MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nhiều doanh nghiệp Nhà nước ngập trong thua lỗ?

Nhiều năm qua, không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân…

Nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thời gian qua đã vẽ nên bức tranh nhiều mảng tối. Đó là hiệu quả sản xuất kinh doanh kém so với nguồn lực đầu tư, thậm chí thua lỗ, nợ nần, xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, gây hậu quả kinh tế lớn. Thực tế này đòi hỏi phải “chẩn đúng bệnh” và trị đúng “thuốc” để nâng cao hiệu quả của DNNN trong điều kiện mới.

Báo điện tử VOV sẽ đề cập vấn đề này trong loạt bài: Chữa “bệnh” cho doanh nghiệp nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Trong nhiều văn kiện của Đảng xác định, DNNN phải không ngừng đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.

Định hướng là vậy, nhưng trong thực tế, khối DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 ngày 5/5/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Không ít DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…”.


Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong những dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước kém hiệu quả (ảnh: Thanh Niên)

Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong những dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước kém hiệu quả (ảnh: Thanh Niên)

Nhiều DNNN càng kinh doanh càng lỗ

Những con số về tình hình sản xuất, kinh doanh của các DNNN gần đây đã cho thấy kết quả kinh doanh của khu vực DNNN không khả quan, thậm chí lỗ đến mức báo động. Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của các DNNN là hơn 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu của các DNNN chỉ đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng.

DNNN của nước ta được hình thành trong thời kỳ kế hoạch hoá tập trung, là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong công cuộc đổi mới, hệ thống DNNN vừa được phát triển, mở rộng, vừa được sắp xếp, cơ cấu lại và từng bước chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Tính đến cuối năm 2016, tổng số DNNN là 718 doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần, trong đó có 25 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, đứng đầu là Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Cơ khí xây dựng….

Đáng chú ý, ngành Công Thương có 12 dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, điển hình là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình… Tổng tài sản của 12 nhà máy là hơn 57.600 tỷ đồng, thì tổng nợ phải trả là hơn 55.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Với khu vực DNNN, ngành thuế lo ngại những khoản lỗ nghìn tỷ đồng ở các dự án lớn có thể làm nguồn thu từ khu vực này vẫn suy giảm. Trong năm 2017, mức hụt thu ngân sách do DNNN làm ăn thua lỗ có thể lên tới khoảng 12.000- 14.000 tỷ đồng.

Không chỉ làm ăn kém hiệu quả, “ngập” trong thua lỗ, khối DNNN còn “tai tiếng” bởi những vụ án tham nhũng kinh tế lớn, phức tạp trong vòng 10 năm qua. Tiêu biểu là vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty in, thương mại, dịch vụ Agribank; vụ án đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin...

Phải gỡ nhiều nút thắt

Đảng, Nhà nước bắt đầu nhìn nhận hiệu quả của DNNN và đặt vấn đề cần sắp xếp, đổi mới DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa cách đây hơn 20 năm, trên thực tế đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, sau 15 năm sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 Khóa IX, DNNN đã giảm mạnh về số lượng. Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đến cuối năm 2016 còn 718 doanh nghiệp. Hệ thống DNNN sau cổ phần hóa huy động được hàng chục tỷ USD, Nhà nước thu được nhiều thuế, tạo lập và phát triển thị trường chứng khoán. Về cơ bản, DNNN đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, tái cơ cấu còn chậm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Trên thực tế, những hạn chế, yếu kém của khối DNNN đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chậm có sự chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Thực tế này đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN một cách thực chất, hiệu quả hơn nữa. Tức là phải tìm ra điểm nghẽn và tháo gỡ nút thắt đang cản trở quá trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, muốn gỡ nút thắt khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả, phải tập trung vào giải quyết những vấn đề về: Vai trò, trách nhiệm của DNNN trong nền kinh tế; tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN; quản lý vốn của DNNN; chất lượng nhân sự và trách nhiệm của lãnh đạo DNNN… Báo điện tử VOV sẽ tiếp tục đề cập những vấn đề này trong các bài sau./.

Theo Trần Linh - Hải Vân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên