MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nhân viên văn phòng mặc vest đen dần biến mất khỏi đường phố Nhật Bản?

25-09-2023 - 14:14 PM | Tài chính quốc tế

Lý do nằm ở sáng kiến “Cool Biz” của Nhật Bản.

Vì sao nhân viên văn phòng mặc vest đen dần biến mất khỏi đường phố Nhật Bản? - Ảnh 1.

Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 9, nhân viên văn phòng tại Nhật Bản sẽ ưu tiên chọn những bộ trang phục đơn giản, mát mẻ như polo ngắn tay hoặc sơ mi chất đũi thay vì mặc vest ‘đóng thùng’. Đến gần tháng 10, khi thời tiết mát mẻ trở lại, họ mới quay về mặc vest dày để đúng văn hóa vốn có.

Sự thay đổi này nằm trong sáng kiến “Cool Biz” của Nhật Bản. Bắt đầu từ ngày 1/5, các công ty sẽ duy trì điều hòa ở mức 28 độ C để tiết kiệm năng lượng và dù cho điều này không thực sự khiến người lao động cảm thấy thoải mái, xứ sở hoa anh đào đã phần nào đưa ra một mô hình mẫu giúp các quốc gia trên thế giới giảm phát thải khí nhà kính. Theo cơ quan khí tượng thủy văn, tháng 8 vừa qua là 31 ngày nóng nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản.

“Cool Biz” là một trong những sáng kiến tiết kiệm năng lượng đơn giản, hiệu quả ở Nhật Bản - quốc gia với gần 90% nhu cầu năng lượng phải phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Theo thống kê của Viện Năng lượng, các biện pháp này đã giúp giữ mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người của Nhật Bản ở mức gần bằng một nửa so với Mỹ.

Theo khảo sát của Bộ Môi trường, ngày nay, hơn 86% nơi làm việc tham gia chiến dịch Cool Biz. Đại diện Yusuke Inoue cho biết chương trình thành công mà không cần đến các hoạt động khuyến khích từ phía chính phủ. Khi mọi người chuyển sang những trang phục đơn giản, mát mẻ hơn, họ không còn muốn giảm điều hòa quá sâu nữa.

Tatsuya Murase, 29 tuổi, nhân viên một công ty vận tải biển, cho biết khách hàng của mình rất thích những bộ quần áo thoải mái, không gò bó.

“Họ trông rất linh hoạt và phóng khoáng”, anh Murase nói.

Cool Biz bắt nguồn từ những năm 1970, song mãi đến năm 2005 mới được phổ biến rộng rãi trong các văn phòng chính phủ. Sáng kiến trùng hợp với các cam kết mà Nhật Bản đã đưa ra theo Nghị định thư Kyoto, thỏa thuận quốc tế năm 1997 nhằm giảm lượng khí thải nhà kính.

Vì sao nhân viên văn phòng mặc vest đen dần biến mất khỏi đường phố Nhật Bản? - Ảnh 2.

Nhân viên văn phòng mặc vest đen dần biến mất khỏi đường phố Nhật Bản?

Sáng kiến chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất cà vạt, song lại có lợi cho những thương hiệu bán lẻ như Uniqlo. Áo polo của hãng đã trở thành sản phẩm quen thuộc trên khắp các đường phố Nhật.

W. David Marx, tác giả cuốn lịch sử văn hóa trang phục nam giới “Ametora: How Japan Saving American Style”, cho biết chương trình này thành công đến mức hình thành xu hướng “bình thường hóa” phong cách mùa hè tại Nhật.

“Tôi nghĩ đây là một nghệ thuật bảo vệ môi trường. Mọi người đều nhận ra rằng mặc vest quá nóng”, ông nói.

Năm 2011, sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản đóng cửa các lò phản ứng trên toàn quốc nên một lần nữa phải nới lỏng các tiêu chuẩn về trang phục, đồng thời kêu gọi người dân giảm sử dụng điều hòa để tránh tình trạng mất điện.

Tuy nhiên, chiến dịch “Super Cool Biz” lại ảnh hưởng đến năng suất làm việc của người lao động. Nghiên cứu cho thấy nhân viên văn phòng sẽ làm việc kém hiệu quả hơn nếu nhiệt độ tăng lên.

Ngoài Nhật Bản, chính phủ Tây Ban Nha cũng giới thiệu chương trình “Cool Biz” song người dân ở đây lại cho rằng mốc 27 độ C là quá cao.

Tại EAT Grill and Bar, một quán cà phê phong cách phương Tây ở trung tâm Tokyo, chủ quán Michikazu Takahashi để máy điều hòa ở mức 28 độ C. Một số khách hàng đã phàn nàn rằng 28 là mốc quá nóng.

“Họ nói điều này không bình thường”, ông Takahashi nói và chỉ về phía cửa hàng của mình, nơi chú chó shiba tên Momo đang nằm thoải mái trên sàn gỗ.

Theo: The New York Times

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên