Vì sao sự tự mãn là kẻ thù của mọi nhà đầu tư chứng khoán?
Giây phút một nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy thoải mái cũng chính là lúc họ nên bắt đầu đặt câu hỏi về mọi thứ.
Lý do là sự thoải mái quá mức có thể khiến bạn mất cảnh giác và không để ý đến áp lực từ thị trường.
Đó là mấu chốt trong lập luận mới nhất về một đợt giảm giá của John Hussman, cựu giáo sư kinh tế hiện là chủ tịch của Quỹ đầu tư Hussman. Sau khi nổi tiếng với việc liên tục dự đoán về một đợt suy giảm hơn 60% trên thị trường chứng khoán và một thập kỷ mà lợi nhuận từ chứng khoán sẽ là số âm, Hussman nói rằng hầu hết các nhà đầu tư đều rất vui vẻ và phớt lờ những khó khăn đang gia tăng.
"Sụp đổ thị trường gần như luôn luôn được sinh ra từ sự tự tin và hưng phấn", Hussman viết trên blog gần đây.
Theo Hussman, những nhà đầu tư chứng khoán khi cảm thấy quá thoải mái với điều kiện thị trường thì dễ phạm sai lầm đắt giá, mua vào những cổ phiếu ở mức giá cao. Tương tự là những nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu khi niềm tin của họ đã cạn kiệt và phải chịu một khoản lỗ.
Hussman cho rằng nhà đầu tư nên hành động ngược lại trong cả 2 trường hợp. Ông khuyên một nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu khi thị trường không thuận lợi và bán chúng khi thị trường thuận lợi.
Hussman nói mức độ sơ suất của nhà đầu tư đã cao chưa từng có, tức là đà suy giảm sắp tới có thể là tệ nhất lịch sử. "Giai đoạn phấn khích này đã kéo dài đến mức độ có thể dẫn tới một đợt giảm giá tồi tệ hơn nhiều so với hầu hết các chu kỳ thị trường trước đó. Nếu nhà đầu tư cứ duy trì sự thoải mái như vậy thì họ sẽ phải trả giá đắt".
Hussman trước đây thường đề cập đến vấn đề định giá nhưng lần này, ông chọn tập trung vào yếu tố tâm lý. Ông cho rằng nguyên nhân chủ yếu là giới đầu tư hay nhìn về quá khứ, điều này làm họ mất tập trung vào những thảm họa sắp xảy ra.
Lợi nhuận thấp hơn, sự lo lắng của các nhà đầu tư gia tăng, lãi suất tăng - khiến cổ phiếu kém hấp dẫn hơn. Đó là những yếu tố cần thiết cho một thảm họa, theo Hussman.