Vì sao Tào Tháo đến khi chết vẫn không dám xứng đế? Tất cả nằm ở 3 bí mật sau
Theo lời của Tào Tháo thì: "Nếu thiên mệnh chỉ trúng tôi, vậy thì tôi sẽ làm Cơ Xương Chu văn Vương!"
- 11-05-2019Muốn con cái giỏi giang, trở thành bậc kỳ tài, hãy học hỏi những kinh nghiệm dạy con sau đây của Tào Tháo
- 02-04-20193 câu nói để đời Tư Mã Ý truyền lại cho con cháu, nếu làm được thì đa nghi như Tào Tháo cũng không thể cản bạn thành công
- 30-03-2019Vượt mặt Tào Tháo, Lưu Bị, đây là nhân vật trong Tam quốc có ảnh hưởng lớn nhất tới hậu thế
Tào Tháo là một nhân vật gây tranh cãi trong lịch sử Trung Quốc, xuất thân tầm thường nhưng lại là một người có chí hướng, có tham vọng, cùng với sự khôn ngoan của mình, ông đã vùng lên trong loạn Đổng trác những năm cuối thời Đông Hán.
Sau khi Đổng Trác mất, Tào Tháo tiếp nhận ý kiến của Tuân Úc và Trình Dục, đón Hán Hiến Đế đến Hứa Xương vào năm đầu Kiến An (năm 196 sau Công nguyên) và bắt đầu giai đoạn lịch sử "mượn danh nghĩa thiên tử thống lĩnh chư hầu", biến vị hoàng đế 15 tuổi thành con rối của mình, biến sứ mệnh của mình trở nên danh chính ngôn thuận.
Dựa vào con át chủ bài là hoàng đế này, Tào Tháo chiếm một lợi thế tuyệt đối trong chính trị, từ đó, diệt Viên Thiệu, bình Lữ Bố, dần dần thống nhất lưu vực sông Hoàng Hà, khôi phục lại chức thừa tướng, phong Ngụy Vương, và tạo nên bá nghiệp, đặt nền móng cho cục diện chân vạc Tam Quốc.
Có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về Tào Tháo, "Tam Quốc diễn nghĩa" miêu tả ông là một điển hình của một người gian xảo, đa nghi và độc ác, hơn nữa ảnh hưởng lại rất sâu rộng. Ngược lại, Hứa Thiệu, người cùng thời đại với ông lại đưa ra một nhận xét khách quan hơn "Trị thế chi năng thần, loạn thế chi gian hùng" (là một người tài giỏi về chính trị và là một gian hùng thời loạn). Cuộc sống của Tào Tháo có thể được mô tả là bận rộn chuyện quân, sống giữa thế loạn, trải qua không biết bao trận chiến, đối mặt với không biết bao sự chết chóc và cuối cùng đạt đến được đỉnh cao quyền lực. Tuy nhiên, có một vấn đề luôn "làm khổ" cả một thế hệ, đó là: Tào Tháo vào thời điểm đó có thể nói là chỉ cách ngai vàng một bước, ông có thể dễ dàng phế bỏ hoàng đế và lên thay thế, nhưng tại sao trong suốt 25 năm, cũng chính là từ năm 196 sau Công nguyên khi ông "mượn danh thiên tử" cho tới khi qua đời vào năm 220 sau Công nguyên, Tào Tháo lại không đi bước này?
Thiết nghĩ có 3 lý do cho việc này.
Tào Tháo trên màn ảnh rộng.
Đầu tiên, Tào Tháo không muốn mang cái danh "loạn thần tặc tử"
Vào cuối triều đại Đông Hán, nhà Hán suy bại, thiên hạ hỗn loạn. Tuy nhiên, triều cương luân thường lại vẫn tồn tại về mặt hình thức, các giá trị "trung, hiếu, nhân, nghĩa" trong văn hóa Nho giáo vẫn là giá trị tiêu chuẩn thời bấy giờ. Hà Tiến, Đổng Trác sau khi thao túng triều chính cũng không dám tùy tiện xưng đế, Tào Tháo cũng không phải ngoại lệ.
Trong quá trình đấu tranh với thế lực bên ngoài, ông luôn mượn danh nghĩa của triều đình, lấy danh nghĩa của hoàng đế để thực thi công lý, đưa bản thân đứng về phía của chính nghĩa, giành được sự tín nhiệm về mặt đạo đức. Tào Tháo sở dĩ có thể bình định được Đổng Trác hay phản loạn Lã Bố cũng chính nhờ vào quân át chủ bài triều đình, nếu phế bỏ Hán Hiến Đế, vậy thì ông có khác gì so với Đổng Trác hay Lã Bố? Trí tuệ của Tào Tháo vượt xa Đổng Trác và Lã Bố, tất nhiên sẽ chẳng dại gì mà tự mình biến mình thành tội nhân thiên cổ cả.
Mặc dù Tào Tháo không ngừng tuyên truyền rằng mình "phụng mệnh thiên tử", nhưng quyền lực của thiên tử lại bị ông khống chế, điều này là chuyện mà đến người đi đường cũng biết. Tôn Quyền và Lưu Bị từng mắng ông là "Thân là Hán tướng, thực tế là Hán tặc", nhưng Tào Tháo không sợ kiểu mắng này, vì lúc đó thiên hạ đang bị chia rẽ, quần hùng mắng mỏ, tấn công lẫn nhau là chuyện bình thường, Tào Tháo ngược lại cũng giống như vậy, cũng chỉ trích bọn họ là loạn thần tặc tử. Cái mà Tào tháo sợ đó là để lại điều tiếng trong lịch sử, đây mới là thứ được lưu truyền ngàn đời. Do đó, Tào Tháo luôn duy trì thân phận thừa tướng mà không dám tùy ý xứng đế.
Tào Tháo trong "Thuật chí lệnh" có nói rõ: "Tề Hoàn, Tấn Văn hầu sở dĩ thùy xưng chí kim nhật giả, dĩ kì binh thế quảng đại, do năng phụng sự Chu thất dã." Ý muốn nói, Tề Hoàn công và Tấn Văn hầu thân là bá chủ trong "Xuân Thu ngũ bá", sau khi xứng bá vẫn có thể lưu danh ngàn đời đó là bởi họ vẫn luôn tôn phụng nhà Chu. Hàm ý là nếu một trong hai người đó thay thế nhà Chu, thì đã không có kết quả như ngày hôm nay.
Tào Tháo cũng đang muốn nhân cơ hội này để làm rõ một điều rằng dù thế lực của ông đang rất to lớn, nhưng quyết không một dạ hai lòng, Tào Tháo không muốn làm "gian hùng" cướp Hán mà muốn là một "năng thần" luôn một lòng trung thành với vị vua trẻ. Tất cả điều này đều nói lên rằng Tào Tháo chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nho giáo, không muốn trở thành tội nhân thiên cổ mà muốn làm một thánh nhân được lưu danh muôn đời.
Ảnh minh họa
Thứ hai, căn cứ vào tình hình lúc đó, Tào Tháo không có điều kiện để xưng đế
Mặc dù Tào Tháo đã giành được quyền kiểm soát tuyệt đối triều đình nhà Hán, nhưng quyền lực của ông vẫn chỉ giới hạn ở miền bắc Trung Quốc. Tôn Quyền và Lưu Bị vẫn ở phía đông nam và tây nam, quốc gia vẫn chưa thống nhất, thiên hạ vẫn chưa hòa bình.
Nếu Tào Tháo dám đánh liều xưng đế, ông sẽ trở thành mục tiêu công kích, giúp Lưu Bị và Tôn Quyền nắm được đằng đuôi, lấy cớ lãnh đạo anh hùng đi thảo phạt ông, như vậy thì lợi thế chính trị "mượn danh thiên tử thống lĩnh chư hầu" của ông sẽ chấm dứt, sẽ phải mắc kẹt giữa chính trị và đạo đức, thậm chí có thể gây ra một vòng hỗn chiến mới.
Mặc dù Tào Tháo lúc bấy giờ có trong tay tướng tài binh giỏi, nhưng nếu mang thân phận là loạn thần tặc tử đi đấu lại với anh hùng hào kiệt, vậy thì phần thắng cũng chưa chắc đã nắm trong tay, nói không chừng còn khiến lợi thế hiện tại thành bất lợi, điều này hiển nhiên chẳng có lợi gì cho Tào Tháo, vì vậy, Tào Tháo vô cùng cẩn trọng với việc xưng đế này.
Nhiều thần tử của Tào Tháo cũng đã từng thuyết phục ông xưng đế. Tôn Quyền cũng từng thuyết phục Tào Tháo phế Hán lập Ngụy, nhưng thái độ của Tào Tháo hoàn toàn ngược lại. Theo "Tam quốc chí", vào năm Kiến An thứu 24 (năm 219 sau Công nguyên), Tôn Quyền đã viết thư cho Tào Tháo, bày tỏ sẵn sàng cúi đầu phong Tào làm đế. Tào Tháo ngay lập tức nhìn ra được mánh khóe của Tôn Quyền, cười nói: "Tôn Quyền là đang muốn đưa ta lên bếp lửa nướng đây ư! "Điều đó có nghĩa là, một khi xưng đế, nhất định sẽ giống như rơi vào chảo lửa, Tào Tháo cũng đâu phải người tầm thường. Tào Tháo hiểu rất rõ: Chỉ cần bám chặt vào cái cây đại thụ Hán Hiến Đế thì chẳng ai có thể làm gì được ông, chẳng ai có thể động vào ông được, còn nếu không thì sẽ là tự rước họa vào thân. Như một minh chứng, Tào Tháo được phong làm Ngụy Công, Ngụy Vương, phe đối lập nội bộ và những kẻ địch bên ngoài phản đối ông đều không có kết thúc tốt đẹp.
