MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nhiều cơ quan, đơn vị vào cuộc nhưng nông sản Hải Dương vẫn tắc?

24-02-2021 - 07:42 AM | Thị trường

Vì sao nhiều cơ quan, đơn vị vào cuộc nhưng nông sản Hải Dương vẫn tắc?

Việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển hàng hóa do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, nhiều địa phương thông tin với truyền thông là tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nhưng trên thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.

Đồng thời phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07/02/2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa hợp lý.

Cụ thể tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ.

Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.

Một số doanh nghiệp ở Hải Dương cũng thông tin nhiều nơi chưa chấp nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân (TP Hải Phòng chỉ định rõ chỉ tiếp nhận kết quả xét nghiệm từ CDC Hải Dương).

Xét nghiệm tại một số cơ sở y tế tư nhân như Medlactec… không được công nhận. Doanh nghiệp không biết kiểm tra âm tính Covid – 19 ở đâu và giấy xác nhận có thời hạn bao lâu.

Trong khi đó, kết quả PCR mất nhiều thời gian, CDC Hải Dương và các điểm xét nghiệm đang quá tải với việc xét nghiệm phòng chống dịch nên không thể đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm của các doanh nghiệp và lái xe.

Chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất đảm bảo an toàn phòng chống Covid -19 trong sản xuất, kinh doanh, bao gói, vận chuyển nông, lâm, thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài (hiện các địa phương áp dụng quy trình khác nhau: TP Hải Phòng thì cấm, TP Hà Nội thì không cấm người và hàng hóa của tỉnh Hải Dương…) nên cả bên bán và bên mua đều khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản.

Thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang có dịch của chính quyền và các cơ quan chuyên môn có liên quan (ngành nông nghiệp và ngành y tế) chưa được đưa ra chính thức, tạo tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, vứt bỏ; vật nuôi con giống bị quá hạn xuất chuồng nhưng không vận chuyển thức ăn đến để tiếp tục duy trì nuôi sống đàn; nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm;

Nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm; hàng xuất khẩu đến hạn phải giao nhưng không đua được xuống cảng… gây thiệt hại rất lớn, tác động lâu dài đến sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.

Báo cáo nhanh của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng.

Hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề: Đến ngày 15/2/2021, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch.

Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa - 80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu); nhu cầu vật tư, thức ăn đầu vào cho nuôi trồng cũng thiếu… Tổng lượng nông sản của Hải Dương chưa tiêu thụ được là 90.760 tấn.

Theo Hoàng Giang

Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên