MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao quan chức vẫn chưa phải là “công bộc của dân”?

11-05-2016 - 08:37 AM | Xã hội

TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng hệ thống khuyến khích để phục vụ dân, trở thành “công bộc của dân” chưa được thiết kế chuẩn nên rất nhiều người vẫn quan niệm mình là quan chức.

Thông điệp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 4, phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ kiện toàn là: Chúng ta phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phát triển, quản lý và làm những việc công bộc của dân, lo phục vụ dân. Từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các chuyên gia cho rằng để làm được điều này, chúng ta phải tiếp tục cải cách hành chính, trong đó cần quyết liệt hơn trong tinh giản biên chế.

Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về nội dung này.

PV: Thưa ông, trong cải cách hành chính, cụm từ “công bộc của dân” được nhắc đến nhiều với hàm ý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức phục vụ nhân dân. Nhưng trên thực tế quan niệm “quan chức” vẫn là phổ biến. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Đúng vậy, thực chất mình nói là công bộc nhưng những người công chức chỉ có quyền năng thôi còn người dân không có tiếng nói gì ở trong quá trình đề bạt, kỷ luật, còn như mô hình bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND thì người dân có quyền quyết định.

Trong công chức thì chỉ có lãnh đạo cấp trên đề bạt thôi. Thành thử hệ thống khuyến khích để phục vụ dân, trở thành công bộc của dân chưa được thiết kế chuẩn nên rất nhiều người vẫn quan niệm mình là quan chức.

PV: Nói riêng về tinh giản biên chế, hơn 10 năm nay, chúng ta thực hiện tinh giản biên chế nhưng cũng bằng ấy thời gian chúng ta đối diện với một nghịch lý càng giảm càng tăng. Có vẻ như các giải pháp tinh giản biên chế mà chúng ta đang thực hiện chưa đúng hướng, thưa ông?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Đúng vậy. Chúng ta có đề ra và có cố gắng nhưng động lực vẫn là để có thêm biên chế chứ không phải cấp thêm biên chế. Bởi vì nếu chúng ta không thay đổi căn bản, ví dụ, trước hết mọi thiết chế thành lập ra để giải quyết một vấn đề gì đó của xã hội nhưng chúng ta quên là mọi thiết chế được thành lập thì nó vì nó trước tiên. Xu hướng bành trướng là xu hướng tự nhiên của tất cả các thiết chế được thành lập. Anh không có một hệ thống để khống chế cái đó thì rất khó.

Bây giờ, nhận người này vào biên chế, ký hợp đồng cho người kia đều có lợi ích cả. Do vậy, càng khuyến khích có thêm nhiều biên chế, chưa kể quan hệ anh em, họ hàng, bạn bè… Rõ ràng xu thế, lợi ích, động lực phình ra. Chúng ta khoán chi cho thật triệt để hay đưa tác động của kinh tế, của thị trường bởi con người ta trong hành vi kinh tế thì tối đa hóa lợi nhuận, còn trong hành vi tiêu dùng thì tối đa hóa tiện ích. Nếu chúng ta để hành vi tiêu dùng áp đảo thì càng nhiều tiện ích thôi.

Tôi nghĩ áp dụng cơ chế thị trường, áp dụng khoán chi, đó là những cái khuyến khích để tạo ra giảm biên chế.

PV: Với thực tế bộ máy Nhà nước càng giảm càng phình to, ông có cho rằng những người làm công tác cán bộ mới chỉ hô hào thể hiện quyết tâm chính trị mà chưa có hành động thực chất, đồng bộ của cả hệ thống?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi nghĩ cũng có cái đó, nhưng mà, mình khái quát nói cho toàn bộ hệ thống, toàn bộ các khâu thì cũng không công bằng. Bởi có những nơi như Quảng Ninh, Hà Nội…đã bắt đầu có những bước cắt giảm quyết liệt.

Tôi phấn khởi hơn khi người ta tìm cách nhất thể hóa, chúng ta đi từ mô hình Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội nhiều khi làm một việc giông giống nhau, chồng chéo chức năng. Một việc mà 3 người cùng làm thì mất 3 suất biên chế rất tốn kém.

Nhưng hệ lụy lớn hơn như vậy bởi 3 người cùng làm thì không rõ ai chịu trách nhiệm. Chế độ trách nhiệm không xác lập được thì nền quản trị quốc gia chất lượng sẽ rất thấp.

PV: UBND thành phố Hà Nội thu gọn 12 phòng ban xuống còn 7, cắt giảm 27 phó phòng bị thừa, hay như Quảng Ninh đang thực hiện đề án nhất thể hóa một số chức danh Đảng và chức danh chính quyền, một số phòng ban. Theo ông, hiện tượng này có cần được quan tâm, xem xét để nhân rộng?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Rất cần thiết. Nếu chúng ta làm được điều này sẽ là một bước cải cách hết sức quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của cải cách hệ thống quản trị quốc gia. Theo tôi, Quảng Ninh đang đi theo hướng là dẫn dắt những bước cải cách tiếp theo rất quan trọng của đất nước. Bởi vì có thể có chồng chéo giữa bên Đảng và bên chính quyền rất nhiều.

Ví dụ Ban Tổ chức tỉnh ủy và Sở Nội vụ có những chồng chéo. Những chức danh chính trị do bên tổ chức Đảng, còn chức danh hành chính thì để bên chính quyền lo thì sẽ không trùng lặp. Đấy chỉ là một ví dụ thôi, còn bao nhiêu cái trùng lặp nữa thì phải tính để cắt giảm biên chế, nhưng quan trọng hơn là quy được trách nhiệm và hệ thống mới ban hành chuẩn được.

Còn như của Hà Nội, tôi cũng thấy cần thiết ở chỗ với số lượng công việc như vậy, cung cấp dịch vụ thì cần bao nhiêu người. Phải kê số liệu cụ thể mỗi ngày bao nhiêu người dân đến, cần bao nhiêu người phục vụ với thời hạn bao lâu, nếu quá số ấy thì phải cắt giảm. Nó là vẫn đề rất kỹ thuật.

PV: Mong muốn của người dân, doanh nghiệp là chúng ta có một bộ máy tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, những cán bộ, công chức làm việc với cái tâm phục vụ nhân dân. Liệu điều đó có đạt được nếu chúng ta chỉ tinh giản biên chế theo kiểu cắt giảm số lượng một cách cơ học, thưa ông?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi nghĩ là khó đạt được. Chúng ta chỉ đạt được việc bộ máy ít hơn và dân phải bỏ tiền nuôi bộ máy ít hơn. Nhưng để bộ máy phụng sự tốt hơn thì cắt một cách cơ học như vậy sẽ rất khó.

Điều đầu tiên cắt như thế nào chúng ta phải trả lời được câu hỏi này. Nhà nước phải làm gì, cái gì thì dân làm và xã hội làm, cái gì không có Nhà nước thì không làm được? Chúng ta trả lời câu hỏi đó để thiết kế bộ máy Nhà nước.

Tôi vẫn cho rằng mô hình Nhà nước nhỏ, Xã hội lớn là mô hình tốt hơn. Chỉ có dịch vụ Nhà nước mới làm được thì hãy nên để Nhà nước làm. Bất cứ cái gì người dân, doanh nghiệp làm được thì Nhà nước không nên làm.

Nhà nước phải đảm bảo sự công bằng để người dân yếu thế, thấp cổ bé họng trong xã hội cũng được dự phần trong sự thịnh vượng chung này. Còn làm thế nào cho hiệu quả thì phải cần những người rất chuyên nghiệp, có chuyên môn. Nếu nói chung chung theo nghị quyết thì không làm được đâu. Thậm chí, kể cả người làm chính trị cũng phải chuyên nghiệp.

Anh làm chính trị thì phải thấy được thời đại, thấy được lòng dân, phải thôi thúc toàn bộ hệ thống đạt mục tiêu mà thời đại và người dân mong muốn. Chuyên nghiệp thì lúc ấy chúng ta có bộ máy Nhà nước nhỏ nhưng hiệu quả cao.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Ngọc Chi - Công Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên