Vì sao người có chức vụ dễ lạm quyền, gây thất thoát tiền của dân?
“Thiếu quy định về quản trị công thì người có chức có quyền dễ lạm quyền. Tiền của Nhà nước, của dân bị thất thoát cũng có nguyên nhân đó”
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi bày tỏ băn khoăn về đạo đức công vụ và hành lang pháp lý để “kiểm soát quyền lực”. Đó cũng là lý do khiến bà đưa ra đề xuất xây dựng Luật Hành chính công và kiên trì nhiều năm nghiên cứu để hoàn thiện.
“Tiền của dân sao dễ dàng thất thoát!”
PV: Nhiều năm trăn trở với dự án Luật hành chính công dù gặp rất nhiều khó khăn. Điều gì khiến bà kiên trình và hành động quyết liệt như vậy?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Là người được đào tạo chuyên ngành luật, từng công tác trong ngành Tư pháp và qua thực tế, tôi nhận thấy còn có lỗ hổng pháp lý, nhất là về hành chính công.
Đặc biệt, sau vụ Vinalines, Vinashin, ai cũng thấy đau xót khi tài sản thất thoát rất lớn. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu có ý kiến gay gắt, bởi đây là tiền của nhân dân, mồ hôi nước mắt của dân mà sao những cơ quan, người quản lý đồng tiền này lại dám làm điều hết sức phi pháp, gây thất thoát để đến hôm nay không thể thu hồi được.
Có ý kiến nói rằng cái này có phần trách nhiệm của Quốc hội ở chỗ chưa tạo ra hành lang pháp lý đủ kín để tăng cường, siết chặt quản lý hành chính công, quản trị công, quản lý tài sản công. Ngay thời điểm ấy tôi đã thắc mắc: Tại sao thiếu luật nhỉ? Vướng ở đâu? Từ đó, tôi quyết định nghiên cứu để tìm câu trả lời.
Tôi bắt đầu công việc của mình bằng cách tiếp cận các tài liệu và chuyên gia nghiên cứu khoa học. Đọc báo, các báo cáo chuyên ngành, chuyên đề thấy chỗ nào nói cơ chế vướng mắc khó khăn, pháp luật văn bản còn chồng chéo thì mình lại đánh dấu, ghi lại. Làm liên tục mấy năm thì thấy rõ ràng lỗ hổng quá to.
Về trường Đại học luật gặp các thầy cô là những chuyên gia thuộc các chuyên ngành luật lại thấy rằng, ở mỗi khoa khi dạy đến luật nào đều có luật riêng nhưng giảng về hành chính thì không có luật mà cứ nhặt từ luật này luật kia để nói đó là luật hành chính.
Sau này tôi lại càng nung nấu tìm hiểu cho rõ khi đại biểu Đinh La Thăng (lúc đó là Bộ trưởng Bộ GTVT) từng phát biểu rằng chẳng có trường nào dạy cho Bộ trưởng phải làm như thế nào. Rõ ràng người làm công tác quản lý được giao trọng trách quản lý tài chính, nguồn lực nhưng không có luật nào hướng dẫn cho người ta biết cách làm.
PV: Có ý kiến cho rằng các nội dung liên quan đến hành chính công đã được quy định ở nhiều luật?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Nói rằng quản lý ngân sách có luật ngân sách, nhân sự có luật cán bộ công chức, viên chức, nhưng luật đó mang tính khung, còn trong vận hành có nhiều cái đòi hỏi người lãnh đạo phải đủ tầm, có đạo đức công vụ mới biết cần phải đối xử với công việc như thế nào. Vì nhiều khi không có quy định mang tính nguyên tắc chung để ngăn ngừa thì có thể người đứng đầu, người có chức có quyền sẵn sàng lạm quyền.
Quốc hội khi xem xét sửa đổi Hiến pháp thì có nguyên tắc là tăng cường kiểm soát quyền lực. Nghe thì có vẻ đầy đủ luật này luật kia, song kỳ thực, càng đọc càng thấy rằng mỗi bộ ngành trình luật lên đều bảo vệ lợi ích bộ ngành mình đầu tiên, thiếu luật khâu nối. Rõ ràng đây là lỗ hổng rất lớn về quản trị công, làm cho người lãnh đạo, người quản lý có khi họ không biết đang buông lỏng quản lý, không biết vượt quá thẩm quyền của mình.
Nghiên cứu về hành chính công ở nước ngoài thấy rõ người ta đề cao đạo đức công vụ và có quy định ngăn chặn tình trạng lạm quyền, kiểm soát quyền lực.
Sau khi đề xuất cần xây dựng luật này, có ý kiến nói rằng có hết luật rồi nên không cần làm nữa vì có thể làm khó này kia. Điều đó càng khiến tôi đi tìm hiểu và chứng minh lỗ hổng pháp lý trong quản trị công.
PV: Và lỗ hổng đó đã được bà và cộng sự chứng minh?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Qua nghiên cứu tôi thấy, chúng ta không có luật hành chính nhưng lại có Luật xử phạt hành chính, có Luật tố tụng hành chính... Điều đó thể hiện sự khập khễnh, mông lung, khó có được sự đồng bộ.
Cải cách thủ tục hành chính đâu có cải thiện được gì mấy. Ta đưa ra lắm đề án nhưng nó không phải luật nên tốn nhiều tiền mà chưa thực sự hiệu quả, cuối cùng doanh nghiệp và người dân chịu khó khăn. Đến giờ các bộ ngành hối thúc nhau cắt giảm thủ tục hành chính nhưng cũng gặp khó khăn vì không có cơ sở nguyên tắc chung.
Hay hiện chưa có tên gọi “hợp đồng hành chính” (ít nhất một bên trong hợp đồng là cơ quan hành chính), trong khi thực tế triển khai ầm ầm nên cần quy định để ứng xử với nó chứ không thể tiền của nhà nước cứ thất thoát bằng các hợp đồng khác mà không có cơ chế pháp lý phù hợp.
Đặc biệt khi đi cơ sở tôi lại càng chứng kiến nhiều vấn đề. Doanh nghiệp kêu trời vì một năm tiếp không biết bao nhiêu đoàn kiểm tra, từ phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, tài nguyên môi trường, vệ sinh lao động, thuế... Đến hàng chục đoàn. Tình trạng đó là do thiếu sự phối hợp.
Không làm tốt thì phải từ chức
PV: Có thể hiểu tinh thần cốt lõi của dự án mà bà và cộng sự đang xây dựng là sự minh bạch về vai trò, trách nhiệm?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Điều đó hoàn toàn đúng. Ngay từ đầu tôi dựa vào lý luận về khoa học hành chính công và khoa học luật hành chính để có cái nhìn tổng quan về quản lý Nhà nước làm sao cho khoa học, để không có khoảng trống.
Mong muốn là trám những cái thiếu của nền hành chính, để từ người quản lý, công chức đến nhân dân nhìn vào luật là biết ngay, minh bạch từng cấp anh phải làm gì, nếu không làm thì phải chịu ra làm sao, người ta có cơ sở để giám sát anh.
Giờ luật nói rõ phần này của Nhà nước phải chịu trách nhiệm; phần này của cán bộ công chức đứng đầu, phần này của cán bộ công chức thừa hành, phần này nhân dân giám sát.
Bất kỳ anh là ai khi được bổ nhiệm vào làm lãnh đạo quản lý thì phải biết phối hợp với ai, cấp trên ứng xử thế nào với cấp dưới, cấp ngang phối hợp ra sao... Hiện không có luật nào hướng dẫn nên cứ tuỳ theo mỗi đồng chí, người nào năng động thì phối hợp tốt, có người cứ tự mình làm, dẫn đến có việc ba, bốn bộ ngành vào không giải quyết được.
Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử để giảm bớt việc đưa ý chí chủ quan của cán bộ công chức vào, đảm bảo công khai, bớt cơ hội gây nhũng nhiễu.
Để làm tốt công tác quản lý còn liên quan thanh tra, kiểm tra công vụ. Thanh tra công vụ trong hệ thống pháp luật hiện nay chỉ có 2 điều trong Luật công chức thì không thể giải quyết được vấn đề.
PV: Hiện rất nhiều sự việc xảy ra thì quy trách nhiệm cũng không rõ phải chăng vì thiếu cơ sở, thưa bà?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Thực tế là trách nhiệm nhiều khi không rõ. Như vấn đề từ chức chẳng hạn, hiện chỉ có một quy định “có thể từ chức” chứ không nói “phải từ chức”, dẫn đến người ta không từ chức cũng chẳng làm sao.
Ban đầu dự án luật Hành chính công dự kiến đưa thành điều trong trường hợp nào anh phải từ chức. Mạnh mẽ như thế để chấm tình trạng mình cứ nói mềm mại với nhau là “văn hoá từ chức”. Chả có văn hoá gì chuyện này cả. Anh không làm đủ trách nhiệm, gây dư luận không tốt, gây thất thoát như thế, làm cho xã hội bất an thì anh phải từ chức chứ không xem anh có từ chức hay không.
Đất nước còn khó khăn còn phải đi vay, kêu gọi nhân dân tiết kiệm. Từng giọt mồ hôi trên cánh đồng của người nông dân, trong nhà máy của công nhân vất vả như thế đóng góp tiền cho bộ máy hoạt động mà anh không sử dụng cho đến nơi đến chốn thì anh phải biết xấu hổ.
Các quy định sẽ giúp đề cao đạo đức công vụ thì tự nhiên anh thấy xấu hổ khi xâm phạm vào nguồn lực công. Các nước có quan chức chỉ cần nghe thấy bị cơ quan công quyền xem xét trách nhiệm đến vụ việc liên quan thì tự khắc từ chức. Quản lý điều hành đất nước của chúng ta cũng phải tiến tới mức độ như thế.
PV: Những nội dung nào mà bà và cộng sự đang phải tập trung hoàn thiện và còn băn khoăn?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Chúng tôi đang tiến hành rà soát một cách tổng thể để đảm bảo xác đáng về cơ sở pháp lý cần có luật này, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Nó là công cụ cho Nhà nước quản lý, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan. Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp yên tâm hơn trong quá trình bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như trong đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào thấy được sự minh bạch.
Dự luật quy định rõ chương về chính phủ điện tử, trong đó có một cửa quốc gia, một cửa Trung ương, một cửa cấp tỉnh đến huyện và xã. Ai nhìn vào cũng thấy minh bạch và biết cần phải đến đâu để giải quyết công việc, tránh tính trạng không biết đi đâu rồi xin chỗ này chỗ kia thành ra lại “chui”.
Bà Trần Thị Quốc Khánh vừa trúng cử Đại biểu Quốc hội Khoá XIV tại Hà Nội, trở thành một trong số ít người trúng cử 4 khoá Quốc hội liên tiếp.
Đề xuất xây dựng pháp luật của bà Khánh đã được Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ và đề nghị xem xét đưa dự án luật Hành Chính công vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm của Quốc hội năm 2016, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016).
Đại biểu Khánh cho biết, hiện dự án luật gồm 6 chương với 60 điều./
VOV