Thứ ba, Tào Tháo theo chủ nghĩa thực dụng, không coi trọng hư danh
Tào Tháo là một người đầy chí hướng và tham vọng. Khi còn trẻ, ông dự định sẽ kiến công lập nghiệp, muốn đạt được những thành tựu to lớn, tiếc rằng lại sinh ra trong thời loạn, chính trị mục nát, tài hoa không được phát huy, vì vậy phải dấn thân vào con đường tranh đấu. Mục tiêu của Tào Tháo rất rõ ràng, đó là thống nhất thiên hạ, an bang định quốc, những thứ khác đều chỉ là phương tiện. Chọn "mượn danh thiên tử thống lĩnh chư hầu" là phương tiện rất thông minh của Tào Tháo, giúp ông có một lợi thế lớn trong cuộc hỗn chiến này.
Chủ nghĩa thực dụng của Tào Tháo cũng được thể hiện trong việc dùng người. Nguyên tắc dùng người của ông là không hỏi lai lịch, xuất thân, chỉ cần có tài là sẽ được dùng, Những người như Tuân Du cũng là vì vậy mà được chiêu mộ về dưới trướng của Tào, giúp ông thực hiện nghiệp bá vương.
Phong cách thực dụng, không màng hư danh này đã được phản ánh rất rõ qua câu hỏi liệu có nên xưng đế hay không. Sau khi bình định được phía Bắc, Tào Tháo từng bước từng bước đoạt quyền lực của Hán Hiến Đế, cho đến khi Hán Hiến Đế thực sự trở thành con rối và trở thành công cụ cho những mệnh lệnh của mình.
Vào năm Kiến An thứ 28 (năm 213 sau Công nguyên), Tào Tháo với cái giá phải trả là cái chết của Tuân Úc đã được phong chức Ngụy Công và cửu tịch (9 tặng phẩm cao quý nhất mà hoàng đế ban cho thần từ), đồng thời hợp nhất toàn quốc thành cửu châu, khu vực Ký Châu lớn nhất do ông cai quản, Ngụy Quận cũng trở thành Quận lớn nhất. Vào năm Kiến An thứ 22(năm 217 sau Công nguyên), Tào Tháo buộc hán Hiến Đế hạ lệnh cho làm cờ quạt mà chỉ có thiên tử mới có thể dùng, đầu đội một chiếc mũ có mười hai chuỗi ngọc, ngồi chiếc xe dát vàng với 6 con ngựa kéo.
Tại thời điểm này, Tào Tháo không chỉ nắm quyền kiểm soát tất cả quyền lực của triều đình, mà còn sở hữu trang phục mà chỉ có hoàng đế mới được mặc. Lúc này, Trần Quần, Hoàn Giai, Hạ Hầu Đôn và những người khác đều thuyết phục Tào Tháo xưng hoàng đế, tuy nhiên, Tào Tháo không lay động, quyết không làm hoàng đế.
Thực ra, Tào Tháo lúc đó có xưng đế hay không, đây chỉ là vấn đề của tên gọi. Lệnh của hoàng đế là Tào Tháo ra, việc bổ nhiệm quan chức được ông chỉ thị, chính sách của triều đình cũng là do ông quyết định. Tào Tháo chính là kiểu "Đế trong như đã mặt ngoài còn e", lấy danh nghĩa là thừa tướng để đi làm việc của một hoàng đế, thực tế đã là "hoàng đế" rồi thì còn tính toán chi ly cái danh xứng "hoàng đế" làm chi? Hán Hiến Đế có danh xưng là "Hoàng đế", nhưng có tác dụng gì?
Tào Tháo nói trong "Thuật Chí lệnh": "Thân vi tể tướng, nhân thần quý dĩ cực, ý vọng dĩ quá hĩ!", ý muốn nói bản thân có thể làm đến chức thừa tướng đã là cao quý, thỏa mãn lắm rồi. Trở thành "hoàng đế trên thực tế", Tào Tháo đương nhiên là hài lòng rồi, được tận hưởng các đãi ngộ mà chỉ hoàng đế mới được hưởng thì cần gì phải công khai làm hoàng đế, làm như vậy ngược lại sẽ giúp Lưu Bị và Tôn Quyền nắm được đằng chuôi và trở nên thụ động hơn, điều này là không cần thiết! Nếu nhất định muốn cái danh xưng hoàng đế này, vậy thì hãy để con trai làm, vì vậy mà Tào Tháo mới nói: "Nếu thiên mệnh chỉ trúng tôi, vậy thì tôi sẽ làm Cơ Xương Chu văn Vương!". Lịch sử sau này cũng đã chứng minh rằng Tào Tháo thực sự đã chuẩn bị kỹ lưỡng để giúp con trai lên làm hoàng đế.
Nói tóm lại, Tào Tháo đã xử lý rất khéo léo trong vấn đề có nên xưng đế hay không. Ông lấy danh nghĩa thừa tướng đi làm việc của một hoàng đế, về mặt hình thức vẫn duy trì được lễ giáo Nho gia, về mặt thực tế đã hiện thực hóa được dã tâm và tham vọng của mình, đồng thời khiến Lưu Bị và tôn Quyền không nắm được đằng chuôi, hơn nữa lại tạo được điều kiện thuận lợi giúp con trai sau này xưng đế.
Trí thức trẻ