MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao nông dân Củ Chi bỏ VietGAP?

05-06-2016 - 12:48 PM | Thị trường

Sau gần ba năm triển khai sản xuất rau củ quả VietGAP tại xã Phước Thạnh (H.Củ Chi, TP.HCM), nhiều người dân không còn “mặn mà” với quy trình này do đầu ra của các sản phẩm vẫn rất bấp bênh.

Cầm trên tay giấy tờ chứng nhận sản xuất đậu cô-ve đạt chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Văn Hiếu (ấp Bàu Điều Thượng, xã Phước Thạnh) cho biết trong tháng vừa qua gia đình ông đã thu hoạch khoảng 5 tấn đậu cô-ve.

Dù chi phí đầu tư cao, mất nhiều công chăm sóc nhưng giá bán của sản phẩm VietGAP vẫn tương đương các loại nông sản được trồng theo phương pháp thông thường.

“Trầy trật từ khâu trồng, phun thuốc theo tiêu chuẩn nhưng đến khi thu hoạch lại phải đi năn nỉ người ta mua, nên người dân ở đây nản lắm. Sản phẩm sản xuất VietGAP nhưng không ai đặt mua, giá cả lại bấp bênh, nên tôi cũng như nhiều người khác ở đây không thiết tha gì về mô hình này nữa” - ông Hiếu nói.

Tương tự, bà Lê Thị Hoãn (ấp Bàu Điều Thượng, xã Phước Thạnh) cho biết dù có 3ha đất nhưng năm nay gia đình bà chỉ canh tác 1ha đậu đũa, ước tính sản lượng hơn 8 tấn, nhưng rất khó tìm được nơi tiêu thụ và giá cả chẳng tương xứng với công sức bỏ ra.

“Ba đứa con tôi cũng không bám trụ được với mô hình này nên phải lên thành phố đi làm công nhân. Tôi không dám mở rộng diện tích trồng đậu đũa vì sợ cảnh giá xuống, người mua lại không có” - bà Hoãn cho biết.

Do khó tìm đầu ra, giá thành cao nhưng giá bán lại thấp, nhiều nông dân tại Củ Chi đã không còn sản xuất rau theo mô hình VietGAP mà chuyển sang trồng cỏ nuôi bò hoặc các loại cây khác.

Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, thừa nhận nông dân gặp khó về đầu ra do thị trường ít tiêu thụ đậu đũa.

“Chúng tôi sẽ hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng và sẽ mở kênh phân phối giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm” - bà Cúc cam kết.

Theo Công Trung

Tuổi trẻ

Trở lên trên