Vì sao phải mất tới 4 năm thăm dò, IKEA mới cân nhắc đầu tư 450 triệu Euro vào Việt Nam?
Kiên nhẫn không chỉ là một đức tính mà còn là một nguyên tắc xuyên suốt trong chiến lược mở rộng ra toàn cầu của tập đoàn này. Quan điểm này khác biệt với những nhà bán lẻ khác, mở trước và tìm hiểu sau.
- 17-01-2019IKEA sẽ đầu tư 450 triệu Euro vào Hà Nội, xây dựng hệ thống cung ứng hàng cho toàn thị trường Đông Nam Á
- 25-11-2018Tác động của chiến tranh thương mại đến tương lai ngành nhựa Việt: Thành nhà cung cấp cho Walmart, IKEA hay tràn ngập hàng nhựa Trung Quốc dán nhãn "made in Vietnam"?
- 22-11-2018Ikea triển khai mô hình cửa hàng nhỏ, sa thải 7.500 nhân viên
Mới đây tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương, chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế Thụy Điển - IKEA đang có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Hà Nội, với vốn đầu tư khoảng 450 triệu Euro.
IKEA (Ingvar Kamprad Elmtaryd Agunnaryd) ra đời năm 1943, là tập đoàn chuyên thiết kế đồ nội thất bán lắp ráp, thiết bị và phụ kiện nhà ở của Thụy Điển. Hãng này hiện cũng là tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, IKEA mới có mặt ở Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Xét trên phạm vi toàn cầu với sự xuất hiện tại 49 quốc gia, IKEA được xem là chuỗi bán lẻ khá thành công trong khi không hiếm tên tuổi lớn trong ngành này gặp khó khăn đặc biệt tại thị trường Trung Quốc và châu Á. Tại các thị trường này, 2 tập đoàn lớn tại Mỹ là Home Depot và Best Buy từng phải gục ngã.
Hay như 2 chuỗi lớn từ Châu Âu là Carrefour và Marks & Spencer cùng từng gặp nạn khi mở rộng ra toàn cầu. Hoặc trường hợp Walmart từng tạo nhiều cú hích lớn theo nhiều hướng từ Châu Âu, Châu Á, Nam Mỹ nhưng gặp khó tại Mexico và Trung Quốc.
Vậy IKEA đang làm gì mà các chuỗi bán lẻ lớn khác không làm?
Trước hết, đến từ một thị trường nội địa rất nhỏ ở Thụy Điển, các nhà quản lý của Ikea, đã sớm nhận ra rằng nếu muốn phát triển bắt buộc phải vươn ra ngoài biên giới. Hầu như ngay từ đầu, mở rộng quốc tế là một phần chiến lược của IKEA. Điều này đi ngược với quan điểm thông thường của các chuỗi khác sẽ tìm kiếm thị trường ngoại sau khi các quốc gia bản địa của họ đã bão hòa.
Kiên nhẫn không chỉ là một đức tính mà còn là một nguyên tắc xuyên suốt trong chiến lược mở rộng ra toàn cầu của tập đoàn này. Cửa hàng Ikea đầu tiên được mở tại Mỹ vào năm 1985, nhưng phải mất nhiều năm sau để cho ra đời cửa hàng thứ hai. Thậm chí ngày nay Ikea chỉ có khoảng 45 cửa hàng ở Mỹ.
Một ví dụ khác là Ikea hoãn việc mở cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ sau vài lần điều chỉnh để đảm bảo mọi thứ chắc chắn ngay khi bắt đầu. Quan điểm này khác biệt với những nhà bán lẻ khác, mở trước và tìm hiểm sau. Tại Việt Nam cũng tương tự, Ikea từng lên tiếng đặt mở cửa hàng từ năm 2015 và mất gần 4 năm để tìm hiểu và ra quyết định đầu tư.
Ikea được xem là nhà bán lẻ siêng năng trong việc giữ cân bằng môi trường kinh doanh chung và mô hình kinh doanh nhất quán của mình thông qua việc thích ứng với các cấp độ văn hóa địa phương. Ví dụ tại Trung Quốc, các cửa hàng Ikea cung cấp dịch vụ lắp ráp tại chỗ, khác biệt với truyền thống của Ikea nhưng hoàn toàn cần thiết ở một quốc gia không có thói quen tự làm. Ở Mỹ, nhà bán lẻ đã phát hiện ra khá sớm rằng nếu họ sẽ bán các sản phẩm như khăn trải giường thì khăn trải giường sẽ phải phù hợp với kích thước đặc trưng của quốc gia này.
Thiết kế sản phẩm của Ikea đến từ một quốc gia trung lập là điểm chú ý. Quá nhiều nhà bán lẻ đã cố gắng bán sản phẩm theo phong cách đặc trưng của quốc gia mình trong khi những sản phẩm này có thể hoàn toàn lạc lõng khi xâm nhập vào một thị trường mới. Thiết kế và thẩm mỹ đơn giản, phù hợp ở hầu hết mọi nơi, như minh chứng cho thấy phần lớn các sản phẩm của Ikea phù hợp xuyên biên giới quốc tế.
Ngay cả những cái tên kỳ quặc của cửa hàng cũng là một phần của chiến lược toàn cầu. Bằng cách chọn tên đôi khi khó hiểu và kỳ quặc cho thương hiệu nhưng lại viết tắt dễ nhớ (hiếm người ai biết cách phát âm từ Fyrkantig cũng như nó có nghĩa là hình vuông trong tiếng Thụy Điển), tập đoàn này vượt qua được những rủi ro trong việc chuyển dịch ngôn ngữ giữa các quốc gia trong nhiều năm qua.
Cuối cùng, Ikea có mô hình tìm nguồn cung ứng sản phẩm toàn cầu hợp lý. Bằng cách mua hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới - không chỉ các nghi phạm thông thường từ Trung Quốc và Ấn Độ - Ikea đã phát triển một hệ thống chi phí hiệu quả và kịp thời về thời gian để đưa sản phẩm của mình từ nhà máy đến cửa hàng, bất kể vị trí bán hàng đó ở đâu.
Thị trường bán lẻ nội thất tại Việt Nam vô cùng tiềm năng nhờ hỗ trợ quan trọng từ sự phát triển của thị trường bất động sản. Ikea sẽ thu hút được khách hàng Việt bằng thương hiệu nổi tiếng, với tâm lý sính đồ ngoại đẳng cấp Châu Âu và xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nội thất có nhiều yếu tố công năng và thẩm mỹ hiện đại.
Với khả năng thích nghi và học hỏi, Ikea sẽ nhanh chóng tìm ra được chỗ đứng tại Việt Nam nhanh hơn bất kỳ ai khác về việc bán lẻ, điều này đã được tạp chí Forbes khẳng định: Không có nhà bán lẻ nào đưa ra một chiến lược toàn cầu tốt hơn của Ikea. Đây sẽ là một đối thủ cực kỳ đáng ngại với các doanh nghiệp nội thất đang sản xuất và kinh doanh tại thị trường trong nước.
Chưa dừng lại ở đó, tham vọng của Ikea là thị trường toàn Châu Á. Việc đầu tư vào Việt Nam không chỉ đơn giản là mở chuỗi cửa hàng bán lẻ, mà còn hướng tới mô hình tổ hợp sản xuất, đưa Việt Nam tham gia và tiếp cận gần hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi Việt Nam đang là một trong 5 thị trường xuất khẩu nội thất lớn nhất thế giới, và đứng thứ 2 Châu Á. Từ Việt Nam, Ikea sẽ tạo lợi thế bàn đạp mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác.
Trí thức trẻ