MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao quốc gia châu Mỹ dừng mua "đặc sản" 6 triệu USD của Việt Nam?

22-02-2024 - 07:22 AM | Thị trường

Quốc gia Mỹ Latinh thông báo dừng nhập khẩu loại sản phẩm này của nước ta từ giữa tháng 2/2024.

Hồi giữa tháng 2 này, hãng Reuters phát tin Bộ Nông nghiệp Brazil đã ra lệnh đình chỉ ngay lập tức nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam để chờ xem xét các quy định y tế hiện hành.

Khi đó, cơ quan này trích dẫn những lo ngại cụ thể liên quan đến “sự xâm nhập của virus TiLV”; “có thể gây hại cho ngành công nghiệp quốc gia”, Reuters dẫn nguồn.

Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp với Bộ Nuôi trồng và Thủy sản Brazil và đại diện ngành công nghiệp địa phương.

Chính phủ Brazil cho biết lệnh cấm nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam có hiệu lực cho đến khi quá trình xem xét quy trình y tế hoàn tất.

Việt Nam là quốc gia duy nhất cung cấp cá rô phi cho Brazil từ năm 2023, Bộ Nông nghiệp nói với Reuters trong một tuyên bố riêng.

Bộ cho biết Brazil đã nhập khẩu 25 tấn cá rô phi từ Việt Nam, trị giá thương mại là 118.000 USD.

Theo dữ liệu gần đây nhất từ Peixe BR, một nhóm thương mại đại diện cho nghề cá địa phương, Brazil đã sản xuất 860.355 tấn cá vào năm 2022, 64% trong số đó là cá rô phi.

Peixe BR cho biết sản lượng cá rô phi của Brazil tương đối nhỏ so với các nước khác như Trung Quốc, nơi có khoảng 1/3 nguồn cung toàn cầu, nhưng đang tăng lên.

Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), vào năm 2022, nguồn cung cá rô phi toàn cầu là 6,5 triệu tấn.

Theo trang web của Peixe BR, Brazil đã xuất khẩu các sản phẩm cá trị giá 24 triệu USD vào năm 2022, trong đó cá rô phi chiếm 98% kim ngạch thương mại. 

Trang này cũng cho thấy Mỹ là khách hàng chính của Brazil. Tuy nhiên, một đợt bùng phát dịch bệnh không xác định đã làm giảm xuất khẩu của Brazil trong những tháng sau đó, theo báo cáo từ FAO về doanh số bán hàng trong nửa đầu năm 2023, khi xuất khẩu cá rô phi của Brazil giảm 32% về lượng, xuống còn 3.319 tấn

Theo chuyên trang thông tin nông nghiệp Notícias Agrícolas (Brazil), việc nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái đã gây ra những vấn đề phát triển trong chuỗi nuôi trồng thủy sản Brazil.

Theo tờ này, một trong những lý do là cá từ châu Á đã cập bến Brazil với mức giá thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất trong nước.

Hiệp hội Công nghiệp Cá Brazil (Abipesca) đã nộp hồ sơ lên Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ (MDIC) ngày 17/1, chất vấn việc nhập khẩu 25 tấn cá rô phi đông lạnh từ Việt Nam.

Trong thư gửi Bộ trưởng MDIC Geraldo Alckmin, đơn vị này yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá để bảo vệ ngành thủy sản quốc gia khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ cá đến từ châu Á.

Vì sao quốc gia châu Mỹ dừng mua

Cá rô phi Việt Nam được ưa chuộng tại Mỹ, EU.

Năm 2023: Cá rô phi Việt Nam xuất khẩu đạt 6 triệu USD

Đến 20/2, theo TTXVN, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - NAFIQPM (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản thông báo về việc Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam.

Theo đó, Cục này đã nhận được công thư số 65/2024/SDA/MAPA ngày 14/2/2024 của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) về việc dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.

Vì vậy, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản trong danh sách xuất khẩu sang Brazil dừng xuất khẩu cá rô phi (Tilapia) sang thị trường Brazil theo yêu cầu của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) kể từ ngày 14/2/2024.

Đồng thời, các cơ sở chế biến thủy sản trong Danh sách xuất khẩu sang Brazil cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường Brazil.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2023 đạt hơn 6 triệu USD sang các thị trường, giảm 42% so với năm 2022.

Năm 2023, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi từ Việt Nam với 2 triệu USD, giảm 34% so với năm 2022.

Trong số đó, Hà Lan là thị trường của gần 1 nửa tổng lượng cá rô phi Việt Nam xuất sang thị trường EU. Năm 2023, lũy kế xuất khẩu cá tra sang Hà Lan đạt hơn 1 triệu USD, tăng 10% so với năm 2022. Đứng sau EU, Mỹ tiêu thụ gần 1 triệu USD trong năm 2023, giảm 71% so với năm 2022.

Cá rô phi đông lạnh là sản phẩm được ưa thích của người tiêu dùng tại Mỹ. Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi lớn nhất thế giới và cũng là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ.

Cá rô phi Việt Nam tại Mỹ khó cạnh tranh với cá rô phi Trung Quốc, vì giá trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều dù đang có xu hướng giảm.

Theo Dy Khoa

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên