Vì sao những người khác dường như lúc nào cũng kiếm được nhiều tiền và thành công hơn bạn? Câu trả lời hóa ra lại nằm ở chính bản thân người hỏi!
So sánh bản thân với người khác là điều tự nhiên nhưng điều đó không phải lúc nào cũng cho bạn một bức tranh chính xác về cuộc sống của những người xung quanh.
- 28-01-2019Đừng trông đợi đổi đời nếu bạn còn chưa chịu thay đổi điều bạn làm mỗi ngày
- 27-01-2019Thế cục đời người, hơn - kém nhau dựa vào 4 chữ: Tư duy tích cực
Hãy thử nói chuyện với các chuyên gia bất động sản, nếu bạn có một số tiền hạn chế, họ sẽ đều khuyên bạn mua căn nhà nhỏ nhất trong khu phố giàu có thay vì mua căn nhà lớn nhất trong khu phố rẻ hơn. Như thế, ngôi nhà của bạn sẽ giữ được giá trị của nó.
Nhưng các nghiên cứu chỉ ra, chúng ta có xu hướng cảm thấy hạnh phúc hơn khi sở hữu căn nhà lớn nhất trong một khu phố có giá trị rẻ hơn. Điều này xảy ra do xu hướng so sánh mình với xã hội của tất cả chúng ta.
Khi bạn so sánh bản thân với một người tốt hơn bạn, đó được gọi là so sánh xã hội đi lên, và nó có xu hướng làm bạn không vui (mặc dù đôi khi nó có thể là động lực để bạn cố gắng được như họ).
Khi bạn so sánh bản thân với một người tồi tệ hơn bạn, đó là sự so sánh xã hội đi xuống, và nó có xu hướng khiến bạn cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống của mình. Vì vậy, chúng ta có xu hướng từ chối những ngôi nhà nhỏ trong một khu phố đắt đỏ vì nó khiến chúng ta cảm thấy yếu kém, từ đó làm giảm sự hài lòng chung với cuộc sống.
Bạn luôn so sánh với người khác bởi vẫn còn những mục tiêu chưa thực hiện được
Bạn chắc chắn không thể ngăn cản mình so sánh bản thân với người khác, từ bộ quần áo họ mặc, chiếc xe họ lái, ngôi nhà họ ở hay những hình ảnh họ đăng trên mạng xã hội…
Một trong những điều thúc đẩy bạn có những suy nghĩ này chính là những mục tiêu của chính bạn. Giả sử bạn luôn muốn có một chiếc xe nào đó, nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể mua được. Và rồi bạn bắt đầu để ý đến tất cả những chiếc xe xung quanh và tự mặc định là ai cũng đang lái chiếc xe đó (hoặc có giá trị tương tự). Điều đó khiến bạn cảm thấy mình thật tồi tệ, thật yếu kém khi không đủ tiền để mua xe giống như những người xung quanh.
Tâm lý này đúng với mọi sự so sánh, từ chuyến du lịch bạn luôn mong muốn mà người khác đang khoe trên MXH, từ nhà hàng sang trọng mà người ta đang ra ra vào vào…
Đừng để cho những khoảnh khắc này làm bạn thất vọng với cuộc sống của chính mình.
Cái bẫy của việc so sánh
Đầu tiên, có thể bạn đang đánh giá quá cao số tiền mà người khác đang sở hữu. Để có được chiếc xe kia, có thể họ đã phải thế chấp nhiều tài sản khác hoặc vay nợ.
Thứ hai, khi so sánh là bạn đã tự động hạ giá tất cả những gì bạn đang có. Nếu bạn không mua được chiếc xe xịn kia, bạn sẽ tự thấy chiếc xe mà mình đang lái thật cũ kỹ, xấu xí và chậm chạp. Nó khiến cuộc sống của bạn mất đi một phần giá trị.
Cuối cùng, ngay cả khi bạn đã có được chiếc xe thì nó cũng không giúp bạn cảm thấy hạnh phúc dài lâu. Vì bạn sẽ nhanh chóng tìm thấy được một mục tiêu mới cao hơn và niềm vui sướng vì đạt được mục tiêu sẽ nhanh chóng biến mất theo sự so sánh tiếp theo.
Sức mạnh thay đổi của sự không hài lòng
Không hài lòng thực sự là một điều tốt vì nó cho bạn động lực để thay đổi, để vươn lên. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra một áp lực vô hình, khiến bạn mệt mỏi. Vì vậy, điều quan trọng là tránh sự không hài lòng về những thứ mà mình bạn không thể làm gì để thay đổi, ví dụ như so sánh chuyện tiền nong của mình với người khác.
Thay vào đó, hãy lập ra một danh sách những điều bạn đang có, những thứ mang đến cho bạn niềm vui mỗi ngày. Điều đó sẽ trả lại sự tập trung của bạn vào tất cả những thành công riêng, không bị ảnh hưởng bởi những thứ mà người khác đang có.
Nếu cứ mải ghen ghét, ganh đua với cuộc sống của người khác, bạn sẽ chẳng còn thời gian để quan tâm xem cuộc sống thực sự của mình đang đi về đâu. Đó cũng như một sự thừa nhận rằng, bạn không đánh giá cao cuộc sống của chính mình.
Một người hay ganh tỵ sẽ không thể nhìn ra được con đường tiến bộ riêng cho bản thân, bởi họ chỉ chăm chăm làm cách nào để đạt được những gì giống như người khác. Như vậy, họ sẽ chẳng thể biết được thế mạnh của mình và càng mơ hồ trước điểm yếu của đối phương. Khi không biết vị trí của mình, họ sẽ chẳng thể tìm được động lực để tiến lên phía trước.
Rồi ngay cả khi thành công, người đó cũng lại chỉ chú tâm xem người khác như thế nào thay vì dành thời gian để chúc mừng bản thân. Vòng luẩn quẩn lại tiếp tục, họ sẽ lãng phí cả cuộc đồi để theo đuổi cái bóng của người khác mà không bao giờ thấy thỏa mãn.
Khi ganh tỵ, chúng ta tưởng rằng mình đang chạy đua với người khác, thể hiện năng lực của bạn thân nhưng không phải. Cái chính là hãy làm tốt công việc của bạn, gìn giữ những gì thuộc về bạn. Mỗi người có một cuộc sống riêng, năng lực khác nhau, đằng sau mỗi người đều có những câu chuyện, những nỗi niềm và khó khăn, chỉ là ta có muốn lắng nghe không thôi.
Mỗi khi nhận thấy bản thân đang bắt đầu so sánh sự và tự hỏi: Tại sao ai cũng có vẻ giàu có và hạnh phúc hơn tôi? Bạn hãy nhớ rằng: Ai cũng có vấn đề của riêng họ, những khó khăn, vất vả là phần không thể thiếu trong cuộc sống của bất kỳ ai. Vì thế, hãy tập trung vào cuộc sống của bản thân, giải quyết vấn đề của mình. Trân trọng, yêu thương chính bản thân mình bạn sẽ nhận thấy cuộc sống nhẹ nhàng, bình thản hơn rất nhiều!
Fastcompany