MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao sinh viên ra trường cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp xếp loại khá - giỏi vẫn khó tìm được việc làm?

06-02-2024 - 10:50 AM | Sống

Có nhiều lý do khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm, thậm chí dẫn đến tình trạng thất nghiệp kéo dài. Để biết được vì sao các bạn sinh viên mới ra trường lại rơi vào tình trạng này, chúng ta hãy tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.

Vì sao sinh viên mới ra trường khó tìm việc làm?

Phân tích về tình trạng sinh viên khó xin việc hiện nay, VTC News dẫn lời PSG.TS Ngô Văn Giá, nguyên trưởng khoa Báo chí, trường Đại học Văn hoá Hà Nội chia sẻ, nhiều lý do khiến sinh viên ra trường loay hoay tìm việc. Trong đó ba nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới khả năng xin việc của sinh viên.

Thứ nhất, các em còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc. Điều này, các em nên tự rèn luyện và học hỏi trong quá trình học tập tại trường đại học.

Thứ hai, các sinh viên thường có tâm lý rụt rè, ngại tiếp xúc với các thầy cô. Các thầy cô sẽ tạo điều kiện, hướng dẫn các em tới các cơ sở làm việc, liên hệ giúp các em để có thể xin làm những công việc bán thời gian. Đây chính là nền tảng để các em có cơ hội cao hơn sau này.

Vì sao sinh viên ra trường cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp xếp loại khá - giỏi vẫn khó tìm được việc làm?- Ảnh 1.

Ngoài ra, theo góc nhìn của ông, các trường đại học và doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu việc làm của sinh viên. Với trường đại học cần mở rộng việc hợp tác với doanh nghiệp. Sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể được ưu tiên, tham gia hỗ trợ làm việc cùng các doanh nghiệp.

Sinh viên cần chuẩn bị gì trước khi ra trường

Hiện doanh nghiệp rất cần những sinh viên có khả năng giao tiếp và xử lý công việc hiệu quả. Khi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng thường đặt ra nhiều câu hỏi tình huống để đánh giá được tố chất của mỗi ứng viên. Ngoài lý thuyết trên lớp, sinh viên hãy mạnh dạn tham gia hoạt động ngoại khóa, bởi nó sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên xin việc sau này.

Đồng thời, bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi. Việc sợ sai, ngại hỏi… sẽ là rào cản lớn để phát triển kỹ năng và công việc sau này. Những ứng viên có thái độ tích cực sẽ chiếm được thiện cảm lớn từ nhà tuyển dụng.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển. Vì thế, để ứng tuyển vào các doanh nghiệp trong hay ngoài nước, đòi hỏi sinh viên mới ra trường cần có khả năng ngoại ngữ tốt. Khi thông thạo ngoại ngữ, bạn sẽ tự tin hơn khi thể hiện khả năng của bản thân trước mắt nhà tuyển dụng.

Từ đó, sinh viên cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các kỹ năng mà nhà tuyển dụng kỳ vọng để có vị trí việc làm phù hợp trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.

Xem thêm: Vụ nữ sinh lớp 6 bị đánh chảy máu mặt: Hình thức kỷ luật với "đàn chị"

5 kỹ năng mà sinh viên cần trang bị trước khi tìm kiếm việc làm

Khả năng ngoại ngữ và tin học

Trong thời buổi hiện nay, việc biết ngoại ngữ gần như là một điều tối thiểu đối với mọi sinh viên. Điều này chắc hẳn sinh viên ra trường khi tìm kiếm việc làm 1-2 năm là hiểu rõ nhất. Không biết ngoại ngữ thật sự rất thiệt thòi. Cùng một công việc, cùng một vị trí nhưng giữa một ứng viên có ngoại ngữ, chứng chỉ ielts chắc chắn sẽ chiến thắng trong vòng tuyển dụng nếu so sánh với ứng viên không biết ngoại ngữ, nếu không thì mức lương cũng chênh lệch vô cùng lớn.

Tương tự với ngoại ngữ, đừng hi vọng con đường tìm kiếm việc làm tốt lương cao dễ dàng nếu như đến những kỹ năng tin học văn phòng cơ bản như word hay excel bạn còn chưa nắm chắc. Mình có một anh bạn làm tuyển dụng cho một công ty về nội thất tại Hà Nội. Anh ấy chia sẻ rằng, qua quá trình tuyển dụng rất nhiều sinh viên ra trường tại Hà Nội, không ít trường hợp anh gặp phải những bạn sinh viên tốt nghiệp đại học bằng khá, bằng giỏi nhưng khi làm việc thì đến gửi email cũng không biết làm sao cho đúng!

Tóm lại, học đại học chuyên ngành nào đi chăng nữa thì hãy trang bị ít nhất là những kỹ năng tin học văn phòng cơ bản và biết một ngoại ngữ. Nó không phải là tấm vé giúp bạn kiếm được việc làm ngay lập tức nhưng nếu không có nó bạn sẽ chật vật rất nhiều.

Kỹ năng làm việc nhóm

Kỹ năng làm việc nhóm là một kỹ năng vô cùng cần thiết nếu bạn muốn được làm việc trong một môi trường tốt. Không phải tự nhiên khi mà ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, rất nhiều môn học yêu cầu sinh viên làm việc nhóm cho các bài tập lớn. Rèn luyện được kỹ năng này, bạn sẽ phát huy được những khả năng tiềm ẩn bên trong mình để khi bắt đầu tìm kiếm việc làm, nhà tuyển dụng sẽ thấy được giá trị của bạn khi đưa bạn về công ty.

Khả năng tư duy, làm việc độc lập

Ngoài khả năng làm việc nhóm, khả năng tự tư duy, làm việc một cách độc lập cũng là một yếu tố cần thiết đối với sinh viên mới ra trường. Những công ty, doanh nghiệp nước ngoài có quy mô vừa và lớn sẽ yêu cầu nhân viên phải có tư duy tự chủ, khả năng độc lập giải quyết vấn đề. Trong một bộ máy vô cùng lớn như vậy thì bất cứ nhân viên nào cũng là một mắt xích quan trọng, đòi hỏi mắt xích đó phải có khả năng hoạt động tốt, không ảnh hưởng tới các mắt xích khác thì bộ máy mới vận hành trơn tru.

Kỹ năng quản lý thời gian

Đây là kỹ năng mà hầu hết sinh viên mới ra trường đều thiếu. Các bạn gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối thời gian làm việc. Khi công việc tăng lên thì ngay lập tức các bạn bị quá tải, năng suất bị suy giảm. Kỹ năng này hoàn toàn có thể luyện tập được trong quá trình học đại học. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tìm một công việc làm bán thời gian và cố gắng hết sức để phân bổ thời gian sao cho vừa có thể kiếm thêm thu nhập, vừa không ảnh hưởng đến việc học.

Kỹ năng giao tiếp và đàm phán

Kỹ năng cuối cùng nhưng cũng vô cùng quan trọng đối với các bạn sinh viên khi tìm kiếm việc làm. Có một kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp bạn gây được thiện cảm với người khác, tạo được mối quan hệ tốt với mọi người. Kỹ năng làm việc quan trọng nhưng kỹ năng giao tiếp cũng không được coi nhẹ. Ngoài ra, bạn cũng nên rèn luyện kỹ năng đàm phán vì đây là kĩ năng cần thiết để bạn có thể làm việc với khách hàng, đối tác.

Theo Thùy Dung

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên