Vì sao nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần?
Tình trạng cắt giảm đơn hàng chưa có dấu hiệu cải thiện khiến tình trạng rút BHXH 1 lần được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.
- 16-03-2023Bổ sung tính năng thời gian chưa đóng BHXH trên VssID
- 15-03-2023Quy định tuổi nghỉ hưu hay năm đóng BHXH?
- 14-03-2023Đề xuất giảm số năm đóng BHXH: Cần cân đối mức lương hưu, đảm bảo mức sống tối thiểu
Hơn 62% trong 1.300 công nhân tham gia khảo sát của Liên đoàn lao động TP Hồ CHí Minh cuối năm 2021 cho biết họ lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sau khi mất việc. Còn hơn 44% trong một nửa lao động tham gia khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội quyết định rút BHXH một lần cho biết, khoản tiền này sẽ dùng cho chi tiêu gia đình. Lựa chọn này dễ hiểu vì tích lũy của công nhân sau thời gian dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã đến lúc cạn kiệt.
Quý 4 năm 2022, theo tổng cục thống kế, riêng TP.HCM có khoảng 36.000 người lao động mất việc do đơn hàng bị sụt giảm, họ sẽ đủ điều kiện nhận BHXH 1 lần vào cuối năm nay. Những yếu tố này chính là cơ sở để củng cố cơ sở lo ngại bùng phát làn sóng rút BHXH một lần như thời điểm cuối năm 2021.
Trong các năm 2016-2021, cả nước có hơn 4,25 triệu lao động tham gia BHXH và 4,06 triệu người rút một lần. Tương đương 1 người tham gia lưới an sinh này thì có 1 người rời khỏi. Phần lớn người rút BHXH làm việc trong doanh nghiệp, tức là những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc cắt giảm giờ làm, việc làm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lý do người lao động rút bảo hiểm thì đã rõ, nhưng liệu có còn nguyên nhân nào khác?
Đoàn viên công đoàn và người lao động đang đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014. Đa số người được hỏi ý kiến đều cho rằng, nếu chưa có một phương án tối ưu thì nên giữ nguyên phương án cho phép hướng BHXH 1 lần như hiện hành. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường truyền thông chính sách và giải pháp này được xem là hiệu quả nhất.
Tuyên truyền kết hợp với đẩy mạnh dân chủ cơ sở chính là nền tảng từ công đoàn cơ sở. Ở góc độ lớn hơn, việc thuyết phục người lao động chung tay vì mục tiêu chung cho sự bền vững của lưới an sinh xã hội này cũng cần phải có những minh chứng rõ ràng để củng cố niềm tin vào chính sách BHXH.
Theo các chuyên gia, một trong những việc cần làm chính là bảo đảm quyền lợi cho người lao động trước tình trạng nợ BHXH kéo dài của không ít doanh nghiệp. Ước tính, số người lao động bị ảnh hưởng bởi tình trạng chây ì, chậm hay trốn đóng BHXH là 200.000 người, chiếm đến gần 5% số người đang tham gia BHXH. TP Hồ Chí Minh từng dự kiến đưa ra xét xử doanh nghiệp trốn đóng BHXH vào tháng 10/2022 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Mục tiêu của BHXH là đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân. Để hạn chế tình trạng trên, cần phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn bởi tất cả trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần khi họ mất việc làm. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần tăng tính hấp dẫn, tăng cường quyền lợi của người lao động khi tham gia vào hệ thống an sinh này.
VTV.VN