Vì sao người Hà Nội liên tục "đổ tiền" vào bất động sản Đà Nẵng?
Tương tự như thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc, trong số gần 1.000 sản phẩm đất nền, biệt thự biển và căn hộ tiêu thụ được tại thành phố Đà Nẵng, cũng có đến 80% giao dịch đến từ nhà đầu tư Hà Nội, 15% khách TP.HCM, theo Savills Việt Nam.
- 15-09-2016Nhật Bản khảo sát đầu tư tuyến tàu điện một ray Đà Nẵng – Hội An
- 15-09-2016Daewon tháo chạy, dự án khu đô thị 180ha ven biển Đà Nẵng về tay tập đoàn Novaland
- 14-09-2016Central Coast: Căn hộ đẳng cấp bên bờ biển Đà Nẵng sắp được ra mắt
- 14-09-2016Đà Nẵng: Chào APEC 2017, nhiều đại gia rót nghìn tỷ đầu tư hàng loạt dự án nghỉ dưỡng
Chạy đua tiến độ
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, BĐS nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng có nhiều yếu tố thu hút, mang đến cho các nhà đầu tư lợi ích hấp dẫn từ sự phát triển hoàn chỉnh của cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị tốt. Mạng lưới chức năng vệ tinh được hình thành.
Đặc biệt, các khu vực ven biển phía Tây Bắc có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái. Còn các khu vực đô thị lại phát triển theo hướng xây dựng một trung tâm thương mại tài chính và giáo dục. Khu vực ven biển phía Đông được đánh dấu cho ngành dịch vụ du lịch - khách sạn và ở phía Nam, dự kiến phát triển du lịch và một đô thị lớn.
Theo đơn vị tư vấn này, Đà Nẵng hiện đang là thị trường tiên phong trong bất động sản cao cấp ven biển và xếp thứ hai sau Nha Trang về tổng nguồn cung với 1.199 biệt thự và 3.367 căn hộ. Điển hình cho sự thành công khi đầu tư vào Đà Nẵng phải kể đến các dự án như: Bà Nà Hill, Ocean Villas, Hayatt Regency, Furama, Intercontinetal, và Azura.
Cùng với đó, các dự án tương lai có quy mô lớn bao gồm Soleil Đà Nẵng, FPT City Đà Nẵng, Coco Bay, Đa Phước, Hàn Riverside, Ariyana, Central Coast, Vinpearl Han River, và Ocean Suites & Estates…dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp ra thị trường một lượng lớn nguồn cung về căn hộ và biệt thự biển từ nay đến cuối năm 2016.
Song song đó, đang có sự chuyển dịch của làn sóng đầu tư vào thị trường BĐS du lịch ở Đà Nẵng từ sự kiện APEC 2017. Mục tiêu của các nhà đầu tư là cung cấp phòng nghỉ dưỡng phục vụ hội nghị và đón đầu cơ hội phát triển của Đà Nẵng về du lịch trong tương lai, vì vậy chủ yếu tập trung vào những dự án cao cấp. Một số doanh nghiệp đầu tư tại Đà Nẵng hiện nay như Sun Group, Vingroup, Hyatt, HB Group và mới đây là Novaland tiếp tục đầu tư theo hướng này.
Theo quan sát của chúng tôi, tại Đà Nẵng hiện nay những dự án như: Khách sạn Grand Tourane Đà Nẵng, dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Ánh Dương - Soleil Đà Nẵng hay dự án Blooming Tower Đà Nẵng... đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục nhằm kịp đưa vào sử dụng vào dịp APEC 2017 diễn ra.
Trong giai đoạn 2016-2017, dự kiến trên địa bàn thành phố sẽ có thêm 5 khách sạn 5 sao đi vào hoạt động. Trong đó các biệt thự biển, nghỉ dưỡng sẽ được ra đời với những khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế.
Cùng với đó, dọc các tuyến đường Nguyễn Tất Thành (đoạn thuộc phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), Võ Nguyên Giáp, An Thượng 1 đến An Thượng 4, Đỗ Bá, Phan Tôn, Lê Quang Đạo, Hoàng Kế Viêm, Trần Bạch Đằng, Ngô Thì Sĩ (thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn)..., có ít nhất trên 40 khách sạn từ 4-15 tầng đang xây dựng dang dở.
Đó là chưa kể tại các tuyến đường như Hà Bổng, Dương Đình Nghệ, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại (thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà)... đã trở thành “phố khách sạn” từ lâu. Ngoài ra, các đường nhánh, đường rẽ trên các trục đường Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc phường An Hải Bắc)..., cũng có nhiều công trình khách sạn đang xây mới. Riêng khu vực từ đường Nguyễn Văn Thoại đến đường Trần Văn Dư (phường Mỹ An) có hàng chục khách sạn đã và đang xây dựng.
Khẩu vị của người mua nhà từ Hà Nội
Đặc biệt, các khảo sát của Savills mới công bố cũng chỉ ra rằng, có hơn 80% người mua đến từ Hà Nội, bởi ngoài khoảng cách địa lý giữa Hà Nội và Đà Nẵng không quá xa, sự đa dạng về danh mục các sản phẩm để đầu tư, cơ sở hạ tầng hoàn thiện cùng nhiều chính sách khác của chủ đầu tư.
Bên cạnh sản phẩm ở các dự án, nhà đầu tư đến từ Hà Nội còn chuyển sang đầu tư vào những khu đất riêng lẻ tại những khu dân cư đã hình thành, những dự án đã có người dân sinh sống để đảm bảo an toàn cho suất đầu tư của mình.
Thứ hai, giá đất nền ven biển Đà Nẵng trung tâm – một trong những “món” ưa thích của người Hà Nội đang tăng mạnh, thậm chí có những vị trí đã tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước kia nên họ dần chuyển sang đầu tư vào các khu vực vùng ven.
Cụ thể, nếu cuối năm 2015, có những lô đất ven biển có giá chỉ khoảng 30 triệu đồng/m2 nhưng hiện nay giá đã hơn 70 triệu đồng/m2. Đặc biệt là những lô đất nằm ven biển giữa đường Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt nếu trước đây giá chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá đã lên đến 150 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát, giá đất tại mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp khoảng 2 năm trước được bán là 80 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay đã tăng "chóng mặt" gần 150 triệu đồng/m2. Do vậy, đa số khách hàng từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc chuyển xu hướng đầu tư vào phía Nam, nơi cũng giáp biển nhưng có giá mềm hơn.
Ngoài ra, các chủ đầu tư nhỏ lẻ đến từ Hà Nội cũng đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê nhắm vào các đối tượng lao động là người nước ngoài đang làm việc ở Đà Nẵng. Giải thích về hiện tượng tăng giá đất nền khu vực dân cư ven biển phía đông thành phố, ông Nguyễn Quang Tâm, Hiệp hội BĐS Đà Nẵng và miền Trung cho rằng cho biết "quỹ đất có hạn, tỷ suất lợi nhuận lớn và khả năng tăng giá trong dài hạn khiến các lô đất xây khách sạn khu vực ven biển phía Đông được ví như “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư”.
Một yếu tố khác, bên cạnh việc nhà đầu tư Hà Nội rất quan tâm đến đất nền và các resort cao cấp ven biển, thì hiện nay condotel đang là phân khúc rất “hút” khách hàng Thủ đô. Bằng chứng là trong một thống kê mới đây của CBRE, khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc thống trị thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng. Nhóm khách này chiếm 75 – 85% số giao dịch thành công.