Vì sao người dân Thụy Sĩ 'đổ xô' mua vàng giữa đại dịch Covid-19?
Tờ SRF của Thụy Sĩ viết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhu cầu mua vàng ở nước này đã tăng gấp 3-5 lần.
- 13-08-2020Giá vàng bán ra giảm trên 1 triệu đồng/lượng, giá mua vào tăng
- 13-08-2020Khóc cười cùng 'vòng xoáy' giá vàng, một tuần mất toi tiền tỷ
- 12-08-2020Doanh nghiệp vàng đẩy rủi ro về phía khách hàng?
Theo đó, trong bối cảnh giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh, mọi người đang tìm kiếm một “nơi trú ẩn an toàn” để đầu tư và việc mua kim loại quý ngày càng phổ biến. Đồng thời, giá mỗi ounce đang phá kỷ lục mới mỗi ngày. Kể từ đầu cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, giá vàng đã tăng khoảng 35% và phá vỡ một số mốc quan trọng.
Dịch bệnh bùng phát khiến giá vàng tăng. (Ảnh: Reuters) |
“Vàng đã mê hoặc mọi người trong hàng ngàn năm. Và đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, mua kim loại quý được coi là khoản đầu tư an toàn. Do đó, trong đại dịch Covid-19 vàng miếng có nhu cầu gia tăng chưa từng có. Hơn nữa, các nhà đầu tư tài chính còn tích cực mua vàng “Vreneli” vì vậy mua vàng đã trở thành một loại hình thể thao dân gian ở Thụy Sĩ”, báo cáo của Cedric Eichkorn cho biết.
Được biết, “Vreneli” là tên không chính thức cho một loạt các đồng tiền vàng đấu thầu hợp pháp của đồng franc Thụy Sĩ. Các đồng tiền được phát hành từ năm 1897 đến 1936, năm 1947 và năm 1949. Tất cả các đồng tiền được phát hành sau năm 1936 đều được phục hồi. Đồng xu tồn tại trong ba mệnh giá 10, 20 và 100 franc.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, các nhà kinh doanh kim loại quý có xu hướng trưng bày các sản phẩm của họ nhiều hơn. Các quan chức trong ngành cho biết so với thời kỳ trước đó, nhu cầu đã tăng 3-5 lần.
“Nhu cầu là rất lớn. Chúng tôi đang làm việc trong khả năng của mình. Và đặc biệt là khi bắt đầu đại dịch Covid-19, chúng tôi đã gặp khó khăn nghiêm trọng về nguồn cung cấp vàng”, ông Thomas Weise, Giám đốc công ty kim loại quý Geiger Edelmetalle cho biết.
Tiền xu có kích thước khác nhau và chạm nổi, còn vàng miếng có cỡ nhỏ và lớn. Nhưng tại sao mọi người lại muốn mua chúng? Thực tế là nhiều cổ phiếu đã sụp đổ do Covid-19, mọi người muốn đầu tư tiền của họ vào một nơi trú ẩn an toàn và đó chính là vàng. Nhu cầu quá lớn khiến giá vàng đang phá kỷ lục mới từng ngày. Các ngân hàng cũng đang tích cực bán vàng, nhưng các nhà phân tích dự đoán rằng tỷ giá sẽ được điều chỉnh.
Ông Thomas Stuki, trưởng bộ phận tiền gửi tại ngân hàng bang Sankt Gallen (Thụy Sĩ) cho biết: “Mọi người đều nói rằng đầu tư vào vàng sẽ có lãi. Nhưng giá vàng tăng rất nhanh. Nếu giá vàng điều chỉnh thêm 100-200 USD trong những tuần tới, điều đó sẽ không làm tôi ngạc nhiên. Giá vàng điều chỉnh nhưng không sụp đổ. Chừng nào đại dịch Covid-19 vẫn còn gây lo ngại cho người dân thì việc mua kim loại quý sẽ vẫn là một khoản đầu tư sinh lời”.
Vàng từ lâu đã được xem là tài sản đảm bảo cuối cùng. Vì thế trong bối cảnh đại dịch hoành hành như hiện nay, vàng càng có sức hấp dẫn. Nhiều ngân hàng vẫn nắm giữ vàng để duy trì sự ổn định trước những biến động về chính trị hoặc những cú sốc về kinh tế. Vàng cũng có ưu thế là nó có thể chuyển được sang tiền mặt nếu cần thiết.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Thụy Sĩ đang thứ 8 trong 10 quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới với 1.040 tấn. Dân số ít nhưng Thụy Sĩ lại có lượng vàng dự trữ rất lớn. Năm 2014, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ SNB đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý xem có nên tăng dự trữ vàng từ 7% lên 20% hay không? Kết quả là 78% người được hỏi không đồng ý SNB tăng tỷ lệ dự trữ vàng. Mỹ là quốc gia dự trữ nhiều vàng nhất thế giới. Phần lớn số vàng này được cho là đang được cất giữ tại các kho trên khắp nước Mỹ với 8.133,5 tấn.
Infonet