiền tệ như vậy có thể giúp cân bằng hệ thống tài chính trong các thời kỳ biến động.
Người đồng hành