MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao “ông lớn” bán lẻ nước ngoài vẫn tìm đường vào Việt Nam?

15-06-2021 - 09:16 AM | Bất động sản

Vì sao “ông lớn” bán lẻ nước ngoài vẫn tìm đường vào Việt Nam?

Trong khi trong nước thị trường bán lẻ ế ẩm, trả mặt bằng, đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh thì nhiều “ông lớn” nước ngoài vẫn “nhòm ngó” tìm đường vào thị trường Việt Nam.

Lý giải về điều này, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, Việt Nam hiện có chỉ số kinh tế vĩ mô hứa hẹn như tăng trưởng GDP mạnh mẽ, tăng trưởng chi tiêu đi kèm với quá trình đô thị hóa nhanh. Nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh hấp dẫn, Việt Nam được xem như một điểm đến đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đà tăng trưởng GDP, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Số lượng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đồng thời gia tăng. Theo nghiên cứu của World Bank, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% tổng dân số và sẽ đạt 26% vào năm 2026. Tăng trưởng này sẽ tạo ra sự thay đổi lạc quan trong tổng chi tiêu tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, việc GDP bình quân đầu người gần chạm mức 3,000 USD cũng đồng thời cho thấy tiềm năng đáng kể cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý khác, các hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác sẽ hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bán lẻ.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ nhất tại khu vực, điều này đã thúc đẩy các công ty toàn cầu đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường thương mại điện tử trong nước. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD. Theo Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600USD/người/năm. Doanh số thương mại điện tử mô hình B2C tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo dự báo, 55% tổng dân số Hà Nội sẽ mua sắm trực tuyến trên các nên tảng thương mại điện tử, với tăng trưởng doanh thu đạt 20%/năm vào năm 2025.

Mặc dù vậy, theo vị chuyên gia này, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải những thử thách nhất định khi đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Tại Việt Nam, bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo. Theo thống kê của Nielsen, bán lẻ truyền thống, bao gồm các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống, vẫn chiếm 74% thị phần thị trường và tăng 1%/năm. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần, với mức tăng 12%/năm.

Ngoài ra, tuy thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nắm giữ thị trường chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa như Vingroup, Masan và MWG. Do không đủ khả năng cạnh tranh, một số nhà bán lẻ nước ngoài đã phải rời khỏi thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp nội địa đã nắm bắt thành công cơ hội M&A để tăng quy mô cũng như mở rộng thêm thị phần thị trường bán lẻ trong nước.

"Tuy vậy, Việt Nam vẫn giữ lợi thế về môi trường đầu tư như ổn định chính trị và chính sách quản lý vốn, tất cả đều tạo thêm sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Các nhà bán lẻ thường được xem là những doanh nghiệp mang lại sự tiện lợi và giá trị đồng tiền. Do đó, việc quản lý chặt chẽ nguồn lực và giữ vững tỷ suất lợi nhuận sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ gặt hái được nhiều thành công hơn tại thị trường Việt Nam", ông Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.

Ghi nhận cho thấy, trước bối cảnh dịch bệnh, bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, mặt bằng bán lẻ có tỷ lệ trống tăng ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm. Đáng chú ý, dịch Covid bùng phát và kéo dài khiến cho hầu hết khách thuê đều phải đóng cửa, trả mặt bằng; bên cho thuê thì chấp nhận giảm giá nhưng vẫn không giữ chân được khách thuê.

Bảo Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên