MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao PGĐ Sở Tư pháp Đà Nẵng xin nghỉ việc?

29-08-2016 - 08:55 AM | Xã hội

Nhiều cán bộ, viên chức Sở Tư pháp Đà Nẵng bất ngờ xin nghỉ việc ra làm công chứng.

Thậm chí, cả Phó giám đốc Sở cũng quyết định bỏ vị trí nhiều người mơ ước này để... mở phòng công chứng riêng.

Nhiều cán bộ, viên chức cũng xin nghỉ

Văn phòng công chứng Trần Văn Hùng được mở ngay trên đường Lê Duẩn, vị trí trung tâm của Đà Nẵng. Từ tháng 7/2016, văn phòng công chứng này khai trương thu hút dư luận bởi vị Trưởng phòng này chính là ông Trần Văn Hùng nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng vừa xin nghỉ việc.

Theo một cán bộ Sở Tư pháp Đà Nẵng, còn vài ba năm nữa, ông Hùng mới chính thức nghỉ hưu. Tuy nhiên, vị Phó giám đốc Sở này vẫn quyết định từ bỏ chức vụ nhiều người phấn đấu cả đời chưa chắc đã được để ra ngoài mở phòng công chứng . Tìm hiểu của PV, không chỉ riêng ông Hùng, mà từ năm 2013, nhiều cán bộ, viên chức thuộc Sở Tư pháp Đà Nẵng cũng xin nghỉ việc ra làm tại các phòng công chứng bên ngoài.

Thống kê của Sở Tư pháp Đà Nẵng cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có ba phòng công chứng trực thuộc Sở và hơn 10 phòng công chứng khác hoạt động tư nhân. Riêng những tháng đầu năm 2016, Đà Nẵng có thêm bốn phòng công chứng tư nhân mới được thành lập. Trong số này, phần lớn do cán bộ của Sở Tư pháp nghỉ việc đứng ra thành lập. Đơn cử như ông Nguyễn Khánh Lâm, Trưởng phòng Công chứng số 2 (Sở Tư pháp) thành lập Phòng công chứng sông Hàn; Ông Phạm Văn Khánh, Trưởng phòng Công chứng số 3 mở Phòng công chứng Phạm Văn Khánh…

Thu nhập từ phòng công chứng cao hơn

Theo một số nhân viên phòng công chứng, việc nghỉ việc này do thu nhập ở các phòng công chứng “tốt” hơn ở đơn vị hành chính Nhà nước; Khối lượng công việc và giờ giấc cũng đỡ áp lực hơn. Các phòng công chứng sẵn sàng “chiêu mộ” những cán bộ, viên chức Sở với mức lương cao gấp 3-5 lần so với lương Nhà nước.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cho rằng: Ngoài trường hợp của ông Hùng, những người xin nghỉ việc ở Sở đều là viên chức, chưa phải công chức. Việc cho anh em ra làm ngoài là để đáp ứng nhiệm vụ chính trị của ngành, xã hội hóa nghề công chứng tại các thành phố lớn, hoàn toàn không phải do tâm tư hay khúc mắc về chế độ lương, thưởng gì cả.

Được biết, chủ trương xã hội hóa công chứng này được Chính phủ phê quyệt từ bốn năm trước. Theo lộ trình, ba phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp Đà Nẵng cũng sẽ dần được chuyển đổi từ mô hình đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình doanh nghiệp tư nhân thực hiện dịch công. Theo bà Hoa, muốn thành lập Văn phòng công chứng phải có sự cho phép của UBND TP Đà Nẵng, đặt dưới sự quản lý của Sở Tư pháp và UBND các quận, huyện. Rõ nhất là chi phí công chứng tại các văn phòng này đều được áp theo quy định UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.

“Việc mở phòng công chứng dù là tư hay công lập, người đứng đầu phải là công chứng viên, trong đó có cán bộ thuộc ngành Tư pháp đứng tên thành lập. Sở dự phòng xu thế này, chủ động phương án đảm bảo nhân sự cho chủ trương chung, nên việc một số cán bộ, viên chức ra làm phòng công chứng không ảnh hưởng đến điều hành công việc chung của Sở. Mọi chuyện đều trong lộ trình đã vạch sẵn”, bà Hoa nói.

Với trường hợp ông Trần Văn Hùng, bà Hoa cho rằng “hợp tình, hợp lý” khi ra làm ngoài. UBND TP Đà Nẵng quy hoạch trong năm 2016 chỉ cho phép thành lập thêm năm phòng công chứng mới nên với đặc thù còn vài năm nữa là về hưu, ông Hùng xin nghỉ sớm để lấy “suất” mở phòng công chứng.

Theo Tấn Việt

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên